Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Bệnh từ đất - Nguy hiểm, khó phòng trừ

Bệnh từ đất - Nguy hiểm, khó phòng trừ
Author: PGS.TS Hà Viết Cường
Publish date: Saturday. April 24th, 2021

Nhóm bệnh hại cây trồng truyền qua đất được xem là rất nguy hiểm, bởi việc chẩn đoán bệnh, triển khai phòng trừ bệnh đều rất khó khăn.

PGS.TS Hà Viết Cường khuyến cáo nông dân cần thực sự am hiểu để có giải pháp ngăn ngừa các nguy cơ lây lan của bệnh do nấm từ đất. Ảnh: Minh Sáng.

Nông dân còn mơ hồ về sự nguy hiểm của bệnh từ đất

Theo PGS.TS Hà Viết Cường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam): Hiện nay, các bệnh hại cây trồng trong đất có thể phân ra các nhóm như nấm, vi khuẩn, virus, tuyến trùng. Trong đó, nhóm bệnh virus trong đất là có, nhưng không phải nhóm quan trọng. Đối với bệnh hại cây ăn quả truyền qua đất, thì quan trọng vẫn là nhóm vi sinh vật gây hại trong đất và tuyến trùng.

Đối với nấm, nổi lên hiện nay, gây hại trên nhiều đối tượng cây trồng là nấm Phytophthora đã từng gây hại nghiêm trọng trên nhiều đối tượng cây trồng như gây chết cây sầu riêng; gây bệnh chết nhanh trên hồ tiêu; gây thối gốc rễ, chảy gôm trên cây có múi. Nhiều vùng chanh leo bên cạnh bệnh do virus, thì cũng từng bị phá hủy mà nguyên nhân thực sự là do nấm Phytophthora...

Đối với nấm Phytophthora, ngành bệnh cây trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam hiện nay đã có những hiểu biết tương đối rõ cả về nguyên nhân, triệu chứng, đặc điểm sinh học, cơ chế lan truyền, kể cả biện pháp phòng trừ hiệu quả cũng đã có khá chuẩn từ biện pháp sinh học, hóa học, biện pháp canh tác (trong đó việc quản lí tránh lây lan qua nguồn nước là rất quan trọng).

Tuy nhiên, cái khó trong việc kiểm soát nấm Phytophthora, đó là con đường lan truyền rất dễ, nhất là trong điều kiện sản xuất manh mún, người sản xuất chưa thực sự ý thức được sự nguy hiểm, nguy cơ lây lan của bệnh cũng như chưa thực hiện cách ly, phòng trừ một cách nghiêm ngặt và hiệu quả.

Nấm Phytophthora có 2 con đường lan truyền, đó là qua đất và qua nước. Việc lan truyền qua đất rất dễ dàng, mà chủ yếu có nguyên nhân từ con người là chính. Ví dụ nấm lan truyền từ bầu giống bị nhiễm bệnh, từ công cụ lao động... Mỗi khi nấm Phytophthora đã lan truyền và thâm nhập vào đất, thì việc kiểm soát sẽ vô cùng khó khăn.

Thực tế hiện nay, nông dân nào am hiểu được nguy cơ, cơ chế lan truyền của nấm Phytophthora, thì họ giữ được vườn cây của mình rất nghiêm ngặt, nhưng tỉ lệ nông dân am hiểu được điều này chưa nhiều. Đây cũng là nguyên nhân mà bệnh do nấm Phytophthora thường rất dễ lan rộng.

Một yếu tố nữa, đó là nông dân cũng chưa thực sự am hiểu để có giải pháp ngăn ngừa các nguy cơ lây lan của bệnh do nấm Phytophthora qua đường nước. Ở nhiều nước sản xuất cây ăn quả thân gỗ tiên tiến, họ bố trí hệ thống thoát nước rất bài bản. Các nguồn nước có nguy cơ mất an toàn, có khả năng lây nhiễm các vi sinh vật có hại cho cây trồng sẽ được “lái” để đảm bảo không chảy vào vườn. Thậm chí nước tưới cho vườn cây phải trải qua quá trình lọc để tiêu diệt bào tử nấm Phytophthora.

Tuy nhiên ở nước ta, việc đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng cần phải đảm bảo sạch nấm Phytophthora cũng gần như chưa ai để ý quan tâm và có giải pháp kiểm soát, và muốn thực hiện kiểm soát điều này thì cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Hệ vi sinh vật trong đất đóng vai trò vô cùng quan trọng, càng giàu bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Các sinh vật gây hại từ trong đất như tuyến trùng, Phytophthora... nhìn chung có rất nhiều vi sinh vật đối kháng có ích khác như nấm, vi khuẩn có thể khống chế, tiêu diệt được nó.

Tuy nhiên, để hệ vi sinh vật đối kháng có ích phát triển, phát huy được chức năng, thì yêu cầu chất lượng, “sức khỏe” của đất phải cao. Ví dụ kể cả đối với các chế phẩm sinh học, chứa rất nhiều vi sinh vật có ích, nhưng sử dụng chế phẩm đó ở những nơi mà đất nghèo, thì thực tế là không có tác dụng.

Với cây ăn quả có múi, Greening là bệnh nguy hiểm nhất

Về cây có múi, TS Hà Viết Cường cho rằng hiện nay đang gặp hai luồng thông tin về nguyên nhân của các loại bệnh. Một là nhóm nguyên nhân cho rằng bệnh chủ yếu từ đất do tuyến trùng và nấm Phytophthora hại gốc rễ, gây ra hiện tượng vàng lá thối rễ. Nhóm nguyên nhân thứ hai là do bệnh Greening.

Trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu phân tích các điểm cây có múi bị vàng lá thối rễ những năm gần đây của các nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, nguyên nhân do tuyến trùng hoặc nấm Phytophthora trên thực tế là có xảy ra cục bộ một số nơi.

Tuy nhiên về đánh giá cá nhân, TS Cường cho rằng, bệnh vàng lá Greening mới thực sự là vấn đề nguy hiểm và nghiêm trọng đối với cây có múi của nước ta hiện nay. Thời gian qua, các vùng cây có múi có các triệu chứng điển hình, khi test thì đều gần như 100% là dương tính với vi khuẩn gây bệnh Greening.

Bệnh Greening có hai con đường lây truyền. Một là qua rầy chổng cánh, việc kiểm soát đối với rầy chổng cánh trên thực tiễn ở nước ta là tương đối khó. Con đường lây truyền thứ hai là qua nhân giống vô tính. Nguy cơ này là đặc biệt nguy hiểm, bởi khâu quản lí giống cây ăn quả nói chung, cây có múi nói riêng của chúng ta hiện nay là vô cùng lỏng lẻo, thậm chí đang bị thả nổi.

Nếu cây có múi bị vàng lá, thối rễ do tuyến trùng, do nấm Phytophthora thì còn có thể có giải pháp để phòng trừ, nhưng nếu là bệnh Greening thì mỗi khi bệnh đã thiết lập trên vườn cây, việc phòng trừ bệnh gần như không thể. Trong khi đó, hiện chúng ta lại chưa có giống cây có múi nào kháng được với bệnh Greening được thương mại trên thị trường.

Trước đây, quốc gia tiên tiến về sản xuất cam là Mỹ (Florida) cũng đã từng bị tàn phá bởi bệnh Greening. Họ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để đối phó. Giải pháp thứ nhất là “sống chung” với bệnh, bằng cách xử lí dinh dưỡng. Bởi khi bị bệnh Greening, cây sẽ không còn chuyển hóa, vận chuyển được dinh dưỡng. Vì vậy thay vào đó, họ tiến hành phun dinh dưỡng để hấp thụ qua lá, để đảm bảo rằng vườn cây vẫn có thể thu hoạch được ở một mức độ nào đó.

Giải pháp thứ hai mà một số nước hiện nay đang tập trung hơn trong việc xử lí bệnh Greening, đó là sử dụng một số hợp chất, mà chủ yếu là các loại kháng sinh để xử lí vi khuẩn gây bệnh Greening. Bởi về lí thuyết, bệnh do vi khuẩn thì có thể sử dụng được kháng sinh để xử lí.

Trên thực tế, việc sử dụng các loại kháng sinh để xử lí bệnh Greening cũng đã được Đài Loan thực hiện từ rất lâu (từ thập niên 60-70 của thế kỷ trước), và cũng đã ghi nhận những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, do việc sử dụng kháng sinh lâu dài trên cây trồng sẽ gây ra những quan ngại về vấn đề tồn dư, có thể gây ra những hệ lụy cho hệ sinh thái lẫn lĩnh vực y tế, vì thế giải pháp này đã vấp phải nhiều luồng phản ứng của luận và từ lâu đã không còn được chú ý nghiên cứu phòng trừ bệnh cho cây trồng.

Gần đây, một số nghiên cứu trên hàng nghìn hợp chất, kháng sinh để điều trị bệnh Greening đã được một số nước tiến hành, và cũng đã tìm ra được những hợp chất, kháng sinh có hiệu quả trong việc phòng trừ bệnh Greening. Việc kiểm soát tồn dư kháng sinh đến sản phẩm cuối cùng trên cây trồng cũng là không khó, nhưng cái khó nhất, đó là phải đảm bảo không làm ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật có ích (hệ vi sinh vật nội sinh và biểu sinh) ở bên trong cây trồng lẫn ở bề mặt cây trồng.

Vấn đề khác, đó là mặc dù đã có những kháng sinh có hiệu quả phòng trừ bệnh Greening, tuy nhiên giải pháp nào để sử dụng được những loại kháng sinh này nhằm đưa được nó vào bên trong cây trồng là hết sức nan giải. Gần đây, một số nghiên cứu đã kết hợp sử dụng kết hợp giữa kháng sinh với một số phụ gia, có thể giúp chuyển được tốt hơn kháng sinh vào bên trong cây trồng khi phun trên thân, lá cây...

Mặc dù vậy, nhìn chung giải pháp sử dụng kháng sinh điều trị bệnh Greening cho cây có múi vẫn là vấn đề gây rất nhiều quan ngại, không được ủng hộ và khuyến khích áp dụng.


Related news

Lúa OM 468 nhiều triển vọng xuất khẩu Lúa OM 468 nhiều triển vọng xuất khẩu

Thời gian gian gần đây, OM 468 đã có mặt ở ĐBSCL, đây là giống lúa mới, sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa Viện nghiên cứu lúa ĐBSCL và ThaiBinh Seed.

Saturday. April 24th, 2021
Ứng dụng công nghệ thế giới trong cải tiến gà lông màu tại Dabaco Ứng dụng công nghệ thế giới trong cải tiến gà lông màu tại Dabaco

Dabaco Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân điển hình đã đầu tư và gặt hái thành công từ giống gà lông màu bản địa nhờ ứng dụng tiến bộ di truyền của thế giới.

Saturday. April 24th, 2021
Cơ cấu thêm giống lúa mới cho vụ thu mùa Cơ cấu thêm giống lúa mới cho vụ thu mùa

Trước nguy cơ thiếu giống vụ thu mùa năm 2021, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đề nghị các địa phương cơ cấu thêm các giống mới.

Saturday. April 24th, 2021