Bố Trí Lại Vùng Nuôi
Rà soát lại quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ bố trí, sắp xếp, di dời các cơ sở nuôi cá, hàu lồng bè trên sông Chà Và (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào khu quy hoạch NTTS là việc làm bức thiết. Có như vậy mới có thể sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên và lợi thế sông nước.
Chủ bè mặc nhiên đưa phuy nhựa, tre, cọc gỗ ra sông để lắp đặt khu nhà lồng bè mới, không xin phép địa phương hay cơ quan chức năng.
Quy hoạch bị phá vỡ
Theo ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục NTTS, Quy hoạch (QH) chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu NTTS lồng bè trên sông Chà Và được ban hành từ năm 2007. Theo đó, có 7 vùng nuôi cá biển lồng bè, bố trí 5.800 lồng, tương ứng với diện tích 64,8 ha, sản lượng bình quân khoảng 6.000 tấn/năm. Đồng thời bố trí 9 vùng bãi triều với diện tích 72,4 ha dùng cho việc nuôi các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có giá trị kinh tế như hàu, sò huyết.
Tuy nhiên, cho đến nay, trong số 7 vùng NTTS theo QH năm 2007 thì, tại vùng nuôi số 1 còn trống 70% diện tích. Vùng 3 còn trống 18% diện tích. Riêng các vùng 5, 6, 7 (120,5 ngàn m2/3.352 lồng) hoàn toàn bỏ trống. Trong khi đó, số lồng bè đã vượt quá số lượng cho phép tại vùng nuôi số 2 (123%) và vùng nuôi số 4 (132%).
Cùng Đoàn giám sát chuyên đề của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát tình hình NTTStrên sông Chà Và, ông Nguyễn Thành Cường, Chánh thanh tra Sở NN & PTNT cho biết, đoạn từ cửa sông Chà Và đến cầu Ba Nanh và đoạn 2km từ cầu Chà Và đi về hướng ngã ba Mõm Heo sông Mũi Giui có 10 hàng đáy với 44 miệng đáy chưa giải tỏa được. Sự tồn tại của hàng đáy này lấn chiếm diện tích khu QH NTTS lồng bè. Đây cũng là một trong những nguyên do để các hộ NTTS không đưa bè vào nuôi đúng theo QH. Hơn nữa, để tránh nguồn nước ô nhiễm từ các cơ sở chế biến hải sản Tân Hải, nhiều hộ NTTS khu vực thượng nguồn sông kéo bè về, khiến cho mật độ lồng bè NTTS gần cầu Chà Và ngày càng dày đặc.
Chỉ tay về phía bờ Đông của sông,ông Cường cho biết thêm, hiện khu vực này tập trung nhiều bè hơn bờ Tây vì sự thuận lợi trong giao thông từ bờ ra bè và ngược lại. Nhiều hộ lấn chiếm luồng lạch, bám sát hai bên hành lang an toàn giao thông thủy cầu Chà Và, ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông thủy tuyến dọc cầu.
Cần sắp xếp, bố trí lại vùng nuôi
Từ các vấn đề khách quan và chủ quan tác động trực tiếp lên khu QH, cho thấy hiện các vùng nuôi đã không còn phù hợp, đòi hỏi các ngành chức năng và địa phương cùng ngồi lại bàn bạc, đánh giá lại toàn bộ vùng QH NTTS trên sông Chà Và, xem xét lại tác động của thủy triều, vùng nước, hướng gió, điều kiện vận chuyển… Đề nghị UBND tỉnh cho phép lập lại QH, điều chỉnh, mở rộng vùng nuôi số 8 khu QH NTTS lồng bè tập trung trên sông Chà Vàvà bố trí di dời các bè cá từ sông Dinh (huyện Tân Thành) về. Dự kiến sẽ bố trí 463 lồng nuôi từ sông Dinh về vùng 1; điều bớt 70 lồng từ vùng 2 qua vùng 3, nâng tổng số vùng 3 lên 406 lồng; giãn 247 lồng vùng 4 về vùng 8; đưa toàn bộ bè nuôi trái phép từ địa bàn huyện Tân Thành về vùng 4, 5, 6 đang chưa có bè nào.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng Phòng Kinh tế TP.Vũng Tàu cũng công nhận, địa phương chưa tổ chức quản lý tốt hoạt động của các hộ NTTS. Do vậy, TP.Vũng Tàu yêu cầu UBND xã Long Sơn gấp rút lập danh sách các hồ sơ và có quyết định giao cho thuê mặt nước để NTTS. Theo đó vận động, khuyến khích hộ nuôi thành lập các tổ hợp tác làm đầu mối trong việc phổ biến kiến thức về phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kỹ thuật nuôi, tạo môi trường thuận lợi cho nguồn nước lưu thông, tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt và xử lý theo quy định.
