Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ thế giới trong cải tiến gà lông màu tại Dabaco

Ứng dụng công nghệ thế giới trong cải tiến gà lông màu tại Dabaco
Author: Nguyễn Hoàng Nguyên
Publish date: Saturday. April 24th, 2021

Dabaco Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân điển hình đã đầu tư và gặt hái thành công từ giống gà lông màu bản địa nhờ ứng dụng tiến bộ di truyền của thế giới.

Dabaco là một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ của thế giới vào công tác di truyền giống. Ảnh: Nguyên Huân.

Khai thác yếu tố môi trường

Nằm trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được coi là quê hương của các giống gà màu đa dạng nguồn gien trội quý hiếm. Hình ảnh chú gà lông màu oai phong mà gần gũi được tôn vinh qua hàng nghìn năm lịch sử dân tộc với ca dao, tục ngữ, lễ hội, tranh dân gian,.. trên khắp mọi miền tổ quốc.

Các giống gà màu như gà Hồ, Mía, Ri, Nòi,… đều là những giống bản địa có chất lượng thịt thơm ngon, sức sống bền bỉ, chịu được thời tiết khắc nghiệt theo đặc trưng từng vùng. Đặc biệt, màu lông và dáng vẻ của giống gà màu luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng trên cả nước. Tuy nhiên, qua thời gian chiến tranh, dịch bệnh..., số lượng gà màu đang đứng trước nguy cơ suy giảm mạnh khi một số gen quý hiếm lâu đời chưa được giữ gìn và phát triển kịp thời.

Nắm bắt được điều này, trong những năm vừa qua, Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco đã tiến hành chọn lọc, phục tráng và nhân thuần một số giống gà nội địa như: gà Hồ, Mía Sơn Tây, gà Nòi , gà 9 Cựa... Các giống gà này đã đạt được kết quả tích cực rõ rệt trong bước đầu phát triển, nâng cao chất lượng thân thịt, cải thiện thời gian sinh trưởng, tăng trọng lượng và sản lượng trứng, cải tiến di truyền của giống gà nội địa. Đồng thời, giống gà màu của Dabaco đã và đang đẩy mạnh hiệu quả kinh tế cho nhà chăn nuôi trên cả nước.

Để đạt được kết quả tích cực này, Dabaco đã không ngừng cập nhật, áp dụng các thuật toán di truyền giống hiện đại, cho ra phương án chọn lọc, nhân giống chính xác nhất qua từng thế hệ. Nổi bật hơn cả, việc nắm bắt và ứng dụng nhanh chóng các xu hướng công nghệ trong chăn nuôi cũng chính là chìa khóa then chốt đẩy nhanh tốc độ của tiến bộ di truyền giống.

Theo lý thuyết di truyền, kiểu hình của mỗi tính trạng chịu ảnh hưởng của kiểu gen và môi trường. Do đó, giá trị kiểu hình của mỗi cá thể được thể hiện bằng công thức kinh điển sau: P= G + E.  Trong đó: P(Phenotyp): là giá trị kiểu hình; G(Genotyp): là giá trị kiểu gen; E(Enviroment): là sai lệch môi trường.

Trong công tác giống, chúng ta thường chú trọng đến yếu tố kiểu gen tác động đến giá trị kiểu hình như thế nào và xem nhẹ  yếu tố môi trường không thay đổi. Thực tế là: cùng một tính trạng, với một giá trị di truyền nhưng chúng ta tác động đến yếu tố môi trường theo các hướng khác nhau kết quả sẽ hoàn toàn khác nhau.

