Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Báo Động Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Quảng Canh Cải Tiến

Báo Động Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Quảng Canh Cải Tiến
Publish date: Monday. April 23rd, 2012

Vài năm trở lại đây, ở Tiền Giang, tình hình dịch bệnh trên tôm sú nuôi quảng canh cải tiến ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi đó các biện pháp kiểm soát chất lượng môi trường nước, phòng ngừa dịch bệnh đối với mô hình này dường như không có hiệu quả. Vậy mà, hiện nay bà con nuôi tôm quảng canh cải tiến vẫn còn xem nhẹ vấn đề chất lượng con giống khi chỉ mua loại tôm sú giống được xem là dành riêng cho hình thức nuôi này với giá chỉ bằng 40% so với tôm giống thả nuôi thâm canh, bán thâm canh. Đây chính là mầm móng dễ xảy ra dịch, bệnh báo động.

Dịch bệnh tăng cao

Đối với nuôi tôm quảng canh cải tiến, khi tôm sinh trưởng và phát triển hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên lấy từ môi trường bên ngoài. Do đó, mật độ tôm nuôi phải rất thấp (chỉ khoảng từ 1 - 5 con/m2) và không sử dụng hóa chất, kháng sinh. Hình thức nuôi này ít dịch bệnh, sản phẩm tạo ra sạch nên được xem là hình thức nuôi tôm bền vững. Thế nhưng, thời gian gần đây, diện tích tôm nuôi bị bệnh trên tổng diện tích nuôi tôm theo hình thức này ngày càng gia tăng và biểu hiện nhiều bất ổn.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, trong năm 2011, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến bị dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là 310,5 ha với 9,31 triệu giống bị thiệt hại (chiếm 9,21% diện tích), tăng 119 ha so với cùng kỳ năm 2010. Từ đầu năm 2012 đến nay đã có đến 218 ha với 10,416 triệu giống bị thiệt hại, chiếm 11,6% so với tổng diện tích đang thả nuôi tôm quảng canh cải tiến trên địa bàn tỉnh.

Nhìn sang tỉnh Trà Vinh, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết, vào thời điểm này, đã có trên 55 triệu tôm giống của 1.112 hộ nuôi bị chết, với diện tích 1.409 ha. Số tôm chết chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến và một số diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh. Tôm bị thiệt hại chủ yếu ở giai đoạn từ 20 - 30 ngày tuổi, có biểu hiện của bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy.

Điều đáng lo ngại hơn, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến đang diễn biến phức tạp và tỷ lệ dịch bệnh đang vượt qua cả hình thức nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang cho biết, trong tổng số 277 ha với 54,6 triệu giống tôm nuôi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại trong 3 tháng đầu năm 2012, có tới 218 ha với 10,416 triệu giống nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến, chiếm 11,5% tổng diện tích nuôi quảng canh cải tiến; trong khi đó, diện tích tôm sú thâm canh, bán thâm canh thả nuôi bị dịch bệnh chỉ có 16 ha với 4,9 triệu giống (chiếm 4,2% tổng diện tích nuôi), diện tích tôm thẻ bị dịch bệnh là 43,3 ha với 39,3 triệu giống (chiếm 8% tổng diện tích nuôi).

Coi nhẹ chất lượng tôm giống

Ông Ngô Thiện Tâm, Trưởng trạm Thủy sản số 3 (huyện Tân Phú Đông) cho biết, hiện nay trên thị trường có hai loại tôm sú giống. Một loại dùng để thả nuôi cho hình thức thâm canh, bán thâm canh với giá 75 đồng/con, trong khi đó tôm giống dùng để thả nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến chỉ có giá 30 đồng/con.

Vì giá chênh lệch cao, nhiều người nuôi tôm quảng canh cải tiến trên địa bàn huyện Tân Phú Đông cho rằng, nuôi tôm theo hình thức này thả giống với mật độ thấp nên không đòi hỏi cao về chất lượng. Hơn nữa, năng suất của hình thức nuôi tôm này rất thấp so với hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh nên việc giảm giá thành sản xuất nuôi là tất yếu. Vì vậy, người nuôi tôm chẳng cần quan tâm đến chất lượng mà cứ hễ có giống là vô tư thả xuống, bởi nếu bị thiệt hại cũng chẳng có bao nhiêu. Điều này cũng đã được minh chứng qua số liệu kiểm dịch của Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, khi hàng năm cơ quan này chỉ kiểm dịch được xấp xỉ 20% tổng số tôm giống thả nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong 3 tháng đầu năm 2012, lượng giống được cơ quan thú y kiểm dịch chỉ là 5,1 triệu giống so với 740 triệu giống đã thả nuôi ở các vùng nuôi tôm.

Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang đe dọa mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến. Theo Tổng cục Thủy sản, dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật có thành phần Cypermethrin trong các mẫu nước, bùn đáy ao lấy ở những vùng nuôi tôm xảy ra dịch bệnh lên đến 0,016 đến 0,032 g/l, nhưng chỉ cần nồng độ Cypermethrin ở mức 0,005 ppb (0,005 g/l) đã gây hội chứng hoại tử gan tụy làm tôm chết. Trong khi đó, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến lấy nước ngoài tự nhiên vào là thả tôm giống mà không qua bất cứ hệ thống lắng lọc hay xử lý nước nào, nên hiểm họa dịch bệnh đối với mô hình nuôi tôm này là rất lớn.

Cần thực hiện ngắt vụ đồng loạt

Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến có diện tích nuôi lớn (trên 1 hecta), nước trong đầm được thay đổi thường xuyên theo con nước trong tháng (thường 2 lần/tháng) để thu hoạch và lấy nguồn thức ăn ngoài tự nhiên. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra không thể dùng biện pháp dập dịch như đối với các hình thức nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh do chi phí quá lớn, ảnh hưởng nhiều đến vụ nuôi sau nên người nuôi tôm vẫn xả nước mang mầm bệnh ra ngoài môi trường tự nhiên.

Điều đáng lo ngại hơn, trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm chưa hoàn chỉnh, chưa có hệ thống kênh cấp và kênh xả riêng biệt, nhiều hệ thống kênh rạch bị bồi lắng, mầm bệnh từ những đầm tôm quảng canh cải tiến này không được đưa đi xa ra khỏi vùng nuôi mà vẫn còn quanh quẩn tại đó thông qua việc ký sinh trên các loại giáp xác. Khi có điều kiện, mầm bệnh lại theo nguồn nước tự nhiên vào các đầm tôm quảng canh cải tiến, thậm chí các ao tôm nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh, từ đó gây ra nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi.

Bên cạnh đó, do đặc thù của mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến không theo mùa vụ mà thả nuôi quanh năm, nên những năm qua, cơ quan chức năng một số địa phương đã cho phép các hộ nuôi tôm theo hình thức này vẫn được phép thả tôm giống trong khi các hộ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh đang thực hiện thời gian ngắt vụ. Khi đó, các đầm tôm quảng canh cải tiến chính là nơi phát sinh mầm bệnh khiến mầm bệnh vẫn tồn tại ngoài tự nhiên. Do đó, để mầm bệnh trong nuôi tôm được cắt hoàn toàn nhằm giảm thiểu mầm bệnh trong nuôi tôm cần phải cấm thả tôm giống đối với tất cả các hình thức nuôi tôm trong thời gian ngắt vụ.

Related news

Phát huy dân chủ rộng rãi trong xây dựng nông thôn mới Phát huy dân chủ rộng rãi trong xây dựng nông thôn mới

Sáng 28/11, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác đi kiểm tra mô hình phát triển sản xuất, khu dân cư mẫu tại xã Thạch Văn và làm việc với cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã của Thạch Hà về tiến độ xây dựng NTM.

Tuesday. December 1st, 2015
Báo Argentina ca ngợi thành tựu nông nghiệp của Việt Nam Báo Argentina ca ngợi thành tựu nông nghiệp của Việt Nam

Ngày 28/11, báo Clarin của Argentina đăng bài viết “Nông nghiệp Việt Nam cất cánh,” ca ngợi những thành quả đã đạt được cũng như những triển vọng phát triển của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Tuesday. December 1st, 2015
Khó khăn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới Khó khăn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Đến thời điểm này, trong nhóm 28 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) 2015, chỉ có 10 xã đạt tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17). Đây cũng là tiêu chí được nhiều địa phương xem là khó nhất trong 19 tiêu chí NTM.

Tuesday. December 1st, 2015
Cân đối sản xuất, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn Cân đối sản xuất, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

Lượng mưa năm 2015 bị thiếu hụt nghiêm trọng, những tác động của El Nino khiến sản xuất nông nghiệp năm 2016 đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn cao hơn bao giờ hết.

Tuesday. December 1st, 2015
Chủ động diệt chuột trước khi vào vụ Đông Xuân Chủ động diệt chuột trước khi vào vụ Đông Xuân

Từ đầu mùa mưa năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh nói chung và ở huyện Tuy Phước nói riêng ít xảy ra mưa lũ, là điều kiện thuận lợi để chuột phát sinh, phát triển gây hại các loại cây trồng. Bởi vậy, Tuy Phước đang ra sức diệt chuột trước khi bước vào vụ Ðông Xuân 2015-2016.

Tuesday. December 1st, 2015