Bí thư tỉnh ủy quyết nuôi bò
Chia sẻ với VnExpress sau chuyến tham quan mô hình nuôi bò của Bầu Đức tại Campuchia và Gia Lai mới đây, Bí thư Hà Nam – Mai Tiến Dũng cho biết ông rất tự tin với kế hoạch xây “biệt thự bò” cho nông dân tỉnh nhà.
Dù rất ấn tượng với cách làm cơ giới hóa trên quy mô lớn, song theo ông Dũng, Hà Nam sẽ phải làm khác với Bầu Đức bằng mô hình nhóm hộ gia đình và hợp tác xã kiểu mới. “Hà Nam không có điều kiện làm lớn như Hoàng Anh Gia Lai mà chủ thể sẽ là người dân, phụ thuộc vào người dân. Mỗi hộ là một doanh nghiệp với quy mô khoảng 50 con bò” ông Dũng nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương thừa nhận, không phải nông dân nào cũng có thể nuôi bò mà trước tiên sẽ là người khá giả, dù cho tỉnh cũng có gói hỗ trợ cả trăm tỷ cho nông dân.
“Hiện ở Gia Lai, mỗi con bò sữa cho doanh thu khoảng 6 triệu đồng. Như vậy, nếu hộ có 30 con thì mỗi tháng có thu nhập khoảng 180 triệu đồng. Chúng tôi cũng xác định việc nuôi bò sữa dành cho những gia đình khá giả, còn những gia đình không có điều kiện thì sẽ trồng cỏ để cung cấp cho bò cũng là cách giải quyết việc làm cho nông dân”, ông Dũng cho biết.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, sau lễ ký kết thỏa thuận hỗ trợ phát triển đàn bò sữa của tỉnh với Nutifood và Hoàng Anh Gia Lai hồi tháng 3, đàn bò gần 1.500 con ở địa phương này đã bắt đầu được lắp hệ thống phun sương, quạt trần. Thế nhưng sau chuyến học hỏi thực tế mô hình của Bầu Đức, tỉnh sẽ giúp nông dân xây thêm khu sân chơi, khu vắt sữa riêng để giúp tăng chất lượng đàn bò.
Theo ngành nông nghiệp Hà Nam, đến cuối năm 2015 đàn bò sẽ phát triển lên 4.000 con và đạt 10.000 con 5 năm sau để chiếm khoảng 50% GDP trong nông nghiệp của tỉnh. Hà Nam xác định chăn nuôi sẽ là ngành chính trong nông nghiệp khi nuôi bò sữa và nuôi heo khoảng 470.000 con mỗi lứa, chiếm trên 80% tỷ trọng ngành nông nghiệp.
“Hà Nam rất quyết tâm. Và để cụ thể hóa nó, tỉnh đã ban hành một loạt chính sách chứ không nói vo”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo đó, cùng với việc xây dựng quy hoạch khu chăn nuôi 45km dọc bờ sông Hồng và Châu Giang, tỉnh cũng cam kết làm đường giao thông, đường điện, nước sạch tới tận chân hàng rào các biệt thự bò của dân.
Những cánh đồng lúa cho năng suất kém sẽ thay bằng việc trồng cỏ để nuôi bò. Diện tích trồng cỏ hiện nay đáp ứng được 20% nhu cầu, 80% còn lại sẽ chuyển từ đất trồng lúa xấu sang trồng cỏ và ngô cho bò ăn.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông khẳng định, tỉnh đang có lợi thế là dồn ô đổi thửa nên thuận lợi cho những cánh đồng lớn trồng cỏ.
“Chúng tôi xác định người nuôi bò không nhất thiết phải trồng cỏ và người trồng cỏ không nhất thiết nuôi bò, mà hai bên hỗ trợ cho nhau. Như vậy có thể giải quyết được nguồn lao động rất lớn của tỉnh”, đại diện ngành Nông nghiệp nói thêm.
