Bệnh sán lá gan ở bò
1. Triệu chứng và bệnh tích:
Những sán lá gan sống ký sinh trong gan gây ra những tổn thương ít nhiều trầm trọng cho nhu mô gan.
Những tổn thương này tuỳ thuộc vào cường độ nhiễm. Khi bị nhiễm nặng có thể dẫn đến tử vong.
Sán lá gan hút máu trong ống mật, gây ra hiện tượng viêm các ống dẫn mật và các ống này có thể bị can-xi hoá, chức năng của gan bị hỏng. Trong một số trường hợp, người ta ghi nhận có hiện tượng xơ gan
Khi bệnh tiến triển thấy niêm mạc nhợt nhạt, vàng da, con vật gầy rạc, các mô mỡ và bắp thịt teo đi. Hồng cầu giảm xuống chỉ còn dưới 1 triệu/mm3
Ở bò thường thấy dạng bệnh mãn tính. Bệnh tiến triển theo ba thời kỳ :
- Thời kỳ đầu: thường không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt
- Thời kỳ thứ hai: bò có biểu hiện thiếu máu, gầy, khát nước, hơi sốt và thuỷ thũng nhẹ ở phúc mạc. Kết mạc mắt sưng và nhợt nhạt, mí mắt phù
- Thời kỳ thứ ba: bò gầy rạc, những con có thai thường bị xảy hoặc đẻ non yếu ớt, nhẹ cân. Bò bỏ ăn, tiêu hoá kém, ỉa lỏng. Triệu chứng đặc hiệu là thuỷ thũng dưới hàm
Thời gian tiến triển của bệnh rất thay đổi, nhưng ít khi kéo dài quá 6 tháng. Con vật chết do kiệt sức, không đau đớn gì và không co giật
2. Chẩn đoán:
+ Chẩn đoán lâm sàng :
Chẩn đoán lâm sàng bệnh sán lá gan luôn luôn khó khăn do các dấu hiệu không điển hình. Một loạt triệu chứng có thể quan sát được theo trình tự thời gian như: hiện tượng thiếu máu đi cùng với tính vô cảm, ăn kém ngon miệng, gầy, da hơi vàng; xuất hiện ỉa chảy và cuối cùng, trong những trường hợp trầm trọng, phát triển phù thũng và gia súc suy mòn dần.
Sờ vào sườn bên phải gây ra cảm giác đau rõ ràng
+ Chẩn đoán trong phòng thí nghiệm :
Chẩn đoán trong phòng thí nghiệm tiến hành chủ yếu bằng kiểm tra phân, nhưng gần đây người ta đã đưa vào các xét nghiệm huyết thanh học
- Kiểm tra phân: nhằm phát hiện những trứng đặc trưng của sán lá gan trong phân với việc sử dụng kỹ thuật làm giầu bằng lắng cặn hoặc phù nổi để tập trung một số lượng lớn nhất tế bào trứng từ một lượng phân nhỏ nhất có thể
Tuy vậy, việc kiểm tra phân chỉ có ích trong trường hợp bệnh sán lá gan mãn tính.
Một bất lợi khác cũng cần phải đề cập đến, đó là việc sản sinh ra trứng ngắt quãng, không liên tục, tuỳ thuộc vào việc thải dịch từ túi mật và sinh học của ký sinh trùng.
Do đó, người ta khuyên là nên lặp lại kiểm tra để chẩn đoán bệnh theo cách này và lấy mẫu đại diện một số gia súc trong cùng một đàn.
- Kiểm tra huyết thanh học: gần đây những kỹ thuật huyết thanh học đã được phát triển và áp dụng để chẩn đoán, nghiên cứu dịch tễ bệnh sán lá gan.
Chủ yếu là xét nghiệm ELISA để phát hiện các kháng thể lưu hành.
Những lợi ích lớn nhất của xét nghiệm ELISA là khả năng phát hiện được việc nhiễm bệnh trong thời kỳ trước khi sán trưởng thành, trước khi trứng được bài tiết ra, và khả năng kiểm tra một số lượng mẫu lớn.
Những vấn đề tồn tại của xét nghiệm này là giá thành, thiết bị cần thiết, việc thiếu độ mẫn cảm và đặc thù và sự tồn lưu kháng thể sau khi điều trị.
+ Chẩn đoán qua việc mổ khám:
Sự có mặt của các sán lá gan trong ống mật, việc can-xi hoá các ống dẫn và các tổn thương do các sán lá non di chuyển gây ra là những tổn thương đặc trưng của bệnh sán lá gan.
