Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Bà Rịa Vũng Tàu tiếc cho cây điều!

Bà Rịa Vũng Tàu tiếc cho cây điều!
Author: LAM GIANG
Publish date: Friday. March 4th, 2016

Thời điểm này, cùng với hồ tiêu, cây điều cũng đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Khác với những năm trước, giá hạt điều đang tăng ở mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Hiện thương lái thu mua tận vườn với giá từ 31.000 - 32.000 đồng/kg điều tươi, tăng 11.000 - 12.000 đồng/kg so với cách đây 10 năm và tăng 3.000 - 5.000 đồng so với vụ trước. Đang thu hoạch vườn điều 0,5ha cho quả chín sớm, ông Nguyễn Văn Triên, ở xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) cho biết: “Vụ điều năm nay, thời tiết thuận lợi nên điều sai trái, hạt tốt, năng suất cao hơn 20% so với vụ trước. Hiện, giá điều đang tăng cao nên vụ này chúng tôi có lãi cao”.

Ông Triên cho biết thêm, trước đây giá điều chỉ quanh quẩn ở mức 18.000 - 22.000 đồng/kg. Cuối vụ điều 2014 - 2015, giá có tăng lên 27.000 - 28.000 đồng/kg, nhưng so với các loại cây trồng khác thì giá trị kinh tế của điều vẫn thấp. Nếu 1ha điều đạt năng suất từ 11 - 13 tạ, với giá bán từ 31.000 - 32.000 đồng/kg như hiện nay, thì thu nhập từ cây điều mới bắt đầu ngang hoặc nhích hơn so với cây trồng khác như cà phê, khoai mì…

Thế nhưng, nghịch lý là trong khi giá điều tăng cao thì tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, diện tích trồng điều đã giảm mạnh nên sản lượng thu hoạch không nhiều. Tại xã Hòa Hội, một trong những “thủ phủ” của cây điều tại BR-VT, trong vòng 5 năm trở lại đây, diện tích điều giảm gần nửa. Các địa phương khác như xã Bông Trang, Bưng Riềng, Hòa Hiệp… cũng đã dần dần thay thế cây điều bằng các loại cây khác như tràm, thanh long, tiêu…

Nguyên nhân là do vườn điều già cỗi, thời tiết thất thường nên điều liên tiếp mất mùa, năng suất sụt giảm từ 20 - 50%, chất lượng hạt điều giảm, giá cả thị trường lại bấp bênh khiến nhiều nông dân chặt bỏ điều chuyển sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn. Theo thống kê của ngành NN-PTNT, những năm gần đây, diện tích trồng điều của tỉnh liên tục giảm mạnh. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh hiện còn 9.909ha điều, giảm 681,9ha so với năm trước.

Trong khi đó, xuất khẩu hạt điều trong năm 2015 đến đầu năm nay lại có nhiều tín hiệu tích cực, tăng mạnh cả về giá trị và sản lượng. Tính đến cuối năm 2015, xuất khẩu hạt điều của cả nước khoảng 320.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD. Giá hạt điều xuất khẩu cũng tăng cao trong năm 2015, bình quân đạt 7.080USD/tấn. Thế nhưng hiện nay, sản lượng hạt điều trong nước chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, chưa tới 50%, còn lại phải nhập khẩu.

BR-VT trước đây được xem là một trong những “thủ phủ” của cây điều, thì nay sản lượng cũng như chất lượng đều không đáp ứng được nhu cầu cho các DN chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh. Theo Công ty TNHH Thảo Nguyên (huyện Tân Thành), xuất khẩu hạt điều đang có thị trường tốt, sản phẩm hạt điều của DN làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Tuy nhiên, hiện nguyên liệu của ngành điều trong nước không đáp ứng được năng lực sản xuất.

Để duy trì sản xuất, DN phải nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi. Hoặc một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Cao Phát (huyện Châu Đức) cũng phải tìm kiếm các nguồn cung khác tại các nước như Nigeria, Brazil… Theo ông Cao Thúc Uy, Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát, hiện 60% nguồn nguyên liệu hạt điều cho sản xuất của DN phải nhập từ các nước châu Phi.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, hiện hạt điều Việt Nam đã có mặt tại 50 thị trường các nước. Theo Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh, các DNchế biến hạt điều hiện đã đầu tư vào công nghệ máy móc hiện đại để tạo ra nhiều sản phẩm hạt điều có giá trị gia tăng hơn cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Dự kiến sản phẩm có giá trị gia tăng cao sẽ làm tăng 20% giá trị các loại hạt điều chế biến. Vinacas kêu gọi các DN địa phương tăng giá trị cho sản phẩm hạt điều để giúp Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới.

Theo Quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ NN-PTNT, đến năm 2020, diện tích trồng điều cả nước ổn định 300.000ha, năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, sản lượng hạt điều khoảng 400.000 tấn. Tỷ lệ chế biến sâu sản phẩm nhân điều đạt 20%, chế biến dầu từ vỏ hạt điều đạt tỷ lệ 50%, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD.

Tại BR-VT, quy hoạch của Sở NN-PTNT đến năm 2020 diện tích còn 7.000ha, năng suất 14,9 tạ/ha, sản lượng 8.630 tấn.


Related news

Nuôi dê boer cho hiệu quả kinh tế khá Nuôi dê boer cho hiệu quả kinh tế khá

So với giống dê truyền thống (dê cỏ, dê bách thảo) thì dê boer có nhiều điểm nổi trội như dễ nuôi, lớn nhanh, cho sản lượng thịt nhiều... nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Nhiều nông hộ ở thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã chọn nuôi giống dê boer rặc, boer lai đạt hiệu quả cao.

Friday. March 4th, 2016
Sơn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) phát triển chăn nuôi dê núi Sơn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) phát triển chăn nuôi dê núi

Dựa vào địa hình nhiều lèn cao, núi đá, đồng cỏ tự nhiên, người dân xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh chăn nuôi gia súc. Trong đó, chăn nuôi dê đang là thế mạnh của vùng đất này.

Friday. March 4th, 2016
Khánh Hòa cảnh báo sâu bệnh do không khí lạnh Khánh Hòa cảnh báo sâu bệnh do không khí lạnh

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trời thường xuyên nhiều mây, âm u, có mưa rào rải rác, tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển và lây lan nhanh, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông cây lúa.

Friday. March 4th, 2016