Ban Điều Phối Càphê Việt Nam Ưu Tiên Cho Vấn Đề Tái Canh
Cho đến thời điểm này, mô hình hội đồng ngành hàng như Ban điều phối ngành hàng càphê Việt Nam (được thành lập tháng 7/2013) vẫn được đánh giá là một mô hình khá mới mẻ đối với chúng ta. Làm thế nào để Ban điều phối hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị hạt cà phê và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới vẫn là câu hỏi khó.
Mô hình mới mẻ
Phát biểu tại hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về ban điều phối ngành hàng và các vấn đề đặt ra cho Việt Nam" do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard nhấn mạnh: “Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu nông nghiệp và nhiệm vụ hàng đầu là lựa chọn ngành hàng chiến lược mà chúng ta có lợi thế. Việc thành lập một hội đồng ngành hàng cà phê với sự phối hợp của khu vực tư nhân và nhà nước được coi là cơ hội quan trọng để tái cơ cấu ngành hàng.
Mối liên hệ giữa các thành viên trong Ban điều phối (BĐP) không chỉ có giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân, mà còn giữa DN lớn với nhỏ, giữa DN đa quốc gia với các công ty trong nước. Do vậy, làm sao phát huy hiệu quả của BĐP không phải là nhiệm vụ đơn giản”.
Nhiệm vụ trước mắt của BĐP ngành hàng càphê là ưu tiên cho vấn đề tái canh cây cà phê.
Hiện, cơ cấu tổ chức của Ban điều phối ngành hàng càphê Việt Nam gồm có Trưởng ban, phó trưởng ban, văn phòng thường trực và các tiểu ban sản xuất, tiểu ban chế biến và thương mại, tiểu ban bền vững và chiến lược.
Các thành phần tham gia gồm: Bộ Nông nghiệp và PTNT mà đại diện là Cục Trồng trọt, Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và Nghề muối, Vụ Kế hoạch, Vụ Hợp tác quốc tế; Hiệp hội Càphê – Ca cao Việt Nam (VICOFA); lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng; 2 DN trong nước và 2 DN nước ngoài; 2 đại diện nông dân 2 tỉnh.
Chức năng, nhiệm vụ của BĐP là nghiên cứu, đề xuất chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành hàng càphê; chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, chiến lược, chương trình phát triển ngành hàng; tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động và nguồn lực của chương trình liên kết công tư trong sản xuất, chế biến, thương mại, tiêu thụ và kinh doanh càphê; cung cấp, chia sẻ thông tin, xúc tiến thương mại, xúc tiến hợp tác công – tư và nâng cao năng lực cho các đối tác;…
Đánh giá về mô hình hoạt động của BĐP càphê Việt Nam, TS.David Hallam, Giám đốc bộ phận thương mại và thị trường, Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp quốc (FAO) cho rằng, việc có sự tham gia của các DN đa quốc gia trong BĐP là một mô hình rất mới. Đây sẽ là nguồn lực giúp chúng ta nâng cao công nghệ, phát triển thị trường nhưng cũng cần cẩn trọng để họ không được tự do trong quá trình tham gia.
Ưu tiên cho vấn đề tái canh cà phê
Theo TS.David, Việt Nam là nước xuất khẩu càphê lớn thứ hai thế giới nhưng thương hiệu càphê Việt Nam chưa được nhiều nhà nhập khẩu biết đến nên trong những hoạt động sắp tới của BĐP, cần quan tâm phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, xác định thương hiệu nào cần phát triển, bảo vệ để có chính sách phù hợp.
Ông David cũng chỉ ra những hạn chế của ngành hàng càphê Việt Nam hiện nay như hoạt động sản xuất phân tán, có nhiều hộ sản xuất quy quy mô nhỏ. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt của BĐP ngành hàng càphê rất nặng nề, đó là phải thiết lập tiêu chuẩn chất lượng cho cà phê, điều tiết biến động giá cần làm sao để giá cà phê ổn định hơn, nông dân và thương nhân rủi ro ít hơn. Cần phải xây dựng ngành cà phê đồng bộ, hiện đại và bền vững ở mọi khâu: trồng trọt, chế biến, bảo quản thương mại.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, một cơ chế hoạt động mang tính chất liên ngành, liên đơn vị đã có nhiều nhưng đây là lần đầu tiên một hội đồng ngành hàng có sự tham gia của cả Nhà nước và doanh nghiệp, hơn nữa có sự hiện diện của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, BĐP cũng cần xác định rõ những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để tránh có sự trùng lắp.
TS.Đặng Kim Sơn nhấn mạnh: “Với việc thành lập BĐP ngành hàng càphê, việc xây dựng chuỗi giá trị đã được khẳng định. Chúng tôi cũng đã xác định được nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là những vấn đề đang rất nóng của ngành càphê như tái canh, ổn định diện tích, từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho hạt càphê Việt”.
Related news
Ngày 18/11/2015, tại Bạc Liêu, Bộ NN và PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị “Quản lý nuôi và phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ”. Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến đồng chủ trì Hội nghị.
Đến cổng làng Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) hỏi ông Tu Thanh Hường, ai cũng biết. Bà con ở đây nói ông là nông dân đi lên từ hai bàn tay trắng, vượt qua khó khăn thử thách để làm giàu, trở thành ông chủ trang trại tiền tỷ trên vùng cát hoang vu.
Với tiềm năng rất lớn, việc nuôi cá trên các hồ chưa thủy lợi, thủy điện đang trở thành một hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.
Những năm gần đây, bệnh gan thận mủ (GTM) hoành hành trên cá tra gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân, thậm chí nhiều trường hợp tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá tra thương phẩm lên đến 50%.
Thời điểm này, số lượng đàn heo đen tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đang ở mức cao nhất nhằm phục vụ cho thị trường tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, tập quán chăn nuôi thả rông không mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn để lại hệ lụy môi trường.