Đa phần nông dân ít được hướng dẫn về an toàn lao động (ATLĐ). Tuy nhiên, nhiều xã tại tỉnh Thái Nguyên, bà con được hướng dẫn cũng chẳng làm theo.
Mất tay vẫn không sợ
Người dân tham gia sản xuất khi không có bất cứ dụng cụ bảo hộ nào.
Anh Nguyễn Văn Dôi (thôn 5, An Khánh) chủ máy vò lúa cho biết: “Tôi mua máy vò lúa từ 5 năm trước, về tự học tự làm không nhờ ai giảng dạy cả”. Chính vì “nhắm mắt làm liều” nên một năm trước, do che chắn không tốt, anh bị bình nước nóng trong máy hắt vào mặt, tí thì mất con mắt. Vết sẹo vẫn còn đỏ hỏn trên mặt.
Bà Nguyễn Thị Phán, thôn 2 cũng vừa bị quấn tay vào máy tuốt lúa, phải cắt bỏ một ngón tay út. Mỗi năm, người dân tại xã An Khánh vẫn lác đác xảy ra tai nạn lao động do sử dụng máy móc, liềm hái không đúng cách. Người thì mất tay, người bị bỏng, lại nghe nói có người quấn cả tóc vào máy xay, suýt mất mạng. Nhưng mọi người vẫn nghe tai nọ, ra tai kia, coi đó là tai nạn của tận đẩu tận đâu, không liên quan gì đến mình.
Không chỉ mất ATLĐ trong việc vận hành máy móc mà ngay cả việc đảm bảo an toàn khi sử dụng hoá chất, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp cũng chưa được bà con quan tâm. Chị Nguyễn Thị Minh (thôn 5, An Khánh) một nông dân chuyên đi phun thuốc trừ sâu cho biết: “Cũng biết là thuốc trừ sâu rất độc, nhưng nhà nghèo đi phun hộ lấy tiền. Đôi khi sử dụng quần áo, găng tay bảo hộ thấy rườm rà nên lại thôi”. Mỗi lần đi phun thuốc về, chị đều bị xây xẩm mặt mày, đau đầu, buồn nôn…
Đổ tại “sản xuất nhỏ”
Nơi không được hướng dẫn thì nhắm mắt làm liều, nhưng nhiều địa phương được hướng dẫn về an toàn lao động cũng không thực hiện. Trong 3 năm, từ 2009-2011, xã Phúc Chiều (thị xã Thái Nguyên) được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ưu tiên chọn điểm thực hiện tập huấn ATLĐ trong nông nghiệp. Cuối năm 2011 mô hình này đã được nhân rộng tại xã Tân Cương, xã Quyết Thắng; xã Yên Lãng (thành phố Thái Nguyên), huyện Đại Từ, huyện Phổ Yên. Tuy nhiên, sau 3 tháng tập huấn thì tình trạng mất ATLĐ vẫn không hề giảm đi. Những kiến thức về an toàn lao động “bốc hơi” hết.
Số liệu thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên về ATLĐ cho thấy năm 2011 toàn tỉnh xảy ra 169 vụ tai nạn lao động, với 173 người bị nạn, làm chết 16 người, bị thương 157 người.
Bà Nguyễn Vân Thu (thôn 1, Phúc Chiều) bày tỏ: “Thực ra trước kia cán bộ cũng về tập huấn về việc đảm bảo ATLĐ và an toàn trong sinh hoạt rồi, nhưng nói lâu nên quên mất”. Thực tế, quên thì không phải nhưng vì tâm lý chủ quan nên mặc dù biết sẽ rất nguy hiểm nhưng người dân vẫn nhắm mắt làm ngơ”.
Ông Nguyễn Hải Khê – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Lúc tập huấn thì người dân làm theo rất quy củ, nhưng chỉ sau một thời gian thì lãng quên. Thậm chí, được phát dụng cụ bảo hộ thì người dân cũng không dùng với lý do “bất tiện”.
Theo ông Trương Vạn Xuân - Trưởng phòng Việc làm, an toàn lao động (Sở LĐTBXH Thái Nguyên): “Khâu thực hiện ATLĐ lâu nay còn bị bỏ ngỏ do tính chất của sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, sản xuất theo hộ cá thể, lao động thủ công, nên việc truyền thông, vận động rất khó khăn. Nhận thức của người dân về tai nạn lao động vẫn hạn chế”. Tuy nhiên, nếu Hội Nông dân thường xuyên nhắc nhở bà con, xây dựng các gia đình “sản xuất an toàn” để làm gương cho bà con thì ý thức về ATLĐ của bà con cũng sẽ thường xuyên được “rèn luyện”.