Bắc Ninh Tăng Cường Ứng Dụng Cơ Giới Hóa Trong Chăn Nuôi
Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, chế biến, các trang trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trước đây, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản chủ yếu theo phương thức truyền thống, việc đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào phục vụ sản xuất chưa được chú trọng. Sau 3 năm thực hiện, đề án “Ứng dụng KHKT và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất giai đoạn 2011-2015” mang lại những kết quả tích cực. Nhờ tăng cường áp dụng KHKT, đẩy mạnh chăn nuôi tập trung nên mặc dù tổng đàn không tăng nhưng sản lượng gia súc, gia cầm lại tăng.
Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn tỉnh trong năm 2013 đạt hơn 90.640 tấn, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2012. Tòan tỉnh có 176 trang trại chăn nuôi áp dụng cơ giới hóa khâu vệ sinh chuồng trại, hệ thống thông gió, cung cấp nước uống tự động.
Theo anh Nguyễn Văn Đẩu, Giám đốc Xí nghiệp Bắc Đẩu – một trong những đơn vị chăn nuôi lợn lớn nhất tỉnh, được sự tư vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước, anh đầu tư xây dựng hàng chục nghìn m2 chuồng trại theo kỹ thuật chuồng Ivec khép kín; lắp đặt hệ thống thông gió, cung cấp nước uống tự động và cơ giới hóa khâu vệ sinh chuồng nuôi. Xung quanh chuồng trại xây dựng các bể Bioga liên thông xử lý nước thải và ao cá điều hòa không khí.
Nhờ áp dụng công nghệ và tuân thủ quy trình kỹ thuật nên chuồng nuôi luôn thông thoáng và bảo đảm nhiệt độ thích hợp cho lợn sinh trưởng tốt. Trung bình mỗi năm, Xí nghiệp xuất bán từ 1.200-1.400 tấn lợn hơi thương phẩm, doanh thu 60-70 tỷ đồng/năm.
Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, toàn tỉnh hiện có 13 nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản với công suất 500.000 tấn/năm đáp ứng tốt nhu cầu thức ăn công nghiệp cho vật nuôi; 916 chiếc máy nghiền các loại nông sản làm thức ăn chăn nuôi; 256 chiếc máy ấp trứng gia cầm (tăng 57 chiếc so với năm 2010).
Trong chăn nuôi gà đẻ trứng, Tập đoàn Dabaco tiến tới tự động hóa các khâu từ cung cấp thức ăn, nước uống, làm vệ sinh, đến thu trứng và ấp trứng; ngoài ra, cơ sở giết mổ gia cầm của Dabaco đạt công suất 1.500 con gia cầm/ca.
Trong lĩnh vực thủy sản, với 5 cơ sở sản xuất giống và gần 5.500ha nuôi trồng thủy sản, việc đưa máy móc cơ giới hóa vào các khâu phối, trộn thức ăn, bơm nước, tạo ô xy trong các ao nuôi cá thâm canh, ấp trứng cá nhân tạo… từng bước được áp dụng và cho hiệu quả cao. Qua đó, góp phần đưa năng suất, chất lượng thủy sản của tỉnh luôn ở tốp dẫn đầu trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Có thể thấy, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và từng bước đưa cơ giới hóa vào chăn nuôi đã góp phần đem lại hiệu quả cao. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, các trang trại phần lớn nằm trong khu dân cư.
Việc đầu tư mua sắm thiết bị máy móc phục vụ sản xuất hiện còn mang tính tự phát; ngoài ra, 80% thợ vận hành, sửa chữa các loại máy móc lại không qua đào tạo bài bản tại các trường chuyên nghiệp, dẫn đến việc thực hiện quy trình chăm sóc, bảo dưỡng còn hạn chế, làm giảm chất lượng và tuổi thọ máy…
Trong thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch chăn nuôi, đưa các trang trại ra khỏi các khu dân cư; vận động người dân đầu tư các nguồn lực để xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như: nuôi lợn trên nền đệm lót sinh thái, sử dụng công nghệ khí sinh học biogas để xử lý chất thải, nâng cao hiệu quả chăn nuôi…
Đồng thời, có những chính sách khuyến khích đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất; phát triển chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.
Related news
Nhìn vẻ ngoài trẻ trung, đầy nữ tính, ít ai biết được bà Phan Thị Ngọc Điệp (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã bước vào tuổi 44 với gần 30 năm phiêu bạt, rày đây mai đó theo bầy ong đi tìm mật.
Ngày nay, người nuôi gà cần hiểu biết rành rẽ và giỏi về công tác thú y mới có thể thành công. Kinh nghiệm từ những người nuôi gà nhiều năm và có thành công nổi trội như ông Phan Thế Hào, Bùi Thanh Tuấn… là không ngừng học hỏi, nghiên cứu. Một mặt nghiên cứu trong tài liệu, từ bạn bè hướng dẫn, nghề dạy nghề, mặt khác, ông Hào không từ bỏ một cuộc hội thảo nào liên quan đến chuyên đề từng chứng bệnh trên gà. Còn anh Tuấn: “Ở đâu có hội thảo, chúng tôi cũng tìm đến. Đó là sự đầu tư, nâng cao tay nghề, còn quan trọng hơn cả vốn liếng”.
Đồng Nai là một trong 9 tỉnh, thành được Chính phủ chọn làm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trên đàn gia súc, gia cầm trong 2 năm (2011-2013). Song, chương trình này đến nay chỉ có hộ nghèo tham gia do được miễn phí, còn các hộ chăn nuôi khác đều “chê”.
Giá vịt giảm gần 20.000 đồng/1kg so với cách đây một tháng, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Giá vịt thịt tại Đồng Nai hiện bất ngờ giảm mạnh và chỉ còn dao động ở mức 35 – 38.000 đồng/1kg, tức giảm gần 20.000đồng/1kg so với cách đây một tháng, khiến người chăn nuôi vịt gặp rất nhiều khó khăn vì thua lỗ nặng. Riêng các hộ đã lỡ đầu tư chuồng trại, thì dở khóc dở cười vì không dám nhập vịt về nuôi, đành chấp nhận bỏ trống chuồng một cách lãng phí.
Cúm gia cầm H5N1 đã tái phát ở một số địa phương lân cận TP HCM nhưng nhiều người vẫn thờ ơ với dịch bệnh. UBND tỉnh Tiền Giang vừa công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại 2 xã Tân Phú và Tân Thới, huyện Tân Phú Đông. Theo Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, từ ngày 31-10 đến 4-11, ngành thú y đã phát hiện tại 4 hộ trên địa bàn 2 xã Tân Phú và Tân Thới có vịt bệnh và chết. Tổng số vịt nuôi của 4 hộ là 938 con, trong đó có 315 con chết trong tổng số 557 con nhiễm bệnh kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H5N1.