Bệnh tiên mao trùng trên trâu bò
Đây là một trong những bệnh đường máu gây hại lớn trên đàn trâu bò, đặc biệt là bò sữa, bệnh thường phát sinh mạnh trong mùa nắng nóng do điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc sinh sôi phát triển của ruồi, mòng hút máu truyền bệnh cho trâu, bò thậm chí gây chết trâu, bò nếu không chữa trị kịp thời.
Nguyên nhân, đặc điểm
Bệnh do loại ký sinh trùng đơn bào T.evansi sống trong huyết tương có thể di động nhờ có đuôi roi. Chúng sinh sôi trong máu, tiết ra độc tố làm suy yếu và có thể giết chết con vật. Tuy nhiên khi ra khỏi cơ thể trâu, bò, tiên mao trùng nhanh chóng bị tiêu diệt vì điều kiện ngoại cảnh không thích hợp.
Biểu hiện
Bệnh thường biểu hiện ở thể mãn tính
Trâu bò sốt 40 - 410C nhưng có cơn sốt gián đoạn, không theo quy luật.
Con vật thiếu máu, suy nhược, ỉa chảy kéo dài nhưng vẫn ăn cỏ. Phù thũng là biểu hiện phổ biến: phù nề ở dưới hầu, dưới yếm da cổ, vùng bụng, mí mắt, bìu dái hoặc âm hộ.
Một số ít có biểu hiện cấp tính với các dấu hiệu thần kinh, quay cuồng, run rẩy từng cơn, đi vòng tròn.
Thường thì bệnh kéo dài hàng tháng, con vật nếu không chết thì sự hồi phục cũng chậm chạp và kéo dài.
Phòng bệnh
Luôn giữ chuồng trại và khu vực chăn nuôi sạch sẽ. Thường xuyên thu gom phân chất thải để xử lý bằng biogas hoặc ủ nóng sinh học giảm thiểu chất thải trong chuồng nuôi. Phát quang bờ bụi và khơi thông các cống rãnh quanh chuồng và nơi chăn để côn trùng không có nơi cư trú.
Định kỳ kiểm tra máu mỗi năm hai lần để phát hiện các loại ký sinh trùng đường máu. Thực hiện tiêm phòng bệnh cho trâu, bò vào thời điểm đầu mùa nắng nóng (Tháng 3 đến tháng 4).
Diệt côn trùng hút máu và truyền bệnh (ve,mòng) bằng cách sử dụng thuốc diệt côn trùng.
Cung cấp đầy đủ thức ăn thô xanh, nước uống sạch cho trâu, bò. Thực hiện chăm sóc nuôi dưỡng tốt để tăng sức đề kháng cho trâu, bò.
Trị bệnh
Khi trâu, bò bị bệnh thì sử dụng thuốc có hoạt chất Berenyl (Azidin, Trypazen) để điều trị.
Liều lượng và cách dùng: Theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc.
Liệu trình: tiêm 1 liều duy nhất. Sau 15 ngày nếu súc vật bệnh chưa khỏi, chưa hết triệu chứng lâm sàng có thể tiêm lần thứ hai cũng liều lượng như trên.
Vị trí tiêm: Tiêm chậm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp sâu.
Thuốc trợ sức: Để tăng sức đề kháng của trâu bò, giảm tình trạng sốc thuốc có thể truyền tĩnh mạch bằng dung dịch gluco 5% hoặc nước muối sinh lý, đồng thời trước khi tiêm Berenyl phải tiêm thuốc trợ tim mạch: Cafein hoặc long não.
Hộ lý: trong thời gian điều trị cho trâu, bò nghỉ tại chuồng, nuôi dưỡng và chăm sóc tốt.
Related news
Anh Hồ Văn Thái, 43 tuổi, ở thôn Khe Me từ một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã vươn lên thoát nghèo với mô hình nuôi bò sinh sản.
Để nâng cao năng suất và chất lượng của đàn bò nuôi sinh sản nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, người nuôi cần lưu ý những vấn đề như: con giống, dinh dưỡng
Thực tế, một số nhà sản xuất sữa đang sử dụng gia tốc kế để kiểm soát lượng thức ăn bò tiêu thụ, thân nhiệt và xác định những vật nuôi bị bệnh.