Bấp Bênh Cây Điều Bình Phước
Trước kia, điều được xem là cây xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, là cây phủ xanh đất trống, đồi trọc. Những năm hoàng kim, cây điều lên ngôi và Bình Phước đã được mệnh danh là “thủ phủ điều” của cả nước. Tuy nhiên, danh hiệu này không đứng vững được lâu, bởi điệp khúc được mùa, mất giá hay điệp khúc trồng, chặt. Vì vậy cây điều Bình Phước vẫn bấp bênh như nhiều cây trồng khác.
Vùng nguyên liệu thiếu ổn định
Sau nhiều thăng trầm, lép vế so với cây cao su, cây tiêu, khoảng vài năm gần đây cây điều ở Bình Phước đã lấy lại thăng bằng, do mủ cao su liên tục mất giá.
Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Phước, sau khi tăng vọt lên khoảng 170 nghìn ha, vào những năm 2007, tổng diện tích điều của tỉnh hiện còn khoảng 135 nghìn ha, trong đó khoảng 133 nghìn ha đang thu hoạch, nhưng có trên 30% diện tích điều già cỗi cần cải tạo.
Những năm gần đây Bình Phước có khoảng 30 nghìn ha điều trồng bằng giống mới, diện tích điều còn lại chủ yếu được trồng bằng hạt, tuy ít sâu bệnh, nhưng năng suất trung bình chỉ khoảng 1,2 tấn hạt/ha. Chỉ một số vườn canh tác tốt, bón phân, phun thuốc dưỡng hoa kịp thời, cộng với thời tiết không “đỏng đảnh” thì mới đạt 2-3 tấn/ha.
Trước kia, cây điều bị xem là “chiếu dưới” so với các loại cây trồng khác và là cây xóa đói, giảm nghèo của các huyện vùng sâu, vùng xa, hoặc cây phủ xanh đất trống đồi trọc, vì vậy chủ yếu được bà con nông dân trồng tại các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập và Đồng Phú.
Tuy giá hạt điều vài năm gần đây tương đối ổn định, giao động khoảng 20-25 nghìn đồng/kg, với năng suất khoảng 1,2-2,5 tấn/ha, thì mỗi mẫu điều cho thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng/ha, vì vậy vài năm gần đây người trồng điều tuy chưa thể làm giàu, nhưng cũng sống khá khỏe từ loại cây này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Bá Hồng, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập, khoe rằng gia đình đã có “của ăn của để”, nhờ canh tác ổn định 10ha điều suốt từ năm 1991 đến nay. Theo ông Hồng, cây điều rất dễ tính, so với cây cao su thì thu nhập không cao, nhưng được cái ổn định và chi phí thấp, cơ bản phải biết chăm sóc, bón phân đúng thời vụ.
Nhiều hộ chạy đua với thị trường trồng cây cao su, cây tiêu..., nhưng với giá cao su bấp bênh như hiện nay thì vị thế ổn định của cây điều đang dần được khẳng định.
Khác với ông Hồng, gia đình ông Lê Văn Cảnh, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng đã gắn bó với cây điều gần 20 năm qua, vụ vừa rồi với 10 mẫu điều, trừ chi phí ông cũng thu gần 600 triệu đồng. So với cây cao su thì điều cần ít công hơn, vì thế đỡ vất vả hơn, do đó hiện tại rất ít hộ chặt điều trồng các loại cây khác, mà đa số trồng xen canh các loại cây ngắn ngày, hoặc thêm nuôi gà thả vườn để tăng thu nhập.
Cái khó nhất vẫn là nguồn vốn và giá cả lên xuống thất thường, vì thế nếu Nhà nước có chính sách cho vay vốn, ổn định giá mua thì trồng điều ngon ăn hơn cao su, ông Cảnh chia sẻ.
