Bệnh Nhiễm Trùng Máu Cá Tra
Nguyên nhân:
Bệnh nhiễm trùng máu hay còn gọi là bệnh đốm đỏ là một loại bệnh khá phổ biến trong các ao nuôi cá tra thâm canh. Trong trường hợp bị dịch nặng, cá có thể chết đến 80-90%. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, trong đó chủ yếu thuộc giống Aeromonas. Vi khuẩn này có sẵn trong các môi trường nước nhưng chúng ưa sống trong những môi trường nước giàu chất hữu cơ. Cá tra hay bị bệnh này vào các tháng giao mùa từ mùa khô sang mùa mưa (tháng 3-6) và có thể kéo dài đến tháng 10. Giai đoạn cá con dễ bị nhiễm hơn cá trưởng thành và tỷ lệ chết cũng cao hơn.
Triệu chứng:
Khi cá bị bệnh thường có các triệu chứng như: cá bơi lờ đờ, sức ăn kém và sau đó bỏ ăn, hoạt động yếu ớt rồi tách đàn. Trên thân, vây, miệng cá dần dần xuất hiện những đốm đỏ, da sậm màu, râu bị xuất huyết hoặc bạc trắng; vây bị rách, cụt; xuất huyết ở mô mỡ, dạ dày, tuyến sinh dục; mắt cá bị đục, lồi ra ngoài; xoang bụng tiết dịch nhờn, túi mật sưng to, gan đổi màu thành màu xanh tái, máu bị nhiễm trùng. Khi cá chết xuất hiện những vết lở loét trên thân cá.
Phòng và trị bệnh:
Cần chú ý đến sức khỏe con giống vì cá hay bị bệnh ở giai đoạn nhỏ. Nên mua con giống ở những cơ sở có uy tín, chất lượng. Sử dụng thức ăn hỗn hợp chất lượng cao để bảo đảm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cá, giúp sức khỏe cá được tốt hơn cũng như khả năng đề kháng cao hơn.
Yếu tố môi trường cũng đóng vai trò quan trọng trong phát sinh bệnh cá, vì thế cần quản lý môi trường nuôi thật tốt. Trước khi thả cá cần vệ sinh đáy ao bằng cách sên vét bùn ao, bón vôi bột với lượng 10 kg/100 m2 ao và phơi nắng đáy ao trong một tuần. Nguồn nước lấy vào là nguồn nước sạch, hàm lượng chất hữu cơ thấp, tốt nhất là lấy nước sông lúc thủy triều lên cao.
Tích cực phòng trị các bệnh ngoài da khác và tránh cá bị sây sát vì vi khuẩn thường xâm nhập qua các vết này. Bổ sung vitamin và chất dinh dưỡng vào thức ăn cho cá để làm tăng sức khỏe và sức đề kháng cho cá. Dùng Cetafish hoặc Nova – C với liều 50 g/kg thức ăn cho cá ăn thường xuyên; dùng Betamin trộn với liều 10g/kg thức ăn cho cá ăn liên tục trong nhiều ngày. Sử dụng kháng sinh phòng bệnh như Nova – Flor 500 pha trộn với thức ăn theo liều 50 ml/15-20 kg thức ăn cho cá ăn liên tục 3 ngày, khoảng 20-25 ngày dùng thuốc 1 lần. Với Avaxide thì sử dụng định kỳ 1-2 tuần, có thể sử dụng thêm Zeofish để làm sạch môi trường với liều 5-6 kg/1.000 m3 nước.
Trong giai đoạn chuyển mùa, nhất là lúc có những trận mưa đầu tiên thường xảy ra dịch bệnh nên xử lý vôi định kỳ 2 tuần 1 lần với liều 20 g/m3 nước và bờ ao.
Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách dùng Cetafish hoặc Nova – C với liều 50 g/kg thức ăn cho cá ăn cho đến khi hết bệnh, có thể dùng NOVAMIN F hoặc ANTIDO; dùng Nova – Flor 500 trộn với thức ăn theo liều 100ml/ 20 kg thức ăn cho cá ăn liên tục 7 – 10 ngày. Ngoài ra có thể dùng kháng sinh Noav – Flor 2000 hoặc Thiacol. Dùng dung dịch NaCl nồng độ 2-3% tắm cho cá con trong vòng 8-10 phút.
Related news
Hiện nay, tỷ lệ sống khi ương cá tra từ bột lên hương thường chỉ đạt trung bình từ 10 - 15%. Tìm ra nguyên nhân và có biện pháp để nâng cao tỷ lệ sống khi ương
Sản phẩm cá tra thịt trắng rất được ưa chuộng ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật và EU nên kỹ thuật nuôi cá tra thịt trắng đang được các doanh nghiệp chế biến
Tỷ lệ hao hụt lớn khi ương cá tra, basa giống ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung giống cho thị trường và hiệu quả nghề nuôi cá.
Cá tra thường có tỷ lệ hao hụt rất lớn khi ương từ cá bột lên cá giống, vì vậy, người nuôi cần chuẩn bị tốt điều kiện cũng như chế độ chăm sóc đảm bảo hiệu quả
Lần đầu tiên các nhà khoa học đã giải mã hoàn toàn bộ hệ gen của cá tra, điều này mở đường cho việc nhân giống loài cá có giá trị kinh tế này tốt hơn.