Trong chăn nuôi gà, hệ số di truyền của sản lượng trứng, tỷ lệ đẻ, tỷ lệ nuôi sống là h=0:0.2; Hệ số di truyền của tốc độ sinh trưởng, FCR là h=0.2:0.4; Hệ số di truyền của trọng lượng trứng là h=0.4 trở lên… Như vậy, ngoài giá trị kiểu gen yếu tố môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến giá trị kiểu hình của cá thể. Một số yếu tố môi trường có thể kể đến như: ánh sáng, thức ăn, chế độ ăn, nhiệt độ, ẩm độ, mùa vụ, bệnh dịch…

Để xác định được tiềm năng di truyền tính trạng của từng giống trong môi trường chăn nuôi cụ thể, Công ty TNHH MTV Gà giống DABACO đã chia tách và nghiên cứu đánh giá trên các dòng và giống riêng biệt. Cùng giống gà Mía Sơn Tây trước đây, sau khi nhập về, công ty đã tiến hành nhân giống, chọn thuần với số lượng lớn. Sau đó chọn lọc, chia tách thành 2 nhóm chính: nhóm mái hướng tập trung sản xuất trứng và nhóm trống tập trung sinh trưởng. Hai dòng này sẽ có chế độ nuôi khác nhau về: ánh sáng, thức ăn, chế độ ăn, nhiệt độ… phù hợp với nhu cầu sinh trưởng phát triển của giống trong từng giai đoạn cụ thể.

Hiện nay, hai dòng này đều đang được nuôi trong chuồng kín với ánh sáng, thức ăn và nhiệt độ…, được kiểm soát chặt chẽ. Với gà dòng trống, được chiếu sáng tối đa và cho ăn tự do đến gần hết giai đoạn hậu bị. Còn gà dòng mái sẽ được kiểm soát ánh sáng cũng như thức ăn ngay từ sau giai đoạn gà con.

Đặc biệt, vấn đề dịch bệnh luôn được công ty kiểm soát chặt chẽ ngay từ những bước đầu tiên bao gồm Marek và Leucosis, Newcastle, MG-MS (Viêm khớp-hen)…

Để có quy trình bài bản và chuyên nghiệp như vậy, Dabaco đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nhằm cung cấp điều kiện tốt nhất cho quá trình nuôi giữ, bảo tồn và chọn lọc. Đồng thời, công ty đã đầu tư xây dựng chuồng kín kiểu lồng, nuôi 1 con 1 lồng, gà giống được thụ tinh nhân tạo và kiểm soát nhân giống theo từng hệ phả rõ ràng, các trang thiết bị đều tự động.

Thông qua đó, ánh sáng, nhiệt độ và nước uống được kiểm soát chặt chẽ. Việc nuôi gà trên lồng đã dần khắc phục được tập tính ấp bóng của giống gà bản địa, khi nuôi 1 con 1 lồng giúp theo dõi được năng xuất chính xác cho từng cá thể. Bên cạnh đó, các thiết bị công nghệ hiện đại trên thế giới như: thẻ điện tử, đầu quét điện tử, cân điện tử, phần mềm thu thập số liệu và phần mềm quản lý dữ liệu chuyên biệt... cũng được ứng dụng ngay tại Dabaco để đạt được mục tiêu tốt nhất.

Kết quả đạt được

Có thể nói, môi trường đầu tư và sự chuyên nghiệp đã có ảnh hưởng lớn đến tiến độ cải tiến di truyền của giống gà lông màu bản địa. Kết quả giống gà Mía được nghiên cứu là một bằng chứng rõ rệt. Sau khi được chia thành 2 dòng gà và nuôi theo điều kiện khác nhau, giống gà Mía đã được cải thiện rõ rệt về mặt trọng lượng và chất lượng thịt, trọng lượng và sản lượng trứng. Một số kết quả đạt được cụ thể sau 5 thế hệ như sau:

Giống gà Giới tính Chỉ tiêu Đơn vị Kết quả
Mía - dòng trống Trống BW trưởng thành gam 3500
FCR kg thức ăn/kg  tăng trọng 3.6
Mái BW trưởng thành gam 2700
FCR kg thức ăn/kg  tăng trọng 4.11
Số lượng trứng quả/mái/64 tuần tuổi 122
Trọng lượng trứng gam 49
Mía - dòng mái Trống BW trưởng thành gam 2800
Mái BW trưởng thành gam 2000
Số lượng trứng quả/mái/64tuần tuổi 181
Trọng lượng trứng gam 47

