Sơn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) phát triển chăn nuôi dê núi
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê núi của một số hội viên điển hình, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, từ những mô hình chăn nuôi kém hiệu quả sang nuôi dê thả rừng. Đến nay, nông dân xã Sơn Trạch đã không còn xa lạ gì với mô hình kinh tế này. Từ vài ba hộ buổi ban đầu, đến nay, toàn xã đã có hàng chục hộ gia đình hội viên phát triển loại hình chăn nuôi dê núi.
Từ năm 2000, gia đình ông Trương Văn Lư (thôn Xuân Sơn) đã mạnh dạn đăng ký với xã lên núi dựng lán, vừa trồng rừng kinh tế vừa nuôi dê. Dê giống ban đầu được ông mua về từ Hà Tĩnh. Kinh nghiệm nuôi dê được ông đúc rút dần qua từng năm, kết hợp với kiến thức chăn nuôi từ sách, báo nên đàn dê của ông ngày càng phát triển. Từ 7 con dê giống thả nuôi ban đầu, ông hiện đã nhân giống thành công với tổng đàn dê luôn ổn định từ 50 - 60 con.
Ông Lư cho biết, thổ nhưỡng ở vùng đất này rất hợp với chăn nuôi dê thả núi. Dê ít bị dịch bệnh như những loại gia súc khác, lại là loài động vật ăn tạp, hầu như tất cả các loại lá cây rừng đều có thể là thức ăn của chúng. Dê cũng có sức đề kháng cao, ít bị ốm, chịu khó tự kiếm ăn nên phù hợp với chăn thả trong rừng trồng của gia đình, không cần thức ăn tinh bổ sung nên chăn nuôi không vất vả và tốn kém gì. Gia đình vừa nuôi dê bán lấy thịt vừa cung cấp giống cho bà con trong vùng nên thu nhập khá ổn định.
Ông Lư tâm sự: qua nhiều lần thành có, bại có, đến giờ tôi đúc rút ra rằng làm gì cũng phải có vốn sống thực tế, nhất là nuôi dê. Ở nhiều nơi bây giờ có xu hướng nuôi dê nhốt chuồng, cho ăn các loại bột cũng chóng lớn nhưng chất lượng thịt không tốt như dê núi nên thương lái hạ giá thành, dê lại dễ mắc bệnh. Ông Lư nhẩm tính, trong 5 năm trở lại đây, với mức giá ổn định 160.000 đồng/kg thịt, mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 80 - 120 triệu đồng. Ngoài tiền giống, nuôi dê rất ít tốn kém, dê chỉ “ăn cỏ, uống nước lã” để đem lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Về chuồng trại cũng không đòi hỏi đầu tư lớn, chỉ cần diện tích nhỏ, tận dụng cây que có sẵn, nhưng phải bảo đảm đủ ánh sáng, cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và tránh được gió mùa đông. Tuy dễ nuôi, dê cũng dễ nhiễm bệnh, nhất là bị chướng bụng do rối loạn tiêu hoá.Chính vì thế, người chăn nuôi phải nắm vững các kỹ thuật chăm sóc theo thời tiết, điều kiện của từng địa phương.
Từ thành công của gia đình ông Trương Văn Lư, hơn chục hộ gia đình ở Sơn Trạch đã học và làm theo. Đàn dê của xã hiện đã có hơn 820 con, chiếm một tỉ trọng khá lớn trong phát triển chăn nuôi tại địa phương. Để có nguồn vốn cho hội viên phát triển trang trại, mua con giống, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguốn vốn vay có lãi suất thấp. Đồng thời, hội thường xuyên tổ chức nhiều buổi trao đổi, đưa hội viên đến từng trang trại để học tập kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong phát triển mô hình nuôi dê thả rừng.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật, chủ động trong công tác tiêm phòng dịch nhằm nhân rộng mô hình trên địa bàn, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp con giống, qua đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Related news
“Nếu muốn hợp tác xã (HTX) nông nghiệp là lực lượng nòng cốt để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì chúng ta không thể không quyết tâm, máu lửa. Cần một cuộc vận động sâu sát, để đổi mới mạnh mẽ HTX”.
Hươu sao là loài có giá trị kinh tế cao, nhung hươu là nguồn dược liệu quý không những đối với nền y học cổ truyền mà còn giữ vai trò quan trọng trong y học hiện đại. Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trong tỉnh Quảng Bình đã phát triển nghề nuôi hươu sao lấy nhung, đem lại nguồn thu nhập khá cao.
So với giống dê truyền thống (dê cỏ, dê bách thảo) thì dê boer có nhiều điểm nổi trội như dễ nuôi, lớn nhanh, cho sản lượng thịt nhiều... nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Nhiều nông hộ ở thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã chọn nuôi giống dê boer rặc, boer lai đạt hiệu quả cao.