Báo Động Việc Lạm Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật

Tình trạng nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) còn diễn ra phổ biến, trong khi công tác quản lý việc sử dụng cũng như kinh doanh thuốc BVTV ở cơ sở còn rất hạn chế.
Tình trạng nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) còn diễn ra phổ biến, trong khi công tác quản lý việc sử dụng cũng như kinh doanh thuốc BVTV ở cơ sở còn rất hạn chế. Đó là những yếu kém được chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc về công tác BVTV do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 29/1.
Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật
Trong lĩnh vực trồng trọt, khâu BVTV đóng vai trò rất quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng của các loại cây trồng. Những năm qua, dịch vụ về hoạt động BVTV đã phát triển khá mạnh mẽ ở nhiều địa phương, song hiệu quả mang lại vẫn còn hạn chế.
Năm 2014, theo điều tra của Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), cả nước có khoảng trên 600 tổ dịch vụ BVTV. Nhưng trên thực tế, các tổ này chủ yếu là thực hiện phun thuốc BVTV (chiếm trên 60%), còn dịch vụ trọn gói từ điều tra sâu bệnh, cung ứng, phun thuốc thuê còn rất thấp (chỉ đạt 2,6%). Mặt khác, do kiến thức còn hạn chế đã dẫn tới tình trạng nông dân lạm dụng thuốc BVTV diễn ra phổ biến, làm tăng chi phí sản xuất và nguy cơ mất ATTP.
Ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục BVTV nhận định, qua thanh, kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV trong năm 2014 của 13.912 hộ nông dân, Cục đã phát hiện 4.167 hộ vi phạm, chiếm 29,9%.
Các vi phạm chủ yếu là người nông dân không có bảo hộ lao động, sử dụng thuốc BVTV không đúng nồng độ, liều lượng, bao bì vứt bừa bãi không đúng nơi quy định… Theo ông Trung, mạng lưới BVTV cấp xã còn nhiều yếu kém, chưa tham mưu cho chính quyền địa phương về chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cây trồng cũng như biện pháp quản lý buôn bán, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn.
Thêm vào đó, nông dân hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào thuốc BVTV hóa học là chính, tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học rất thấp. Các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn, hiệu quả trong BVTV chậm được nhân rộng.
Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long chia sẻ, nông dân vẫn còn thói quen sử dụng thuốc có hiệu quả tức thời, cực độc. Điều đáng lo ngại là hiện nay, triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi các cây trồng kéo theo nguy cơ sâu bệnh, dịch hại gia tăng, đòi hỏi công tác BVTV cũng phải theo kịp.
Loay hoay quản lý
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 230 DN kinh doanh thuốc BVTV; 129 cơ sở sản xuất, sang chai, đóng gói và 32.649 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV. Qua hoạt động thanh, kiểm tra hàng năm của Cục BVTV và các địa phương vẫn phát hiện một số lượng không nhỏ cơ sở vi phạm.
Trong năm 2014, qua thanh, kiểm tra 48 cơ sở sản xuất thuốc BVTV, cơ quan chức năng đã phát hiện 9 cơ sở vi phạm, chiếm 18,8%. Ngoài ra, qua thanh, kiểm tra 12.347 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV đã phát hiện 1.704 cơ sở vi phạm, chiếm 13,8%. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV ngoài danh mục, kém chất lượng, hết hạn sử dụng…
Mặc dù từ nhiều năm nay, Bộ NN&PTNT đã quyết liệt chỉ đạo, song những con số trên cho thấy công tác quản lý thuốc BVTV vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, việc các cơ sở vi phạm về sản xuất, buôn bán, kinh doanh thuốc BVTV vẫn còn "đất sống" làm dấy lên những mối lo ngại về chất lượng ATTP nông sản.
Năm 2015 được Bộ NN&PTNT chọn là năm ATTP, do đó, theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý thuốc BVTV. "Thực tế địa phương nào sát sao chỉ đạo thì sẽ thành công" - ông Doanh nhấn mạnh.
Trong số các địa phương trên cả nước, Hà Nội được đánh giá là làm khá tốt công tác BVTV. Hiện nay, trên địa bàn TP có khoảng hơn 1.000 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, trong đó phần lớn là kinh doanh theo mùa vụ trong khu dân cư. Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý, ông Nguyễn Duy Hồng - Chi Cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, TP có hệ thống cán bộ BVTV đến tận tuyến xã với trên 400 người.
Những năm qua, lực lượng này bước đầu đã làm tốt công tác dự báo sâu bệnh, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân và tham mưu cho địa phương quản lý hiệu quả. Trong thực hiện nhiệm vụ, nếu xã nào xảy ra dịch bệnh mà nông dân bị động là cán bộ BVTV ở đó phải chịu trách nhiệm.
Hiện nay, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam có 1.643 hoạt chất (đơn chất và hỗn hợp) với 3.902 tên thương mại; 13 hoạt chất thuốc BVTV hạn chế sử dụng; 29 hoạt chất thuốc BVTV cấm sử dụng.
Related news
Thời gian gần đây, thanh long ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) rớt giá thê thảm nên được đổ đống ngoài đường với giá bán lẻ chỉ 3.000 đồng/kg. Thị trường không ổn định nên vụ này nông dân không có lời, thậm chí thua lỗ vì thanh long rớt giá.

Tờ Manila Bulletin đưa tin Việt Nam đã thắng thầu 450.000 tấn gạo xuất sang Philippines trong phiên đấu thầu do Ủy ban mua sắm liên chính phủ của Cơ quan lương thực quốc gia (NFA) Philippines tổ chức ngày 17/9 tại thành phố Quezon, Đông Bắc nước này.

Ngày 17-9, Tổng cục Hải quan cho biết, theo số liệu của cơ quan này trong nửa đầu năm 2015, thịt gà các loại chủ yếu nhập khẩu qua khu vực Cảng Sài Gòn và Cảng Hải Phòng.

Hơn 10 năm khởi nghiệp, anh Nguyễn Quốc Việt (35 tuổi, ngụ ấp Kinh Mới, xã Mỹ Thuận, H.Bình Tân, Vĩnh Long) đã trở thành tỉ phú và tạo việc làm cho hàng chục thanh nhiên địa phương.

Do vận chuyển và bảo quản thô sơ, cá anh vũ Campuchia khi về đến Việt Nam mất hết nhớt, thậm chí còn bị ươn thối. Song, khi vào đến nhà hàng, giá mỗi ký cá vẫn lên tới cả triệu đồng.