Một số mô hình trồng điều xen canh cà phê như hộ ông Dương Khá, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng được cán bộ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật tập huấn, nên 8ha điều trên 10 năm của ông năm nào cũng cho năng suất cao. Với thu nhập ổn định như hiện tại, ông Khá không có ý định thu hẹp vườn điều, mà mong muốn các nhà khoa học giúp nông dân chuyển đổi giống điều già, năng suất thấp, sang giống mới, năng suất 4-5tấn/ha.
Khi giá hạt điều ổn định và người dân có thể làm giàu được, thì diện tích cây điều không những ổn định mà chắc chắn còn tăng thêm. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Giảng, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, cho biết vài năm trước gia đình có gần 20 ha điều, do năng suất thấp ông đã chặt gần 10ha để trồng cao su, nhưng nay thấy sai lầm, vì 10ha điều khi trồng xen cà phê, do được tưới đều, lại được ăn ké phân bón từ cà phê, năng suất hạt điều đã tăng từ 1,5 tấn/ha lên 2,5 tấn/ha.
Ở thời điểm hiện tại, thu nhập từ cây điều cao hơn hẳn cao su, do đó ông chia sẻ kinh nghiệm với bà con chung quanh và vận động họ xen canh theo các mô hình khuyến nông mới để giữ cây điều.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Đon, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước cho biết tỉnh đang cố giữ ổn định 150 nghìn ha cây điều. Nhưng với giá cả bấp bênh như hiện nay, đồng thời nhà nước không có chính sách trợ giá cho cây điều như các loại cây trồng khác, thì diện tích vùng nguyên liệu điều tăng, giảm theo thị trường là điều dễ hiểu.
Theo ông Đon, hiện nay nhà máy chế biến thì nhiều, điểm thu mua điều cũng lắm, nhưng chưa có doanh nghiệp nào “mạo hiểm” đầu tư vào vùng nguyên liệu. Rõ ràng về lâu dài phải có chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi giống mới, năng suất cao, kể cả ghép cành kết hợp với xen canh các loại cây trồng khác, khi người dân sống được họ mới an tâm canh tác cây điều.
Cây cao su, cây lúa có viện nghiên cứu, được Nhà nước trợ vốn, trợ giá, có quỹ bình ổn, thu mua tạm trữ… nhưng với cây điều thì không, nên người trồng điều ở Bình Phước đã nhiều phen điêu đứng, ông Đon so sánh thêm.
Vẫn nặng về chế biến thô
Bình Phước là địa phương có diện tích trồng điều lớn nhất nước. Thống kê của Sở NN&PTNT Bình Phước cho thấy mỗi năm Bình Phước thu hoạch khoảng 180 nghìn tấn hạt điều, nhưng lại có trên 200 cơ sở, nhà máy chế biến, trong đó có 36 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, Hà Lan, Canada và châu Âu…, mỗi năm thu về khoảng 130 triệu USD.
Có nghịch lý là các công ty, cơ sở chủ yếu chế biến thô, hoặc thu mua ăn chênh lệch giá, kiểu mì ăn liền, chỉ có vài công ty như: Mỹ Lệ, Phúc An.. có chế biến sâu, nhưng sản phẩm cũng nghèo nàn, mới ở dạng kẹo hạt điều, điều rang muối, điều rang dầu.
Đến các công ty, cơ sở khá lớn như: Hà Mỵ, Hoàng Sơn, Phúc An, Hoàng Quân...cũng dừng lại ở dạng sơ chế rồi đóng gói xuất khẩu, vì vậy giá trị sản phẩm hạt điều vốn đã thấp, lại càng khó tiêu thụ.
Theo Hội điều Bình Phước, năm nay các nhà sản xuất đã tương đối dễ thở, nhưng với tình hình vùng nguyên liệu và năng lực chế biến như hiện nay là dấu hiệu đáng báo động.
Trong 92 hội viên, chỉ có Công ty Hoàng Sơn 1 và Công ty Kiều Loan là mở rộng sản xuất, còn lại các công ty khác, kể cả một số công ty lớn đều thu hẹp sản xuất, thậm chí có công ty, cơ sở phải đóng cửa. Nhiều đại gia ngành điều “có máu mặt trước kia” nay cũng nhập khẩu điều từ các nước châu Phi, Ấn Độ, Campuchia để gia công rồi xuất khẩu, nhằm khấu hao máy móc và giữ chân công nhân chứ không dám chế biến sâu hay mở rộng sản xuất.
