Bí quyết làm giàu: Nuôi lươn không bùn
Ông Lê Văn Hoàng với hồ lươn - Ảnh: Tâm Ngọc
Nhờ nuôi lươn không bùn, ông Lê Văn Hoàng (43 tuổi, ở thị trấn Bồng Sơn, H.Hoài Nhơn, Bình Định) đã vươn lên làm giàu.
Trước đây, ông Hoàng làm trong ngành nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm. Nhưng nói như ông chủ mô hình nuôi lươn này, bây giờ nuôi tôm mà nhỏ lẻ thì không cạnh tranh được, nhất là với những công ty quy mô lớn. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ lươn thì đang rất lớn mà người nuôi lại ít, không ồ ạt như nuôi tôm. Vậy là ông xách gói đi học hỏi mô hình ở Hóc Môn, TP.HCM rồi về đầu tư 100 triệu đồng xây 14 hồ nuôi lươn với gạch chống thấm và hệ thống bơm và lọc nước bài bản.
Tháng 2.2015, Trung tâm giống thủy sản đã hỗ trợ ông 1.500 con lươn giống cấp 2, tương đương 40 kg, để thực hiện thí điểm mô hình nuôi lươn không bùn. Sau gần 6 tháng nuôi, lươn phát triển tốt, trọng lượng bình quân 200 - 250 gr/con, tỷ lệ sống trên 97%, sản lượng gần 350 kg lươn thương phẩm.
Thời điểm này, ông còn nhập thêm 250 kg lươn giống từ H.Củ Chi (TP.HCM) về nuôi theo phương thức “gối đầu” và rất thành công. Từ khi bước vào nuôi lươn đến nay ông đã xuất bán gần 700 kg lươn thương phẩm. Ông Hoàng tự tin: “Chỉ sợ không có lươn bán chứ có bao nhiêu thì đầu mối cũng thu nhận hết”.
Thị trường tiêu thụ lươn của ông Hoàng ngày càng mở rộng, gần như khắp cả nước, nhiều nhất là các nhà hàng ở TP.HCM. Sức tiêu thụ mạnh giúp ông có thêm động lực tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi.
Nhân rộng mô hình
Theo bà Lê Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch Hội Nông dân Bình Định, mô hình nuôi lươn không bùn của ông Lê Văn Hoàng khá mới mẻ và hay; bước đầu đã có những tín hiệu khả quan. “Nếu được, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này cho bà con nông dân cùng làm để cải thiện đời sống kinh tế”, bà Hương nói.
Hỏi ông về nghề nuôi lươn, ông đúc kết ngắn gọn: “Nói thiệt, nuôi được con lươn này rồi thì nuôi con gì, kể cả con mọn cũng là chuyện nhỏ. Bởi chăm lươn phải kỹ và cẩn thận, hết lòng như chăm con vậy. Bọn này phải biết và chiều theo ý nó thì nó mới sống với mình, mới cho thu hoạch được”.
Việc đầu tiên của nuôi lươn không bùn là chọn con giống. Ông Hoàng cho biết: “Phải là con giống tự nhiên chứ giống nhân tạo thì nuôi dễ mà bán khó. Con giống tự nhiên thì nuôi khó vô cùng nhưng lại tiêu thụ mạnh vì lươn có màu vàng đẹp như lươn đồng, ăn lại ngon hơn hẳn”.
Từ con giống tự nhiên đó, ông đem về dưỡng và tập cho quen môi trường nhân tạo bằng đủ chiêu như: bơm nước đồng vào, canh mực nước vừa phải, trộn thuốc chống sốc, thuốc trị bệnh đường ruột vào thức ăn cho lươn có sức chống chọi tốt, làm thêm chùm dây ni lông để lươn có chỗ trú ẩn…
Nuôi lươn đã đem lại số lãi ròng mà trước đây ông chưa dám nghĩ tới. Lươn lớn (2 con/kg) có giá 170.000 đồng/kg, mỗi hồ nhỏ của ông cho thu hoạch cả tạ lươn sau khoảng 6 tháng nuôi, thu lợi hơn 100 triệu đồng. Ngoài lươn, ông còn trồng thêm 500 gốc tiêu ngay vườn nhà để tăng thêm thu nhập.
“Đã làm thì đừng sợ khó, chỉ sợ không chịu khó làm, không có quyết tâm và một chút liều lĩnh để gắn bó với cái mình đã chọn thôi”, ông chủ mô hình lươn không bùn nhắn nhủ.
Related news
Kỳ 1: Tiêu chí để chọn sát khuẩn mạnh, phổ rộng, an toàn để hạn chế mầm bệnh phát triển mạnh và khống chế dịch bệnh lây lan từ trại sang trại và ao sang ao?
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tinh dầu của Aloysia triphylla sẽ là một sản phẩm hứa hẹn với tiềm năng sử dụng trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản.
Người dân nuôi cá lồng bè dọc ven sông Trà Khúc đã thay đổi chất liệu từ lồng tre sang lồng bằng inox, nhôm, sắt bọc nhựa, nhờ đó trong mùa mưa lũ năm nay