Trong khi đó, theo Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Nam, sau khi công bố gói hỗ trợ lãi suất 0% trong 15 tháng cho người nuôi bò, số tiền giải ngân đã lên đến 30 tỷ đồng. Ngành ngân hàng dự báo tốc độ giải ngân tới đây sẽ tăng lên đáng kể khi lãnh đạo tỉnh tiếp tục công bố hỗ trợ 60% kinh phí nếu hộ dân nào muốn sắm phương tiện để cơ giới hóa.
“Nông dân nào có nhu cầu mua phương tiện cơ giới hóa như máy bừa, máy cắt cỏ tỉnh sẵn sàng cho không 60% giá trị của phương tiện đó để giúp giải phóng sức lao động chân tay và tăng hiệu quả lao động cho bà con nông dân. Địa phương cũng sẵn sàng giao đất cũng như có nhiều ưu đãi cho NutiFood và Hoàng Anh Gia Lai để hai đơn vị này hỗ trợ chúng tôi phát triển đàn bò”, Bí thư Mai Tiến Dũng kêu gọi.
Ông Lê Nguyên Hòa, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Nutifood chia sẻ, khi đầu tư xây dựng nhà máy sữa tại Hà Nam, doanh nghiệp rất quan tâm đến việc phát triển nguồn nguyên liệu ở đây cả về chất lượng lẫn số lượng. “Chính vì thế, ngoài việc cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản lượng sữa từ đàn bò của dân thì công ty cũng đã lên kế hoạch xây dựng một trang trại kiểu mẫu, chuẩn mực với sự hỗ trợ về con giống, kỹ thuật của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Hà Nam để bà con đến đây tham khảo”, ông Hòa nói.
Theo Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai – Võ Trường Sơn, Tập đoàn cùng Nutifood sẽ mở các lớp tập huấn cho nông dân nuôi bò sữa về kỹ thuật, quy trình khoa học trong chăn nuôi như phối thức ăn, vắt sữa, nghiên cứu thời tiết tập quán để làm sao bò nhập có thể thích ứng được với điều kiện khí hậu địa phương.
"Ngoài ra, với kinh nghiệm của mình công ty sẵn sàng hỗ trợ nông dân trong lựa chọn, nhập khẩu bò giống từ nước ngoài về để người dân có được những con giống tốt với chi phí hợp lý", ông Sơn nói.
Đánh giá cao hướng đi này của Hà Nam, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch khẳng định đây là minh chứng tiêu biểu để cụ thể hóa chiến lược công nghiệp hóa nông nghiệp. “Cách làm này nghĩa là nông dân được gắn kết với doanh nghiệp để đưa khoa học công nghệ vào, tổ chức lại sản xuất, tạo ra những sản phẩm có quy trình như công nghiệp với triệu lít sữa có chất lượng như nhau. Với mô hình này, người nuôi bò không còn lam lũ nữa”, ông Lịch lạc quan.
Related news
Vài năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Bình (Yên Bái) luôn có những bước tiến mạnh mẽ. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt trong chăn nuôi thủy sản. Yên Bình đã đưa tiềm năng, lợi thế mặt nước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Nuôi cá nước lạnh (cá tầm và cá hồi vân) là một trong những thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng. Trong đề án quy hoạch nuôi cá nước lạnh, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh sản xuất được 3.000 tấn cá nước lạnh thương phẩm. Nhưng đến nay, việc phát triển loại cá này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thời gian gần đây, tại vùng biển tỉnh Quảng Bình rộ lên tình trạng khai thác tận diệt thủy sản, phổ biến là sử dụng chất nổ đánh bắt cá.
Theo báo cáo của Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản tỉnh An Giang (AFA), tình hình sản xuất kinh doanh thủy sản của tỉnh trong 3 tháng đầu năm vẫn tiếp tục trầm lắng, giá nguyên liệu vẫn giữ ổn định ở mức thấp, diện tích nuôi và sản lượng tăng ít so cùng kỳ, tình hình dịch bệnh phát sinh đã ảnh hưởng sản xuất của nông dân.
Đến nay đã mấy năm, người dân xã Lộc Bình (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế) vẫn còn tiếc “đứt ruột” khi những viên ngọc trai bị bế tắc đầu ra.