3. Điều trị :
Trong một thời gian dài, người ta thường dùng những dẫn xuất hydrocarbon có halogen để điều trị bệnh sán lá gan.
Những sản phẩm này tương đối độc hại và chúng chỉ tác động lên các sán lá trưởng thành.
Những sản phẩm được sử dụng gần đây là bithionol và bithionol-sulphoxide, oxyclozanide, rafoxanide, nitroxynil, diamphenetide..... có tác dụng đối với sán lá trưởng thành và một phần đối với các sán lá còn non.
Hiện nay người ta sử dụng những sản phẩm sau đây :
- Triclobendazole (Fasinex â) là một sản phẩm tuyệt hảo, có tác dụng chống lại các sán lá rất tốt ngay cả ở những giai đoạn còn rất non. Liều dùng cho bò là 12 mg/kg khối lượng cơ thể
- Closantel: là một sản phẩm tuyệt hảo chống lại các sán lá trưởng thành và các sán non bắt đầu từ tuần thứ 6, nó giữ được hoạt tính trong vòng nhiều tuần lễ, có hoạt tính chống lại loài giun tròn hút máu và một số loài chân đốt
- Clorsulon: hoạt tính rất mạnh chống lại các sán lá trưởng thành và các sán lá còn non bắt đầu từ tuần thứ 6
4. Kiểm soát và khống chế bệnh :
Cuộc đấu tranh tổng thể chống lại bệnh sán lá gan bao gồm ba khía cạnh chính sau đây :
- Sử dụng các loại thuốc diệt sán lá gan :
Cho phép giảm đáng kể khả năng nhiễm bệnh tiềm tàng, trong khi tiêu diệt sán lá trưởng thành ở ký chủ cuối cùng: việc điều trị theo phương pháp bắt buộc phải dựa trên các hiểu biết về dịch tễ học.
Trong các vùng có các mùa khô và mùa mưa, thông thường áp dụng hai lần điều trị, lần đầu vào cuối mùa mưa để loại các sán lá trưởng thành và để cho gia súc bước vào mùa khô trong trạng thái sức khoẻ tốt và cũng để ngăn cản việc nhiễm các nguồn nước; lần điều trị thứ hai vào cuối mùa khô, khi mà các sán lá non di chuyển trong nhu mô gan.
Lần điều trị thứ hai này cần sử dụng một chế phẩm có tác dụng chống lại giai đoạn ấu trùng.
- Tác động lên ốc - ký chủ trung gian:
Bằng đấu tranh hoá học và đấu tranh sinh học: sử dụng các loại thuốc diệt ốc; thoát nước cho những bãi chăn sình lầy; đưa vào nuôi và bảo vệ các loài chim ăn ốc (ví dụ như vịt); đưa vào các loại ốc không phải là ký chủ trung gian của sán lá nhưng lại cạnh tranh với các loài ốc ký chủ trung gian.
Thông thường thì các biện pháp này có hiệu quả hạn chế, nhưng có thể bổ sung với những hoạt động khác
- Phòng bằng các biện pháp vệ sinh :
Giảm hoặc hạn chế tiếp xúc giữa bò với các vĩ ấu bọc kén và giữa phân với ốc. Những biện pháp này liên quan đến điều khiển, quản lý đàn và quản lý bãi chăn; xây dựng những điểm nước uống bảo đảm vệ sinh.
Related news
Hiện toàn TP Hà Nội có trên 140.000 con bò, trong đó số lượng bò thịt đạt trên 125.000 con. Trong những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ miễn phí cho hộ chăn nuôi khi áp dụng phương pháp lai thụ tinh nhân tạo trên đàn bò mà các giống bò lai tốt đã dần được mở rộng chăn nuôi, mang hiệu quả kinh tế cao. Một trong những giống bò lai điển hình đó là giống bò BBB.
Hội chứng thấp khớp xảy ra đối với tất cả các loại gia súc, nhất là trâu bò, ngựa, dê, cừu và lợn. Hội chứng này thường xảy ra trong vụ đông xuân, vụ hè thì ít bị hơn.
Viêm tử cung là một trong những bệnh thường gặp ở bò cái sinh sản, nhất là trong điều kiện chăn nuôi thâm canh và theo quy mô trang trại. Bệnh xảy ra khi có một số lượng lớn vi khuẩn hoặc các vi khuẩn đặc trưng, có độc tính cao tấn công. Nhìn chung, tác nhân chủ yếu của bệnh là các liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, E.coli hoặc Actinomyces pyogenes.