Bình Phước: Những Nông Dân Trồng Tiêu Giỏi Trên Vùng Biên Giới
Anh Nguyễn Đắc Khánh, Chủ tịch Hội nông dân xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh - Bình Phước) cho biết: Ấp Thạnh Cường và Thạnh Biên hiện là vùng trọng điểm của hồ tiêu. Được giá, được mùa tiêu, nhiều nông dân ở Lộc Thạnh trở thành tỷ phú. Họ cũng là những người giàu lòng nhân ái sẻ chia với người nghèo.
Giàu lên nhờ chung thủy với hồ tiêu
Có 4.000 nọc tiêu 1-16 năm tuổi nhưng vợ chồng nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh Hoàng Xuân Tứ - Hoàng Thị Gấm, Chi hội trưởng nông dân ấp Thạnh Cường vẫn sống giản dị trong căn nhà gỗ đơn sơ, cơ ngơi của những ngày đầu lập nghiệp. Nhờ chung thủy với cây tiêu nên sau 17 năm lập nghiệp, gia đình anh Tứ đã có 3,5 ha đất. Nếu giá tiêu vẫn còn cao, mỗi năm gia đình anh sẽ trồng thêm 1.000 nọc phủ hết diện tích đất.
Năm 1996, sau chuyến tham quan miền Nam, vợ chồng anh quyết định rời huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) vào vùng biên giới Lộc Ninh lập nghiệp. Những năm đó, nơi đây vắng vẻ, cả ấp vỏn vẹn vài chục mái nhà đều chung cảnh xa xứ. Vốn quen sản xuất lúa nước nhưng khi vào lập nghiệp ở vùng đất đỏ bazan, vợ chồng anh không ngại học hỏi kinh nghiệm để chuyển đổi phương thức sản xuất. Với 1,5 ha đất pha sỏi cơm ban đầu, vợ chồng anh trồng tiêu theo phương thức cuốn chiếu, gối đầu với 3 giống chủ lực: Ấn Độ, Vĩnh Linh và tiêu Trung (tiêu sẻ).
Anh Tứ tâm sự: “Năm 1997, tôi bắt đầu trồng và trúng ngay thời hoàng kim của tiêu. Nhưng đến khi cây tiêu cho năng suất cao nhất là thời điểm giá tiêu rơi thẳng đứng chạm đáy 10 năm liền. Khó khăn nhất là hạn hán xảy ra trong mùa khô 2003-2004, lúc này giá tiêu chỉ 15-17 ngàn đồng/kg. Đa số vườn tiêu ở Lộc Ninh bị chết khô và bệnh. Tôi nghĩ: Giá xuống ắt sẽ có ngày lên vì tiêu chết, cầu sẽ lớn hơn cung nên quyết giữ hồ tiêu. Từ năm 2010 giá tiêu tăng cao ổn định, gia đình anh Tứ mỗi năm thu về tiền tỷ.
Anh Nguyễn Đắc Khánh, Chủ tịch Hội nông dân xã Lộc Thạnh cho biết, ở xã ai cũng quý tấm lòng thơm thảo của vợ chồng anh Tứ. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh Tứ cho hộ nghèo vay không lãi 20-30 triệu đồng. Những năm gần đây, Lộc Ninh trở thành địa chỉ cung ứng giống dây tiêu và luôn trong tình trạng “cháy hàng” vì nhu cầu quá lớn, nhưng anh Tứ luôn sẵn lòng bán thiếu giống cho nhiều hộ trong ấp. Vườn tiêu gia đình anh luôn được Hội nông dân chọn là địa điểm chuyển giao kỹ thuật từ kinh nghiệm thực tiễn trồng tiêu bằng phân hữu cơ.
