Bò Úc không ngon ăn
Nhập khẩu lỗ hay lãi?
Chúng tôi tìm đến Cty CP Kết Phát Thịnh ở ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, là một trong số DN nhập khẩu (NK) bò Úc lớn nhất Việt Nam.
Từ năm 2013, DN này đã NK bò Úc về vỗ béo, sau đó đưa vào giết mổ cung cấp “thịt tuột” (đã lóc xương, da) cho thị trường với số lượng khoảng vài chục ngàn con mỗi năm.
Không chỉ bán thịt bò Úc mà DN còn kinh doanh cả phân bò, hàng ngày bò Úc trong các chuồng trại nuôi nhốt SX hàng tấn phân, bán giá bình quân là 200 ngàn đồng/m3.
Vì vậy, gần như tháng nào cũng có “lô” bò Úc được nhập, tháng này Cty nhập về 8.000 con, hiện đang trên đường vận chuyển về Việt Nam sau 10 ngày nữa, nâng tổng đàn bò Úc tồn kho lên đến 15.000 con.
Do số lượng nhập khẩu khá lớn nên ngoài 4 trại nuôi nhốt rộng khoảng 2 ha/trại chuyên nuôi vỗ béo tại huyện Đức Hòa, Cty này còn mở thêm một trang trại ở tỉnh Nghệ An để giết mổ cung cấp thịt bò Úc cho thị phần miền Bắc.
Tuy nhiên, do việc NK từ Việt Nam tăng, mạnh ai nấy làm, thời gian qua các Cty XK bò Úc tăng giá lên 30 cent/kg bò hơi cộng với tỷ giá đồng USD tăng quá mạnh nên đã gây khó khăn không ít cho DN NK.
Ông Võ Quan Huy, đại diện Cty Kết Phát Thịnh cho biết, giá nhập khẩu bò Úc (hơi) hiện dao động từ 2,6-2,95 USD/kg, bình quân 2,8 USD/kg tùy theo chất lượng bò.
Sau đó, nhân thêm 5% thuế nhập khẩu cùng 5% thuế VAT và 5% tỉ lệ hao hụt cho kết quả giá thành NK cuối cùng là 3,2 USD/kg tương đương 71 ngàn đồng/kg (1 USD = 22.000 đồng), nhưng bán ra thị trường trong nước chỉ có 70 ngàn/kg. Rõ ràng lỗ.
“NK bò Úc về bán thịt mà kêu lỗ nghe lạ thật, nhưng thực tế nó vậy. Cho nên muốn có lãi, nhập bò nặng 350 kg, phải nuôi vỗ béo lên 450 kg mới có lãi.
Cụ thể, sau khi nuôi cách ly 7 ngày (tiêm phòng tụ huyết trùng và LMLM) thì tiếp tục vỗ béo thêm 3 tháng nữa, một ngày cho ăn 30 kg thức ăn gồm cỏ, rỉ mật, thân cây bắp, cám hỗn hợp cùng 50 lít nước, nó sẽ tăng trọng được 1,1 kg/ngày.
Nuôi 3 tháng sẽ triệt tiêu 5% hao hụt ban đầu. Nhưng con bò Úc bên họ thức ăn chủ yếu là cỏ thiên nhiên, còn khi đưa về VN vỗ béo giống như nuôi heo công nghiệp nên nuôi quá hạn, quá lứa thì nó cũng sinh mỡ nhiều không xuất chuồng được.
Thế nên, các DN NK có thắng hay không chủ yếu là phải trang bị được chuồng trại, đồng cỏ tự nhiên và khu vực giết mổ hiện đại. Còn DN nào bán ra 65 ngàn đồng/kg hơi nhưng kêu có lãi, có thể họ kinh doanh thời vụ hoặc chỉ có ăn gian thuế” - ông Huy nhấn mạnh.
Trái lại, một ý kiến khác của ông Lưu Bích, chủ DN NK bò Úc ở quận Tân Bình (TP.HCM) mới tham gia thị trường bò Úc từ cuối quí 2 năm 2104 lại cho rằng kinh doanh bò Úc chắc chắn có lãi vì giá nhập sống có thời điểm tối đa chỉ có 2 USD/kg.
Sau khi cộng thêm 5% thuế suất NK, 5% VAT, tiền vận chuyển về khu lưu nhốt và các chi phí khác phát sinh thì giá thành chưa tới 60 ngàn/kg hơi. Trong khi đó, giá bò Úc mà DN đang bán cho các lò giết mổ giá 70 ngàn đồng/kg trở lên.
Cái khó và đau đầu nhất hiện nay của DN NK bò Úc là khu cách ly, khu nuôi nhốt có mặt bằng sạch sẽ rộng rãi, một chuồng trại nuôi nhốt 1.500 con phải cần diện tích ít nhất là 1,1 ha (theo tiêu chuẩn của Úc là 7m2 sàn/con), cùng với đồng cỏ, thức ăn tự nhiên cho nó. |
“Bên đó người ta rao bán cả đàn từ 1.000 con đến 10.000 con, trong đó có con tốt, con gầy xấu. Trong đàn bò NK nếu gặp ít con gầy thì tỷ lệ hao hụt càng thấp.
Có đáng lo?
Theo tìm hiểu chúng tôi, hiện nay giá bò tại Úc tăng rất mạnh so với lô hàng đầu tiên Cty Kết Phát Thịnh nhập về vào năm 2013 (50 ngàn/kg hơi).
