Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu quả từ mô hình nuôi hươu lấy nhung

Hiệu quả từ mô hình nuôi hươu lấy nhung
Author: Đinh Yến
Publish date: Wednesday. September 28th, 2016

“Nhàn hơn nuôi bò”

Là một trong những hộ tham gia mô hình nuôi hươu, ông Trần Văn Hồng (thôn Ia Lâm, thị trấn Ia Ly) thấy rõ hiệu quả kinh tế từ mô hình mang lại. Ông Hồng so sánh: “Nuôi 10 con hươu nhàn bằng chăn một con bò!”.

Giữa năm 2013, gia đình ông Hồng được chọn tham gia mô hình.  Mô hình cấp cho gia đình ông 4 con hươu giống (2 cái, 2 đực). Đến cuối năm 2013, một con hươu đực đã cho nhung, còn 2 con hươu cái đẻ ra 5 con hươu con. Sau 3 năm, gia đình ông Hồng nâng đàn hươu lên 9 con, trong đó có 4 con đực cho nhung. Được biết, trước đây gia đình ông Hồng đã từng nuôi bò, heo nhưng trong quá trình nuôi hay bị mắc bệnh, cộng với giá cả bấp bênh nên lời lãi chẳng là bao. “Từ giữa năm 2013, gia đình tôi tham gia mô hình nuôi hươu lấy nhung, đem lại hiệu quả gấp nhiều lần so với các vật nuôi khác. Hơn nữa, hươu ít bị dịch bệnh, lượng thức ăn hàng ngày cũng ít, do chúng chỉ ăn những loại lá cây, cỏ voi trồng và bắp. Hiện tại, với lợi nhuận mang lại, gia đình tôi đang có hướng phát triển hươu sinh sản để nhân giống cho bà con trên địa bàn”-ông Hồng cho biết.

Hộ thứ hai tham gia mô hình nuôi hươu lấy nhung là gia đình bà Nguyễn Thị Vân (thôn Ia Siar, thị trấn Ia Ly). Tham gia mô hình cùng đợt với ông Hồng, gia đình bà Vân cũng được cấp 4 con giống và giờ phát triển lên 10 con. Nhìn đàn hươu lớn nhỏ, con nào con nấy béo mượt, trong đó có 1 con đực cho nhung, 2 con đực khác đang chuẩn bị được khai thác lứa đầu, bà Hồng không giấu được niềm vui: “Mới đầu, nhận tham gia mô hình gia đình tôi lo lắm, sợ rằng không nuôi tốt sẽ mang tiếng. Nhưng sau 3 năm, tôi thấy nuôi hươu rất nhàn. Bình thường hươu chỉ ăn các loại cỏ, như cỏ voi, lá cây. Nếu trong chuồng có 10 con hươu mỗi ngày chỉ cần 15 phút cắt cỏ cho hươu ăn. Nhờ mô hình hỗ trợ cho 2 sào giống cỏ voi nên gia đình tôi cũng đỡ tốn công đi kiếm lá, cỏ cho hươu ăn. Trừ những lúc hươu bắt đầu mọc nhung thì cần chế độ chăm sóc đặc biệt hơn để nhung đạt trọng lượng, chất lượng cao hơn. Khi đó, gia đình tôi cho ăn thêm bắp. Tính ra, mỗi lần hươu cho nhung đầu tư thêm bắp cũng không tốn nhiều tiền, khoảng 1 tạ bắp (500.000 đồng). Sau khi cắt nhung xong thì lại cho hươu ăn cỏ như bình thường”.

Về chăm sóc hươu, cả 2 hộ nói trên đều cho rằng để hươu phát triển tốt thì phải hiểu được đặc tính của hươu. Hươu chịu được nóng chứ không chịu được lạnh. Vì thế về mùa lạnh cuối năm, chuồng trại cần được che chắn kỹ. Có thể cho thêm rơm vào chuồng để hươu nằm thêm ấm. Còn mùa nóng thì phải thường xuyên dọn chuồng sạch sẽ.