Hiện trên sông Chà Và có 115 hộ NTTS, với tổng số 2.866 lồng nuôi (đạt 49% QH), chiếm diện tích 135.288 m2 (bằng 21% QH). Trong đó, số hộ được cấp phép là 14, còn lại 101 hộ nuôi chưa được cấp phép, chưa có hợp đồng thuê mặt nước cùng các giấy tờ liên quan. Chỉ có 36/115 hộ được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y thủy sản.
ÔNG TRẦN PHÚC CHỈNH, TRƯỞNG BAN KINH TẾ - NGÂN SÁCH HĐND TỈNH: Kiên quyết chấm dứt tình trạng xả thải chưa qua xử lý: Người dân đổ công ra nuôi con cá, con hàu từng ngày từng giờ ngoài sông nước, nhưng chưa kịp thu hoạch thì vì nguồn nước ô nhiễm mà chết hàng loạt, thiệt hại rất lớn về vốn. Các Sở, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý, kiên quyết chấm dứt tình trạng xả thải chưa qua xử lý. Đồng thời xây dựng kế hoạch đưa các cơ sở chế biến hải sản tại khu vực Tân Hải vào khu vực QH để bảo vệ môi trường.
ÔNG TRẦN VĂN CƯỜNG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN & PTNT TỈNH: Xây dựng khu quy hoạch mới: Sở đã tiến hành khảo sát hiện trạng khu NTTS lồng bè trên sông Chà Và; Đồng thời bàn kế hoạch cụ thể, chi tiết việc di dời, bố trí các bè cá vào khu QH NTTS mới; tổ chức thực hiện công tác di dời tất cả các bè nuôi trái phép trên sông Dinh, sông Rạng, sông Rạch Tranh, sông Mỏ Nhát… về khu QH NTTS lồng bè trên sông Chà Và theo phương án đề xuất.
KỸ SƯ NUÔI TRỒNG PHẠM THANH HÀ: Người dân mong đợi các chính sách mới cho làng nuôi bè: Người dân làng bè mong đợi Quy chế quản lý khu NTTS lồng bè tập trung trên sông Chà Và và quy định giao hoặc cho thuê đất, mặt nước của UBND tỉnh đối với các tổ chức cá nhân có yêu cầu theo đúng thẩm quyền. Có cán bộ hướng dẫn các thủ tục hành chính cho người dân biết và thực hiện, tránh tình trạng lập bè tự phát, ồ ạt, mất kiểm soát như hiện nay.
Related news
Việc 12 nước tham gia đàm phán TPP đạt được thỏa thuận đang mở ra cơ hội cho Việt Nam bước vào một “sân chơi” rộng lớn và có ý nghĩa quyết định cho tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Giá lúa gạo trong vùng đang tăng mạnh do thiếu nguồn cung chế biến gạo xuất khẩu, nông dân có tâm lý găm hàng chờ giá lên.
Nông sản Hậu Giang nổi tiếng với những thương hiệu độc đáo như bưởi hồ lô, khóm Cầu Đúc, cá thát lát, cá rô đầu vuông... Nông dân Hậu Giang luôn là những con người cần cù, sáng tạo.
Do đặc thù chín lệch ngày so với chính vụ, thơm ngon đồng thời cho sản lượng cao hơn các giống khác nên nhãn chín muộn ở vùng đất đồi Yên Thế (Bắc Giang) chiếm được cảm tình của khách hàng gần xa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Xuất phát điểm chỉ với hai bàn tay trắng, nhưng bằng ý chí và quyết tâm làm giàu, ông Nguyễn Hành, ngụ thôn Trường Giang, xã Trà Tân (Trà Bồng) trở thành nông dân tiêu biểu của vùng đất quế, khi hằng năm thu lãi gần 300 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp.