Băn khoăn bò Úc sinh sản
Giống bò Úc sinh sản đang được nhân giống tại trại của Công ty Bò sữa TP.HCM bán giá 140 ngàn/kg hơi
Gần đây xuất hiện trên mạng thông tin về một công ty cổ phần chuyên cung cấp giống bò thuần Úc sinh sản nhập khẩu với trang web là vinacattle.vn có trụ sở ở quận Tân Bình, TP.HCM.
Theo một đại diện của công ty này, đây là đơn vị duy nhất nhập khẩu bò sinh sản Úc về kinh doanh, tuy mới ra đời từ đầu năm nay nhưng đã nhập về 2.000 con bò Úc trưởng thành sinh sản (bò cái tơ) có trọng lượng từ 300 kg/con trở xuống (do Úc không cho nhập bê) tương đương bò 12-15 tháng tuổi và hiện đang có 2 trang trại để nuôi cách ly 45 ngày trước khi xuất bán ra thị trường, gồm một ở xã An Viễn, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) và một ở xã Trung An, huyện Củ Chi (TP.HCM).
Tuy nhiên, theo phản ảnh của cán bộ thú y xã An Viễn và Trạm Thú y huyện Củ Chi, tổng số đàn bò cái Úc của công ty trên cũng chỉ mới nhập về Việt Nam khoảng 3-4 tháng nay và số lượng 2 trang trại nói trên cộng lại chưa đến 450 con và hiện vẫn còn “tồn” nuôi nhốt trong trại.
Khi hỏi, tại địa phương đã có ai đến trại nhập khẩu bò giống Úc mua về nuôi chưa? Anh Sơn, cán bộ thú y xã An Viễn nói: “Chưa thấy, bởi nếu trại có xuất đi, địa phương phải biết để kiểm dịch”.
Rõ ràng, người chăn nuôi dù vẫn rất muốn tìm hiểu nuôi con bò Úc sinh sản nhập khẩu nhưng vẫn còn dè dặt do nhiều nguyên nhân. Trong đó, cái chính lâu nay nông dân vẫn còn thói quen nuôi bò lai Sind, bò địa phương, trong gia đình chỉ nuôi vài con, chi phí thấp, mua con giống lai Sind nặng 100 kg giá chỉ có 10 triệu đồng/con.
Còn giống bò Úc nhập khẩu chưa biết chất lượng thế nào nhưng giá phải cao hơn con bò lai Sind, thông thường 1 con nhập khẩu nặng trên 250 kg, giá thấp nhất là 30 triệu đồng (bình quân 120 ngàn đồng/kg hơi), còn nếu bò mang thai thì cộng thêm 3 triệu đồng gọi là “chi phí mang thai”, đồng thời bỏ ra chi phí chăm sóc khoảng 50 ngàn đồng/ngày/con nên không phải ai cũng đủ khả năng tài chính.
Hơn nữa, sau thời gian cách ly 45 ngày (tiêm phòng vacxin ngừa bệnh và lấy máu kiểm tra bệnh tật), không qua giai đoạn nuôi thử để đánh giá khả năng thích nghi mà bán theo kiểu “mì ăn liền” cho người nuôi thì liệu có thích hợp ngay với khí hậu, chế độ ăn uống tại Việt Nam hay không?
Hiện nay bò Úc (thịt và sinh sản) nhập khẩu về Việt Nam phần lớn từ các trang trại thuộc TP Koyuga, Melbourne thuộc bang Victoria với nhiều giống như Brahman, Red Angus, Limousin, Charolais... nhưng các nước như Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc thường ưa chuộng giống bò Brahman, Droughtmaster, Red Angus hơn cả là do “giá mềm”.
Theo tìm hiểu, một bò cái tơ nhập khẩu từ Úc thông thường nặng khoảng 250 kg đến 320kg/con, thỉnh thoảng cũng có bò cái mang thai đạt trên 350 kg nhưng không nhiều.
Giá cả vô chừng, không có giá chuẩn nhưng thấp nhất trên 80 ngàn/kg hơi về đến Việt Nam tính luôn cả thuế và hao hụt 5%, còn nếu tính chi phí đưa vào khu cách ly 45 ngày để thử máu kiểm tra bệnh tật, tiêm phòng ngừa bệnh thì giá thành 1 kg hơi nhập khẩu đội lên khoảng 90 ngàn. Thường bán một con bò cái tơ nhập khẩu nặng 300 kg sẽ có lãi 4-5 triệu đồng.
Giả sử mỗi lô doanh nghiệp nhập khẩu về 200 con “xuôi chèo mát mái” sẽ thu lợi khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tiết lộ của những người trong nghề, nhập khẩu bò cái Úc quan trọng nhất là tử cung của bò, nếu không may nhầm phải con bị dị tật, viêm nhiễm không có khả năng sinh sản thì coi như lỗ, có trường hợp phải chuyển qua bán thịt.
Ngoài ra, trên thị trường đang có hiện tượng mua bán nhập nhèm giữa bò thịt với bò cái Úc. Có một số nhà nhập khẩu bò thịt nhưng họ lại không đi đường thịt mà “rao bán” cả con giống. Do đó, khi mua phải con giống không đảm bảo chất lượng như thế thì bò khó sinh sản được.
“Hiện nay ở địa phương một số hộ nông dân tiếp tục thanh lý vườn cao su 2-3 ha do giá mủ thấp để chuyển qua nuôi sữa và bò Úc sinh sản. Tuy nhiên, băn khoăn nhất là chất lượng và nguồn bán giống Úc sinh sản.