Nhờ hồ tiêu để nuôi con ăn học
Về thăm vườn tiêu đẹp làm mô hình điểm cho nông dân học hỏi của cựu chiến binh Vũ Xuân Thủy, ấp Thạnh Cường, anh Nguyễn Đắc Khánh cho biết: Nhờ tiêu, gia đình anh Thủy có tiền nuôi 4 con gái ăn học. Hiện nay, 3 con của anh chị đang học đại học ở TP. Hồ Chí Minh, con út học lớp 6, mỗi tháng ít nhất phải có 10 triệu đồng để gửi cho các con. Tất cả đều nhờ vào vườn tiêu.
Anh Thủy kể về “duyên nợ” với cây tiêu: “Quê ở Tiên Lãng (Hải Phòng), năm 1987, tôi ra quân. Trên đường về quê, tôi đi qua vùng đất đỏ bazan màu mỡ rộng mênh mông, người thưa đã muốn gắn bó và lập nghiệp nơi đây”.
Điều may mắn nhất đối với anh là mảnh đất định cư được “trời cho” túi nước đủ để tưới cho tiêu, cà phê ngay vào thời điểm khô hạn nhất. Từ nguồn thu nhập ít ỏi của các loại cây ngắn ngày, sau 3 năm vợ chồng anh Thủy đã trồng được 5 sào cà phê và 200 nọc tiêu. Năm 1998, giá tiêu tăng cao, 200 nọc tiêu của gia đình anh Thủy nhờ chăm sóc tốt nên thu về 60 triệu đồng. Có vốn, mỗi năm gia đình anh mở rộng diện tích, đến nay đã có 2.000 nọc. Năm 2013, anh Thủy được chọn vào thành viên Câu lạc bộ những người trồng tiêu sạch của xã Lộc Thạnh (câu lạc bộ có 30 thành viên).
Dưới tán hồ tiêu, cà phê, vợ chồng anh Thủy nuôi gà, heo, vịt để có thêm thu nhập, lấy phân bón cho hồ tiêu và trồng 0,5 ha lúa ở bàu trũng để chăn nuôi. Kinh nghiệm gần ¼ thế kỷ gắn bó với cây tiêu, anh Thủy sẵn lòng chia sẻ với bà con nông dân, kể cả những người đến mua dây giống.
Kinh nghiệm của anh Vũ Xuân Thủy trồng lại tiêu trên đất tiêu đã chết là trồng đậu phộng 2 năm. Sau đó cày đất rắc vôi lên luống khử nấm bệnh. 3 năm sau trồng tiêu lại nhưng phải phóng nọc lệch hàng với hàng tiêu cũ.
Related news
Ngư dân trong tỉnh An Giang đánh bắt được cá bông lau tại các bãi đánh trên sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao, báo hiệu mùa cá bông lau đã bắt đầu. Đầu vụ cá năm nay, ngư dân đánh bắt được nhiều cá lớn (từ 5 – 8kg/con), giá bán từ 250.000 – 270.000 đồng/kg.
Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (sau đây gọi tắt là Trạm Cát Tiến) thuộc Trung tâm Giống thủy sản (Sở NN-PTNT) Bình Định, là nơi chuyên sản xuất giống thủy sản nước lợ và nước mặn. Điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, công việc vất vả, nhưng các cán bộ của Trạm vẫn nỗ lực tạo nên những giống mới, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
Mô hình đã thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống và ương lươn giống theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng thức ăn phù hợp, không sử dụng thuốc hóa học, góp phần giảm chi phí sản xuất, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người nuôi và môi trường xung quanh.
Cá chép là loài thủy sản được nông dân chọn thả nuôi trên ruộng khá nhiều trong mùa lũ, vì loài cá này ăn thức ăn tự nhiên, tỷ lệ hao hụt ít. Năm nay lũ nhỏ, cá loại 1 ít; mặt khác, cá này dễ bị chết sau khi kéo khỏi mặt nước, nên không trữ lại được mà phải tiêu thụ ngay.
Nếu không được ông Phan Văn Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Phú cho biết trước thì chúng tôi khó có thể nghĩ đó là một ông chủ đang sở hữu gần 20 trại nuôi chim bồ câu đặt tại 6 tỉnh, thành và còn là ông chủ của 4 nhà hàng ở Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.