Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bà Rịa Vũng Tàu Trồng Trái Cây Nghịch Mùa Hướng Sản Xuất Hiệu Quả

Bà Rịa Vũng Tàu Trồng Trái Cây Nghịch Mùa Hướng Sản Xuất Hiệu Quả
Publish date: Wednesday. March 26th, 2014

Theo quy luật thị trường, trái cây thường rớt giá vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 10) và được giá vào mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau). Từ quy luật này, nhiều năm nay, các nhà vườn trồng bưởi, thanh long, mãng cầu đã xử lý cho cây ra trái vào mùa khô, giảm sản lượng vào mùa mưa để bán được giá cao hơn.

Thiếu điện, nước vào mùa khô cũng là một trong những lực cản cho người trồng thanh long nghịch vụ tại huyện Xuyên Mộc. Trong ảnh: Người trồng thanh long ở Xuyên Mộc kiểm tra trái thanh long sau khi xử lý ra hoa trái vụ.

Hiệu quả

Theo nhận định của các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xác định được hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây ăn trái nghịch vụ, bà con nông dân đã tìm cách xử lý cho cây ăn trái thu hoạch vào mùa khô, thay vì để cây ra trái tự nhiên vào mùa mưa như trước đây. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những mô hình trồng cây ăn trái nghịch vụ cho hiệu quả cao như thanh long ở huyện Xuyên Mộc, mãng cầu ta, bưởi da xanh ở huyện Tân Thành …

“Làm cho thanh long ra trái nghịch vụ sẽ bán được giá cao, trong khi thanh long đúng vụ vào mùa mưa sâu bệnh nhiều mà giá lại rẻ” - ông Nguyễn Văn Trọng, chủ một vườn thanh long tại xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) cho biết. Theo ông Trọng, thanh long trái vụ vào mùa khô có giá bán tại vườn từ 15-20.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với mùa mưa thường ở mức 5-7.000 đồng/kg.

Với 5 sào đất trồng thanh long trái vụ, mỗi mùa khô, gia đình ông Trọng thu hoạch 2 - 3 lứa và lãi khoảng 30 triệu đồng. Cũng theo ông Trọng, do hiệu quả cao hiện nay phong trào trồng thanh long trái vụ đang phát triển mạnh tại huyện Xuyên Mộc. Nhiều hộ gia đình đã áp dụng kỹ thuật chia vườn thanh long ra trái rải vụ quanh năm.

Người trồng bưởi ở xã Sông Xoài vẫn còn những lo lắng vì tỷ lệ hoa đậu quả của bưởi trái vụ không cao, trái non rụng nhiều.

Ông Phạm Anh Ta, chủ vườn bưởi da xanh ở xã Sông Xoài (huyện Tân Thành) cho biết: “Do nắm vững kỹ thuật xử lý bưởi ra hoa trái vụ nên nhiều hộ trồng bưởi ở đây cho thu hoạch quanh năm. Việc cây bưởi cho thu hoạch rải vụ đã tránh được hiện tượng “dội chợ” khi chính vụ hay tình trạng được mùa - mất giá”.

Theo các xã viên ở HTX Dịch vụ nông nghiệp bưởi da xanh Tân Thành, nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác cho bưởi ra hoa và thu hoạch rải vụ quanh năm, nếu chăm sóc tốt, mỗi ha bưởi có thể thu lãi từ 300-400 triệu đồng/năm. Trồng bưởi da xanh cho trái quanh năm cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với những cây trồng khác như điều, cà phê như trước.

Thanh long nghịch vụ ở huyện Xuyên Mộc cho hiệu quả cao, nhưng nhà vườn đang gặp khó khăn về nước tưới và điện để xử lý cây ra trái theo ý muốn.

Theo những người trồng mãng cầu ở xã Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ), những năm trước, khi chưa áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ, cứ đến độ tháng 9, 10 hàng năm, mãng cầu rộ mùa, giá rất rẻ. Kể từ khi bà con nông dân áp dụng cách xử lý ra hoa trái vụ, cây mãng cầu đã có mỗi năm 2 vụ, lợi nhuận tăng từ 3-4 lần so với trước đây.

Kết quả xử lý ra hoa trái vụ trên cây mãng cầu đã cho hiệu quả cao, mỗi năm thu lãi khoảng 100 triệu đồng/ha, người trồng mãng cầu cũng không lo sợ ế ẩm như trước đây bởi các chủ vườn đã điều tiết sản lượng cho phù hợp với thị trường ở từng thời điểm.

Khắc phục tình trạng “được mùa-mất giá”

Theo Sở NN-PTNT, sản xuất trái cây trái vụ trên địa bàn tỉnh đã hình thành từ nhiều năm nay. Trên thị trường không còn “mùa nào thức nấy” mà nhiều loại trái cây có quanh năm. Nông dân trồng cây ăn trái nghịch mùa, rải mùa đã có kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng vào một số loại cây là thế mạnh của tỉnh.

Tuy nhiên, ngoài những kỹ thuật xử lý cây ăn trái cho ra thu hoạch rải mùa hiện đại và thân thiện với người tiêu dùng, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn là thiếu nước tưới trong mùa khô nên vẫn chưa có quy hoạch cụ thể cho việc trồng cây ăn trái nghịch vụ.

“Mặc dù cây bưởi da xanh trái vụ cho hiệu quả cao nhưng người trồng bưởi ở xã Sông Xoài vẫn còn lo lắng vì hoa không đậu quả, trái non rụng nhiều” - ông Phạm Anh Ta cho biết. Bên cạnh đó, thiếu điện, nước vào mùa khô cũng là một trong những rào cản gây khó khăn cho người trồng cây ăn trái nghịch vụ. Cụ thể, tại xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) vào mùa khô thường xảy ra thiếu điện và nước.

Nguyên nhân là do hầu hết các hộ trồng thanh long sử dụng điện để chong đèn cho cây thanh long ra hoa. Trong khi đó, nguồn điện cung cấp cho địa bàn xã là đường dây 50Kw, công suất sẽ thiếu khi các nhà vườn cùng dùng điện để thắp sáng cho thanh long ra hoa trái vụ. Còn công trình thủy lợi hồ sông Hỏa chỉ mới cung cấp nước cho ấp Trang Định, còn các ấp khác lại nằm trên cao nên người dân ở đây vẫn phải sử dụng nước giếng để sản xuất nông nghiệp.

Với những nhà vườn trồng mãng cầu, Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư cũng khuyến cáo, mãng cầu nếu được chăm sóc tốt thì quả sẽ ngon, ít sâu bệnh hơn. Nhưng nước tưới cho mãng cầu trái vụ cũng đang là vấn đề bức xúc của các nhà vườn và buộc họ đang tìm giải pháp tưới tiết kiệm vào mùa khô.

Theo khuyến cáo của Trung tâm nghiên cứu cây ăn trái miền Đông Nam bộ, BR-VT cần có quy hoạch để chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm trong việc canh tác cây ăn trái nghịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả cũng như thương hiệu trái cây của tỉnh. Theo đó, tỉnh cần phải quy hoạch sản xuất cây ăn trái rải vụ gắn với sản xuất cây trái tập trung, thị trường tiêu thụ và kết nối với DN để việc xử lý cây ăn trái không còn là giải pháp tình thế của người nông dân.

BÀ TRẦN THỊ TIỆN, NÔNG DÂN XÃ BÔNG TRANG (HUYỆN XUYÊN MỘC): Thiếu nước tưới, năng suất trái cây nghịch mùa thấp

Tôi trồng 230 trụ thanh long. Do thiếu điện, nước nên phải chia thành 4 đợt sản xuất, mỗi đợt khoảng 50 trụ, vì vậy, hiệu quả kinh tế cũng không cao. Nếu đủ điện nước thì 230 trụ thanh long mỗi lứa sẽ cho năng suất khoảng 3 tấn, nhưng giờ chỉ còn được 8 tạ/lứa.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, bà con cũng kiến nghị đưa nguồn nước về nhằm tạo thuận lợi cho việc trồng thanh long trái vụ, nâng cao thu nhập, nhưng đến nay tình trạng thiếu nước, điện yếu vẫn còn tồn tại. Với thế mạnh trồng thanh long và phát triển thành cây trồng chủ lực của xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc), người dân đang mong được các ngành chức năng quan tâm, cải tạo nguồn nước tưới và đường điện nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.


Related news

Bưởi Da Xanh Không Lo Đầu Ra Bưởi Da Xanh Không Lo Đầu Ra

Từ đầu năm 2014 đến nay, giá bưởi da xanh ổn định và luôn đứng ở mức khá cao. Hiện đang là vụ thu hoạch rộ nhưng giá vẫn đứng ở mức 38.000 đ/kg loại I; loại II có giá 28.000 đ/kg; loại III giá 18.000 đ/kg. Với mức giá này sau khi trừ chí đầu tư nhà vườn thu lãi hơn 70%/tổng thu nhập.

Wednesday. August 20th, 2014
Doanh Nghiệp Khó Khăn Vì Nhân Lực Yếu Doanh Nghiệp Khó Khăn Vì Nhân Lực Yếu

Đa số doanh nghiệp cho biết, 6 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp làm ăn khó khăn hơn và lợi nhuận giảm, nguyên nhân chính là nhân lực yếu.

Wednesday. August 20th, 2014
Đăng Ký Bảo Hộ Nhãn Hiệu Cây Diệp Hạ Châu Đăng Ký Bảo Hộ Nhãn Hiệu Cây Diệp Hạ Châu

Năng suất diệp hạ châu đạt đến trên 3 tấn/ha. Qua phân tích của Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng (Sở KH-CN Lâm Đồng), hàm lượng dược chất có ích trong cây diệp hạ châu ở Cát Tiên cao hơn sản phẩm cùng loại ở những vùng khác từ 2-3 lần.

Wednesday. August 20th, 2014
Sản Lượng Mủ Cao Su Cung Vượt Cầu Sản Lượng Mủ Cao Su Cung Vượt Cầu

Nguyên nhân diện tích cao su trong những năm qua tăng là do điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây cao su; đặc biệt là từ năm 2009- 2012, giá mủ cao su liên tục tăng, hiệu quả từ cây cao su đem lại rất lớn so với các cây trồng khác. Do đó, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây cao su.

Wednesday. August 20th, 2014
Bò Giống Đồng Tháp Tăng 8 Triệu Đồng Một Cặp Bò Giống Đồng Tháp Tăng 8 Triệu Đồng Một Cặp

Cụ thể, thay vì năm trước mỗi cặp bò giống chỉ 19-23 triệu đồng, nay tăng lên 26-31 triệu đồng. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn tự nhiên của bò cũng khan hiếm, giá cây bắp tăng khiến chi phí chăn nuôi ngày càng đắt đỏ, trong khi đó giá bò thịt vẫn ổn định 170.000 - 180.000 đồng một kg. Nếu tình trạng này kéo dài, người nuôi bò sẽ gặp nhiều khó khăn vì trung bình mỗi cặp bò nuôi 15 đến 20 tháng, trừ chi phí con giống, công cắt cỏ, chăm sóc, thức ăn, người nuôi sẽ không còn lãi cao.

Wednesday. August 20th, 2014