Bỏ lúa, ngô kém hiệu quả, trồng gừng thu nhập cao
Cây gừng dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, thu hoạch cũng dễ và thu hoạch xong được thu mua hết với giá từ 12.000 - 15.000 đ/kg tùy thời điểm bán.
Đồng bào Mông Kỹ Sơn chăm sóc gừng.
Nói đến cây gừng ở Kỳ Sơn (Nghệ An), nhiều người tiêu dùng trên cả nước đều biết, bởi gừng được trồng trên núi cao có hương thơm đặc trưng, vị cay quyến rũ và đặc biệt củ rất ít xơ.
Cách đây 4 - 5 năm, vào thời điểm này đến huyện vùng cao Kỳ Sơn sẽ thấy bà con các dân tộc ở đây đốt rừng, chặt cây rừng để lấy đất làm nương rẫy gieo hạt lúa, hạt ngô. Bây giờ tình trạng này cơ bản đã chấm dứt, cây gừng xanh tươi phủ kín đồi.
Ông Hồ Bá Cổn ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn nói: Gia đình tôi có gần 1ha đất nương rẫy, trước đây chỉ làm lúa và làm ngô, lúa làm vụ mùa, ngô gieo vụ xuân. Diện tích nhiều, nhưng thu hoạch chẳng được bao nhiêu, quanh năm vẫn thiếu ăn. Hai năm nay nghe huyện và xã kêu gọi chuyển lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng gừng để cho thu nhập cao hơn. Gia đình tôi hưởng ứng ngay và dành cả gần 1 ha đất trồng gừng".
Sau vài năm trồng gừng, ông Hồ Bá Cổn cho biết: Cây gừng dễ trồng, dễ chăm sóc ít sâu bệnh, thu hoạch cũng dễ và thu hoạch xong có nhiều người ở dưới xuôi lên mua hết với giá từ 12.000 - 15.000 đ/kg gừng tùy thời điểm bán. Trung bình trên diện tích đất gần 1 ha nói trên, hàng năm gia đình ông thu về hơn 60 triệu đồng, nhiều gấp 3 lần trồng lúa.
Nói về hiệu quả cây gừng, ông Hồ Bá Chá, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết: Trước đây trên địa bàn xã chỉ có một số ít gia đình trồng gừng chỉ để làm gia vị, làm thuốc chữa các bệnh thông thường.
Vài ba năm nay nhu cầu tiêu dùng củ gừng ngày càng nhiều, bán được giá, thậm chí không có để bán. UBND huyện cũng có chủ trương mở rộng quy mô trồng cây gừng thành cây trồng hàng hóa.
Sau khi thấy hiệu quả kinh tế từ củ gừng đem lại, nhiều hộ chuyển đổi cây trồng từ lúa, ngô sang trồng gừng cho thu nhập cao hơn. Tính ra, 1 ha gừng bà con dân bản thu hoạch từ 13 - 15 tấn củ, thu về trên dưới 150 triệu đồng.
Hiện toàn xã Nậm Cắn đã trồng được 117 ha gừng ở các bản: Tiền Tiêu, Trường Sơn, Khánh Thành, Huổi Pốc… Nhiều gia đình từ nghèo khó, thiếu ăn đã có thu nhập trên 70 triệu đồng/năm nhờ trồng gừng.
Phó Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, ông Xồng Vả Nênh chia sẻ: Năm 2019, cây gừng huyện Kỳ Sơn, trong đó chủ yếu là gừng ở xã chúng tôi được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, bà con dân bản ai cũng vui mừng.
Sau khi thu hoạch xong vụ gừng vừa rồi, bà con lại tiếp tục trồng và trồng nhiều hơn. Hiện toàn xã đã trồng được gần 400 ha gừng và là xã có diện tích gừng được trồng nhiều nhất huyện.
Nhiều người dân ở bản Buộc Mú, xã Na Ngoi cho biết, người Mông ở bản này không tha thiết trồng lúa, trồng ngô trên nương rẫy như ngày xưa nữa. Phần lớn dân bản đã chuyển từ trồng lúa, trồng ngô lai sang trồng cây gừng để cho thu nhập nhiều hơn.
Cái hay của trồng gừng là thu hoạch xong có người dưới xuôi đưa xe ô tô lên thu mua hết, sướng thật và gia đình nào cũng có thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm.
Chuyển đổi mạnh để mở rộng diện tích
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kỳ Sơn: Hiện bà con đang trồng 2 giống gừng, đó là gừng dé và gừng sừng trâu. Gừng dé có mùi thơm đặc trưng, củ nhỏ, vị cay nồng, thịt và vỏ củ có màu trắng ngà, rất được người dân ưa chuộng.
Loại gừng này phần lớn được các thương lái mua và đem vào tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh. Giống gừng sừng trâu được xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Quốc.
Trước khi chưa có giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn, diện tích gừng cả huyện chỉ có 260 - 300 ha.
Từ sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn thì UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã bằng mọi biện pháp mở rộng diện tích trồng gừng.
Trong đó hướng chủ yếu là chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa, ngô nương rẫy chuyển sang trồng gừng. Để giúp đỡ bà con nông dân mở rộng diện tích trồng gừng, UBND huyện trích kinh phí hỗ trợ 100% chi phí phân bón trên diện tích trồng mới và tiền giống cho 24 ha xây dựng mô hình trình diễn thâm canh gừng.
Theo kế hoạch được các xã đăng ký trồng gừng năm 2020 là 1.000 ha. Đến thời điểm này toàn huyện đã trồng được hơn 800 ha và đang tiếp tục trồng. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng 3.000 ha gừng. Sản phẩm gừng làm ra, UBND huyện sẽ có kế hoạch liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước bao tiêu cho nông dân.
"Hiện tại đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài nước trực tiếp đến Kỳ Sơn tìm hiểu để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất tại HTXNN Hương Sơn với diện tích 1.000 ha. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng...", ông Trường nói.
Related news
Đối với trâu, bò một số dịch bệnh hay nhiễm như bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi ở bê nghé non, bệnh lở mồm long móng, bệnh cước chân
Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi có hiệu quả, người chăn nuôi cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp sau:
Trước đây khi phun thuốc BVTV cho vườn cây cần 3-4 người và mất thời gian hơn nửa ngày mới phun xong. Bây giờ chỉ cần một người mở nắp chai thuốc...