Các giống bò Úc chủ yếu là giống Brahman (cho thịt và sinh sản), Angus (chuyên cho thịt) và Droughtmaster. Trong đó, giống bò thịt Brahman được nhiều DN NK ưa chuộng do có ưu điểm tăng trọng nhanh trong giai đoạn vỗ béo nhưng việc chăm sóc đầu tư chỉ ở mức tối thiểu.
Chỉ tính riêng tại thị trường TP.HCM, theo dự báo của Chi cục Thú y TP, mỗi ngày tiêu thụ trung bình 600 con bò, trong đó bò nội địa vỏn vẹn chưa đến 100 con, còn lại phải nhập bò từ Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Úc...
“Theo tôi, cần phải khai thác triệt để các đặc tính tốt của bò Úc nhập khẩu, bởi nó cao lớn, sạch bệnh nên có thể không cần lai giống bằng cách nhập tinh, bơm tinh bò như hiện nay. Có thể lai trực tiếp từ bò Úc NK với bò trong nước để cải thiện đàn bò trong nước là phương án tốt nhất. Đừng nghĩ rằng con bò Úc nhập về nhiều sẽ làm thiệt hại ngành chăn nuôi mà cái đáng sợ nhất là thịt trâu đông lạnh của Ấn Độ đã và đang nhập khẩu bán với giá có 100 ngàn/kg!” (Ông Võ Quan Huy - Cty CP Kết Phát Thịnh). |
Nếu tính lượng bò nhập từ các tỉnh miền Trung trở vào, mỗi ngày cũng có ít nhất 4.000 con từ các nước lân cận được đưa về giết mổ, bán ra thị trường.
Do đó, các DN NK bò Úc “đo lường” thị trường thịt bò tại VN còn rất lớn, nên trong năm 2013 chỉ có 2-3 đơn vị chuyên NK bò Úc nhưng sau 3 năm đã “bùng nổ” không dưới chục đơn vị.
Ông Huy tiết lộ, năm 2014 tổng đàn bò Úc nhập về VN có trên 180 ngàn con, nhưng từ đầu năm 2015 đến nay số lượng nhập về đã lên đến con số 200 ngàn con. Trọng lượng đàn bò nhập khẩu bình quân từ 350-500 kg/con.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Huy, đừng nghĩ rằng con bò Úc nhập về nhiều sẽ gây thiệt hại cho người chăn nuôi trong nước, bởi giá thịt bò nội và ngoại vẫn còn ngang ngửa, bình quân 70 ngàn đồng/kg bò hơi, tức khoảng 160 ngàn/kg “thịt tuột” bán ra từ lò mổ.
Theo ông Trương Văn Tuấn, Trưởng trạm Thú y huyện Đức Hòa (Long An), trong khi bò lai Sind nội đang được các hộ nông dân nuôi phổ biến, cứ 3,3 kg hơi sau khi giết mổ mới lấy được 1 kg thịt tuột, còn bò Úc giống Brahman chỉ có 2,7 kg hơi là ra 1 kg thịt tuột.
Đây cũng là ưu điểm của con bò ngoại. Nhưng qui trình giết mổ bò Úc cũng rất nghiêm ngặt, khu vực giết mổ phải sạch sẽ cao ráo, cách mặt đất 80 cm, đặc biệt phải đối xử nhân đạo với vật nuôi, trong khu vực giết mổ phải có chuồng ép để bắn súng hơi gây ngất.
Đây cũng là lý do mà có một số DN đang rất muốn nhảy vào lĩnh vực kinh doanh này, nhưng họ còn e ngại vì không đáp ứng được lò giết mổ theo tiêu chuẩn Úc!
Related news
Được đặc xá ra tù, Trần Văn Dương (SN 1965, xã Đức Long, Đức Thọ, Hà Tĩnh) lăn lộn học hỏi kinh nghiệm làm trang trại. Sau gần chục năm tích lũy kinh nghiệm anh về quê lập nghiệp, đến nay trang trại của anh có thu nhập tiền tỷ.
Hiện nay, các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành (Long An) thả hơn 3.400 ha tôm thẻ, tôm chân trắng; trong đó đã có 40% diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng chết. Nhiều hộ mới vừa thả con giống được 15 - 20 ngày, tôm bị sốc nước chết, nên tháo xả ra sông gây thiệt hại không nhỏ.
Ấp Bình Thới và Bình Thiện (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú - An Giang) hiện có gần 20 hộ làm nghề đánh bắt cá bông lau. Chị Bùi Thị Dành (ngụ ấp Bình Thới), có hơn 30 năm trong nghề đánh bắt cá bông lau cho biết, hiện trên sông Vàm Nao, người dân đánh bắt cá bông lau bằng cách dùng lưới đăng (hay còn gọi là lưới ngầm) và lưới thả dùng đánh bắt vào ban đêm. Từ đầu mùa đánh bắt đến nay, chị Dành đã bắt được 9 con cá bông lau, mỗi con nặng từ 3 - 8kg; giá bán cho thương lái thời điểm đầu mùa từ 160 - 180 ngàn đồng/kg, còn hiện tại khoảng 120 ngàn đồng/kg.
Hàng chục hộ dân ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) mất ăn, mất ngủ vì cây bắp (ngô) bị "bệnh lạ" tấn công khiến cho cây bắp không phát triển. Nhiều hộ nông dân đang đứng trước nguy cơ mất trắng một mùa vụ trồng bắp.
Ba năm trở lại, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập 9 khu bảo vệ thủy sản, nhằm bảo vệ và khai thác thủy sản ở đầm phá ngày một tốt hơn.