Trong đó, giống nhập khẩu trực tiếp được rao bán trên thị trường có giá tốt nhưng không biết chất lượng thế nào, đặc biệt là khả năng sinh sản. Người bán cũng không “bảo hành” nên người mua lỡ gặp bò Úc sinh sản “tịt ngòi” thì cũng chịu!” - ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Nguyên nhân chính là do những trang trại bên Úc bán giống nhưng lại không chuyên về giống nên thường để bò ngoài trời, không có chuồng trại đàng hoàng.
Mặt khác, theo quy định của Úc, trước khi xuất khẩu bò thịt thường được tiêm chích hoóc môn cả đàn, để con bò cái lẫn trong đàn không thể đẻ, còn bò đực cũng không thể nhảy (do họ đã xác định là bò thịt thì không dùng để làm giống).
Ngoài ra, có một số doanh nghiệp nhập khẩu bò thịt lẫn bò cái đã mang thai, trong đó bò cái thực tế chửa hoang và thai còn nhỏ nên phía nhà cung cấp của Úc không kiểm tra được nhưng vẫn tiêm chích hoóc môn, trong trường hợp này bò rất dễ hư thai hoặc bị dị dạng khi thai lớn. Trường hợp này người mua rất dễ bị nhầm.
Trở lại việc nuôi 24 con bò cái giống Brahman của ông Bùi Phước Cường ở KP 4, TT Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) mà báo NNVN nêu ngày 7/9, đây là giống bò thuần Úc được nhân giống của công ty Bò sữa TP.HCM. Khi hỏi lý do vì sao chọn bò Úc được nhân giống tại Việt Nam, ông Cường nói bò đã qua quá trình thuần dưỡng, có gia phả nguồn gốc rõ ràng, sau này có phối sẽ không bị xảy ra hiện tượng trùng huyết.
Còn theo ông Đặng Văn Lượng (Trưởng phòng Kỹ thuật Cty Bò sữa TP.HCM), giống bò thuần mà công ty bán cho ông Cường được nhập khẩu từ Úc với số lượng trên 1.000 con cách đây trên 10 năm, tức vào năm 2003, sau đó công ty tiếp tục nhân giống và bán cho các hộ nông dân và trang trại, mỗi con giống đều gắn lý lịch riêng.
“Hiện nay, có công ty nhập khẩu trực tiếp giống bò Úc sinh sản về Việt Nam sau khi nuôi cách ly 45 ngày thì rao bán thẳng ra dân với giá khoảng 120 ngàn/kg hơi, giá này khá thấp so với con giống, riêng chúng tôi bán giá 140 ngàn/kg. Nhưng theo tôi, giá bán không quan trọng, cái chính là chất lượng, bò nhập khẩu hay bò nhân giống sau này cũng phải sinh sản tốt mới được” - ông Lượng nói.
Vẫn theo ông Lượng, hàng năm số lượng bò Úc sinh sản tại công ty Bò sữa bán ra từ 500-600 con, nhưng trong 8 tháng năm 2015, công ty đã bán được gần 500 con, cao hơn cùng kỳ 130%. Đây là dấu hiệu cho thấy người chăn nuôi phía Nam đã bắt đầu quan tâm hơn đối với giống bò thuần Úc, nhưng nhìn tổng thể vẫn còn đạt thấp do lý do như nói ở trên.
Related news
Với những ưu thế kỹ thuật nuôi mới, giá cả, thị trường tiêu thụ, tôm chân trắng đã trở thành sự lựa chọn của không ít hộ nông dân. Tuy nhiên, tôm chân trắng là đối tượng không phù hợp cho nuôi trong vùng nước ngọt. Tình trạng phát triển nuôi ở vùng nước ngọt được xem là “lợi bất cấp hại” và cần phải được kiểm soát chặt chẽ.
Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP, hiện chỉ có 7 DN đã được dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ XK thủy sản vào Liên bang Nga (5 DNXK cá tra và 2 DNXK tôm). “Con số này là quá ít trong khi đó đã có nhiều DN thủy sản Việt Nam hội đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm, công suất chế biến có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường này”.
Nuôi tôm trên chân ruộng lúa mùa lũ thời gian qua mang lại lợi nhuận khá cao cho nhiều nông dân. Năm nay nước lũ về sớm gần 1 tháng nên con tôm “lên đồng” sớm hơn. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của mực nước thượng nguồn khiến nhiều hộ nuôi tôm hết sức lo lắng.
Trưa, cái nắng đầu hè như đang “rán” chúng tôi trên đường đất cát dẫn đến mô hình trang trại “chăn nuôi tổng hợp” của một kỹ sư ngành công nghệ thông tin. Anh là Nguyễn Thanh Tuấn (38 tuổi; ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Thuỷ Bằng có khoảng 74 ha thanh trà, nhiều nhất của thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế). Đây là một trong những giống cây chủ lực của địa phương, tập trung chủ yếu ở vùng Tân Ba, Vĩ Dạ và một số thôn khác dọc theo sông Hương như: Cư Chánh 2, Dạ Khê, An Ninh, Dương Phẩm, Võ Xá, Bằng Lãng. Không nhiều, nhưng Thuỷ Bằng cũng có hơn 5ha thanh trà được tham gia sử dụng nhãn hiệu “Thanh trà Huế”.