“Tất cả là do nguồn vốn hạn hẹp, vay nhiều thì làm không đủ trả lãi. Với tình hình như hiện nay không phải thu hẹp sản xuất đã là may rồi”, ông Hoàng Đức Quân, giám đốc công ty Hoàng Quân (thị xã Phước Long, Bình Phước) nói.
Được các công ty điều ở Bình Phước đánh giá là tính toán làm ăn chắc chắn nhất, nhưng theo ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 (huyện Bù Đăng, Bình Phước) dù có mở rộng sản xuất, nhưng cũng mua hạt điều theo mùa và không dám dự trữ nhiều vì giá hạt điều bấp bênh, thiếu ổn định. Cũng như các cơ sở khác, công ty này cũng chỉ dừng lại ở dạng sơ chế, là tách vỏ cứng, bóc vỏ lụa, sấy khô..., đóng gói và xuất khẩu.
Sở Công thương tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh đã rất cố gắng để thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh hạt điều như: định hướng thị trường tiêu thụ; nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến, xuất khẩu điều.
Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, mỗi năm chưa đến 1 tỷ đồng, vì vậy chủ yếu là hướng dẫn, động viên doanh nghiệp là chính.
Còn theo Hội điều Bình Phước thì mỗi năm Sở KHCN Bình Phước có hỗ trợ cho các hội viên 2-5 tỷ đồng để ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến điều, nhưng số tiền này không đều, lại giải ngân rất chậm và với giá máy chế biến hạt điều như hiện tại thì số tiền đó chẳng thấm tháp gì, chỉ như muối bỏ biển.
Sở Nông nghiệp & PTNT Bình Phước, khẳng định còn nhiều bất hợp lý giữa vùng nguyên liệu điều và năng lực chế biến hạt điều. Nông dân chưa có liên kết với nhà máy chế biến. Sản xuất, thu mua, chế biến hạt điều cũng chưa có lợi ích chung.
Các doanh nghiệp chỉ biết thu mua, chế biến sản phẩm điều, không mặn mà đầu tư cho vùng nguyên liệu, không ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với người trồng mà thu mua thông qua mạng lưới thương lái tại các địa phương.
Do vậy để ngành điều phát triển bền vững thì cơ quan chức năng cần có cơ chế chính sách tổ chức liên kết chặt chẽ giữa người trồng điều, các nhà chuyên môn và doanh nghiệp chế biến hạt điều.
Related news
Theo Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Chư Jút thì trong những năm qua, đơn vị đã tiến hành xây dựng nhiều mô hình trình diễn nông nghiệp với các loại con, cây giống mới và chuyển giao thành công cho các hộ nông dân trên địa bàn
Việc bán hành hiện không đơn giản vì thị trường đang tràn ngập hành tây Trung Quốc với mẫu mã rất bắt mắt. Nhiều kho hành tây hàng chục tấn của nhà vườn Đà Lạt đã bốc mùi hôi thối.
Tiếp nối sự thành công trong việc đưa cơ giới vào trồng mía ở vùng đất núi, gò đồi tại huyện Ba Tơ, Nhà máy Đường Phổ Phong (thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi) triển khai xây dựng những cánh đồng mẫu đầu tiên cho cây mía tại huyện miền núi Sơn Hà.
Giới thương lái kinh doanh vải thiều cho biết, các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã bắt đầu vào vụ vải sớm, chủ yếu là giống vải u trứng, u hồng, tàu lai với giá thu mua tại vườn từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ 2013 khoảng 10.000 đồng/kg.
Tại Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) đang có 35 hộ nuôi hàu. Bà con cho biết nuôi hàu không khó, tiêu thụ dễ, lợi nhuận khá...