Làm giàu với mô hình nuôi bò sinh sản
Anh Hồ Văn Thái, 43 tuổi, ở thôn Khe Me (xã Linh Thượng, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) từ một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã vươn lên thoát nghèo với mô hình nuôi bò sinh sản.
Anh Thái đang chăm sóc đàn bò
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nên anh Thái luôn thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của một gia đình nghèo. Năm 2008, qua nhiều kênh thông tin, biết được mô hình nuôi bò sinh sản rất phù hợp với vùng gò đồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Thái chuyển qua chăn nuôi bò sinh sản. Ban đầu anh mua 2 cặp bò cái về thả nuôi, sau gần 2 năm chăm sóc bò đã sinh ra bê con đầu tiên. Phương châm của anh Thái là “bê cái thì để nuôi nhằm tăng đàn, bê đực bán thịt để lấy tiền đầu tư tiếp”. Cứ xoay vòng như vậy, đến nay số lượng đàn bò của gia đình anh đã lên đến 25 con. Anh Thái cho biết, nuôi bò trên vùng gò đồi có nhiều lợi thế, vừa tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, vừa có môi trường chăn thả rộng lớn giúp bò có thể sinh trưởng, phát triển tốt. Khi đàn bò tăng về số lượng, để chủ động nguồn thức ăn, anh trồng thêm 2 sào cỏ voi, tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp như: rơm, ngô, cám… bổ sung thêm nguồn thức ăn thô dự trữ vào mùa mưa rét, thời tiết xấu cho đàn bò.
Anh Thái chia sẻ, nuôi bò sinh sản cũng đơn giản, ít bị rủi ro, trong một năm bò đẻ và nuôi 8 tháng đến 10 tháng là cho một con bê bán khoảng 10 triệu đồng. Đặc biệt, nuôi bò là lấy công làm lãi, không tốn kém nhiều về kinh tế, người nuôi chỉ cần đầu tư một lần. Hơn nữa bò là gia súc lớn lên sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh tật. Tuy nhiên, trong chăn nuôi để tránh rủi ro thất thoát đàn cần tìm hiểu, học tập kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò sinh sản trên các phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên tiêm phòng vắc-xin dịch bệnh lở mồm long móng cho đàn bò. Theo anh Thái, để bò cái sinh sản con giống tốt cần rút ngắn khoảng cách giữa các lứa đẻ đảm bảo sao cho bò mẹ đẻ mỗi năm một lứa là hợp lý. Nếu không có biện pháp chăm sóc tốt thì giai đoạn từ khi đẻ đến khi phối giống có chửa lứa kế tiếp bị kéo dài.
Bên cạnh chăn nuôi, anh Thái còn tập trung trồng rừng. Năm 2009 anh nhận thêm 7 ha đất đồi, rồi thuê máy xúc san ủi mặt bằng để trồng tràm hoa vàng, keo lai tượng. Hiện tại rừng tràm hoa vàng, keo lai tượng đã đến thời kỳ khai thác, dự kiến cho gia đình anh thu nhập 100 triệu đồng.
Đến nay mô hình chăn nuôi bò sinh sản của anh Thái có 25 con, trong đó có 10 con bò cái, mỗi năm bán ra thị trường từ 7 - 10 bê con, thu về hơn 80 triệu đồng. Anh Thái cho biết, đang dự định đầu tư vốn, phát triển đàn bò với số lượng lớn hơn. Anh cũng sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò sinh sản đến bà con nông dân muốn phát triển kinh tế theo hướng này. Chính mô hình nuôi bò sinh sản đã giúp gia đình anh Thái thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Related news
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, bà con thường nuôi giống bò vàng hay còn gọi là bò Mông. Giống bò này phù hợp với địa hình núi đá, khí hậu lạnh, khan hiếm thức ăn
Chia sẻ một số kinh nghiệm vỗ béo bò, bê trước khi làm thịt: chọn mua bò, bê để vỗ béo; công tác chuẩn bị trước khi vỗ béo, chuẩn bị chuồng trại và thức ăn
Có thể chia làm một số loại thức ăn như sau: thức ăn tinh, thức ăn thô, thức ăn phụ phẩm và thức ăn bổ sung.