Biện pháp hạn chế tác hại của hạn mặn đến đàn vật nuôi
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng và tình hình nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền như hiện nay, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của đàn vật nuôi. Tùy theo loại vật nuôi, số lượng nước sử dụng, nồng độ mặn và thời gian cung cấp dài hay ngắn mà mức độ ảnh hưởng của hạn mặn đến vật nuôi sẽ khác nhau.
Để hạn chế tác hại của hạn mặn, các hộ chăn nuôi cần lưu ý những vấn đề sau:
Tác hại của nước bị nhiễm mặn đối với đàn vật nuôi:
Khi sử dụng nước bị nhiễm mặn, đàn vật nuôi bị rối loạn tiêu hóa đưa đến tiêu chảy. Nếu sử dụng nước có độ mặn vượt ngưỡng chịu đựng của vật nuôi trong thời gian dài có thể gây ngộ độc và dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng bệnh về thận. Khi đó, sức đề kháng vật nuôi giảm tạo điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật có hại xâm nhập gây ra các bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả, E.Coli, phó thương hàn, tụ huyết trùng... ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng và sức kháng bệnh của vật nuôi, nếu bị nặng sẽ làm chết vật nuôi.
Khả năng chịu mặn của một số loài vật nuôi:
- Vật nuôi chịu mặn từ 1‰ - 2‰: Gà, vịt.
- Vật nuôi chịu mặn dưới 4‰: Lợn (heo).
- Vật nuôi chịu mặn dưới 7‰: Trâu, bò, dê.
- Vật nuôi chịu mặn từ 11‰ - 15‰: Vịt biển.
Tuy nhiên, đối với gia súc non, đang mang thai và cho sữa thì khả năng chịu mặn kém hơn ở gia súc trưởng thành và gia súc nuôi thịt.
Các biện pháp kỹ thuật nuôi hạn chế tác hại của hạn mặn:
* Chuồng trại:
- Chuồng trại thoáng mát, bố trí hệ thống phun sương lên mái chuồng để giảm bớt nhiệt, lắp đặt quạt điện, hệ thống thông gió.
- Điều chỉnh mật độ nuôi trong từng ô chuồng, dãy chuồng.
- Lựa chọn loài vật nuôi thích nghi cao với nước nhiễm mặn.
- Khuyến cáo áp dụng kỹ thuật nuôi khô, nuôi cạn đối với vịt.
- Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.
- Hạn chế tối đa sử dụng nước mặn để dội rửa chuồng, máng ăn, máng uống.
- Định kỳ tiêu độc sát trùng chuồng trại 2 lần/tuần.
* Chăm sóc - nuôi dưỡng:
- Tăng cường chăm sóc dinh dưỡng, bổ sung Bcomplex, Vitamin C, chất điện giải… vào trong nước uống hoặc trong thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
- Giảm bớt lượng thức ăn tinh, thay vào đó là các loại thức ăn rau xanh.
- Trong chăn nuôi trâu, bò, dê ngoài nguồn thức ăn xanh, nên chế biến và sử dụng các loại thức ăn ủ chua, rơm ủ urê để tăng khả năng tiêu hóa, giúp vật nuôi sử dụng nhiều thức ăn hơn.
- Phòng bệnh bằng các loại vắcxin: Dịch tả, tụ huyết trùng, lỡ mồm long móng… giúp tăng khả năng miễn dịch chống lại các loại bệnh nguy hiểm.
- Người chăn nuôi phải có biện pháp trữ nước ngọt để dùng cho gia súc, gia cầm uống. Có thể trữ nước ngọt bằng cách đắp đập cục bộ trong mương vườn, ao hồ để bơm lên lắng lọc, xử lý hóa chất diệt khuẩn cho vật nuôi uống.
- Thường xuyên theo dõi lịch đóng mở cống lấy nước ngọt và đo kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước hợp lý để phục vụ nhu cầu nước uống cho vật nuôi và vệ sinh chuồng trại.
Related news
Nhằm tiếp tục kiểm soát, ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở các hộ trang trại, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) vừa có văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành về việc triển khai ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Từ những cặp gà giống Ðông Tảo thuần chủng được tuyển chọn ở trại giống tại tỉnh Bình Phước, sau 5 năm chăm sóc nhân giống, đến nay ông Tôn Văn Cầu, ở thôn Thiện Ðức Bắc - xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã nâng quy mô đàn lên 300 con.
Năm nay, Trạm Khuyến nông huyện Lục Nam (Bắc Giang) xây dựng mô hình nuôi vịt an toàn sinh học tại các xã: Bắc Lũng, Yên Sơn, Lan Mẫu với quy mô khoảng 3 nghìn con.