Đầu tư ít, lãi cao

Theo ông Trần Văn Hồng, hiện nay, về giá hươu giống trên thị trường, hươu đực 15 triệu đồng/con, hươu cái 12 triệu đồng/con. Nếu mỗi hộ đầu tư 4 con giống (2 đực, 2 cái) thì chi phí đầu tư ban đầu hết khoảng 55 triệu đồng, nuôi một thời gian sau 2 con hươu đực cho nhung, còn 2 con cái để sinh sản thì khoảng 2 năm sau là thu hồi vốn.

Ông Hồng cho biết: Nuôi hươu chỉ hươu đực mới cho nhung còn hươu cái để sinh sản. Chu kỳ sinh nở của hươu cái mỗi năm đẻ 1 con/lần, mỗi lần mang thai khoảng gần 4 tháng là đẻ. Còn hươu đực 2 năm tuổi là có thể cho nhung. Lộc nhung bắt đầu mọc vào giữa năm, từ khi nhung mọc đến khi cắt được khoảng 45 ngày. Mỗi năm một con hươu cho nhung 1 lần. Năm đầu tiên, hươu cho nhung khoảng từ 1 đến 2 lạng/con, từ năm sau tăng dần lên. Tuy nhiên, việc thu hoạch nhung hươu còn tùy thuộc vào thời gian và độ tuổi của nhung chứ không nhất thiết phải cắt ngay. Đặc biệt, sau khi cắt nhung cần chăm sóc hươu cẩn thận hơn, cho ăn tốt hơn.

Theo đánh giá của ông Hồng, bà Vân, nhung hươu được coi là dược liệu quý và được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, lượng nhung hươu của họ không đủ đáp ứng các nơi đặt hàng. Tất cả lượng nhung thu hoạch được mới đang cung cấp cho người dân trong vùng với giá 2,5 triệu đồng/lạng. Từ hiệu quả của mô hình, ông Hồng và bà Vân đang tập trung nhân đàn để vừa bán nhung vừa bán hươu giống cho bà con trong vùng. 

Trao đổi với P.V, ông Đặng Anh Tuấn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah, cho biết: “Sau 3 năm triển khai mô hình nuôi hươu lấy nhung đã mang lại hiệu quả bước đầu. Từ đây, chúng tôi sẽ tuyên truyền, tổ chức cho người dân tham quan mô hình để bà con biết và lựa chon hướng chăn nuôi mới”.


Related news

Click chuột để nuôi lợn điều hòa Click chuột để nuôi lợn điều hòa

Thăm trang trại nuôi lợn của chị Trịnh Thị Mý, xã Phù Lương, huyện Quế Võ (Bắc Ninh), chúng tôi tin ngay lời giới thiệu của Hội nông dân tỉnh về mô hình “nuôi lợn công nghệ cao, lợn nằm điều hòa”.

Wednesday. September 28th, 2016
Gặp lão nông xuất sắc dưới chân dãy Tam Đảo Gặp lão nông xuất sắc dưới chân dãy Tam Đảo

Giáp chân dãy núi Tam Đảo hùng vĩ, có 1 lão nông-cựu chiến binh cần cù, giàu nghị lực. Từ hai bàn tay trắng, ông đã gây dựng nên trang trại tổng hợp đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông là Lý Văn Thiệp, xóm Bậu 2, xã Văn Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.

Wednesday. September 28th, 2016
Nhà nông Sơn La thu 10 tấn/ha ngô biến đổi gen Nhà nông Sơn La thu 10 tấn/ha ngô biến đổi gen

Tại thời điểm này, người trồng ngô đang gặp nhiều khó khăn do giá ngô giảm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV NTNN tại Sơn La, nhờ kịp thời lựa chọn giống biến đổi gen vào trồng, nên dù giá có giảm, người nông dân vẫn có lãi với năng suất ngô lên tới 10 tấn/ha.

Wednesday. September 28th, 2016