 

Năng suất sinh sản dòng mái Mía của Dabaco là 181 quả/64 tuần tuổi. Năng suất này hoàn toàn tương đương thành tích sản xuất dòng gà thịt màu cao sản của Trung quốc và các nước trong khu vực. Trong khi đó, theo Atlat vật nuôi Việt Nam, đối với gà trống Mía trưởng thành đạt 3kg, gà mái đạt 2,3kg và sản lượng trứng là 50-60 quả/mái/năm.

Ngoài gà Mía, Công ty Gà giống Dabaco cũng không ngừng bảo tồn và nâng cao năng xuất trứng của giống gà Hồ. Với điều kiện nuôi trong chuồng kín và chương trình nuôi được kiểm soát, bước đầu đã cho kết quả tốt. Sau 3 thế hệ năng xuất trứng của gà Hồ đã đạt 145 quả/mái/64 tuần tuổi (42 tuần đẻ). Đây là một kết quả đáng tự hào bởi theo TCVN 12469.2018 Gà giống nội, năng xuất trứng của giống gà này trung bình chỉ đạt 83 quả/mái bình quân/48 tuần đẻ.

Một lần nữa, môi trường chuyên nghiệp của Dabaco được chứng minh có ảnh hưởng rất lớn trong công tác chọn giống. Một môi trường phù hợp sẽ giúp các tính trạng phát huy được hết tiềm năng di truyền và phát triển. Với nền tảng vững chắc này, tiềm năng sản xuất gà bản địa Việt Nam so với khu vực và trên thế giới sẽ mang lại những kết quả đang tự hào. Đồng thời, với tinh thần cập nhật nhanh chóng những công nghệ chăn nuôi tiên tiến toàn cầu, hiệu quả công tác giống sẽ là một tín hiệu đáng mừng cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Gà giống DABACO đã và đang tiến hành nuôi giữ và chọn lọc trên 10 dòng gà thuần với các tính trạng nổi trội. Cùng với việc sở hữu một trung tâm nghiên cứu tiên tiến, một trung tâm nuôi giữ giống gốc chuyên nghiệp, Dabaco luôn chủ động trong việc nghiên cứu, lai tạo, phát triển nhiều loại gà giống thương phẩm với năng xuất vượt trội, vươn tầm khu vực và thế giới, mang đến sự khác biệt đa dạng. Đặc biệt, với mục tiêu phát triển bền vững, giống gà màu của công ty lại luôn được nghiên cứu với giá thành hợp lí cho người tiêu dùng và chăn nuôi trên khắp cả nước.


Related news

Trồng bưởi hướng hữu cơ chống chịu hạn mặn Trồng bưởi hướng hữu cơ chống chịu hạn mặn

Mô hình áp dụng quy trình bón phân hữu cơ, kết hợp phủ gốc giữ ẩm đã giúp cây bưởi vượt qua hạn mặn lịch sử, thậm chí cho quả ngay trong mùa hạn mặn.

Friday. April 23rd, 2021
Sinh khí mới từ cây mắc ca Sinh khí mới từ cây mắc ca

Mục tiêu đến năm 2025, Điện Biên sẽ đưa mắc ca thành cây trồng chủ lực với quy mô 11.000 ha, phấn đấu xây dựng một nhà máy chế biến hạt mắc ca.

Friday. April 23rd, 2021
Lúa OM 468 nhiều triển vọng xuất khẩu Lúa OM 468 nhiều triển vọng xuất khẩu

Thời gian gian gần đây, OM 468 đã có mặt ở ĐBSCL, đây là giống lúa mới, sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa Viện nghiên cứu lúa ĐBSCL và ThaiBinh Seed.

Saturday. April 24th, 2021