Ăn Cơm Nhà Vận Động Xây Dựng Nông Thôn Mới

Là một người có uy tín trong đồng bào dân tộc ở địa phương, thời gian qua, ông K’Bier ở thôn Hawai xã Tu Tra, Đơn Dương luôn nhiệt tình hăng hái bỏ công sức, thời gian của mình để vận động bà con xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho quê hương ngày càng tươi đẹp hơn.
Gần 10 năm làm trưởng thôn và hiện đang là Đại biểu HĐND huyện Đơn Dương (nhiệm kỳ 2011 - 2016), ông K’Bier đã có nhiều đóng góp cho người dân trong buôn làng mình.
Hiện nay, với phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông K’Bier lại không quản ngại khó khăn vất vả, tranh thủ thời gian sớm tối đi tuyên truyền vận động để bà con đồng bào trong thôn tích cực chung tay góp sức xây dựng quê hương buôn làng ngày càng khởi sắc. Lúc đầu nói đến xây dựng nông thôn mới thì kể cả bản thân ông cũng còn “mù mờ” chưa hiểu.
Nhưng qua một số lớp tập huấn do địa phương tổ chức cũng như nhờ nỗ lực học hỏi, tìm hiểu qua sách, báo, tài liệu… nên ông K’Bier đã dần nắm được mục tiêu, ý nghĩa to lớn của chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó, ông đã nhiệt tình chia sẻ cho người dân để họ hiểu về nông thôn mới và chung tay thực hiện.
Để công tác tuyên truyền hiệu quả ông đã đến từng nhà hoặc đến tận vườn, nơi người dân đang lao động sản xuất để giải thích về mục đích, ý nghĩa của chương trình, từ đó, người dân hiểu và tự nguyện đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông K’Bier cho biết: “Thôn Hawai của mình có 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới là một bài toán khó. Mặt khác, một số hộ dân còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại.
Nhưng qua quá trình bền bỉ tuyên truyền, giải thích, đa số người dân đã hiểu và tự giác đóng góp công sức, tiền của để xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Người dân cũng đã hiểu trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, mình làm để mình hưởng không trông chờ ý lại sự hỗ trợ của Nhà nước nữa”. Thời gian qua với sự tuyên truyền vận động của ông K’Bier, người dân thôn Hawai đã đồng lòng hiến hàng ngàn mét đất, ngày công lao động và cây trồng để đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Vì vậy, bộ mặt nông thôn nơi đây đang ngày một đổi thay.
Ngoài sự nhiệt tình tận tụy trong phong trào xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, ông K’Bier đã không ngừng nỗ lực học hỏi để giúp người dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống.
Muốn để người khác nghe theo thì mình phải làm trước, vì vậy, ông đã phát triển kinh tế gia đình với hơn 2,5ha cà phê, 2ha trồng lúa nước và 0,5ha trồng hoa màu. Ngoài ra, ông cũng phát triển chăn nuôi với 7 con bò vỗ béo, hàng chục con heo và gà. Bình quân tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông gần 500 triệu đồng.
Từ đó, ông đã tuyên truyền, vận động và giúp đỡ các hộ dân chuyển đổi diện tích trồng lúa một vụ hay trồng bắp không hiệu quả sang trồng rau màu và từng bước áp dụng làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Những diện tích cà phê già cỗi, ông K’Bier đã vận động người dân cải tạo và ghép chồi để tăng năng suất.
Để góp phần giúp người dân xây dựng văn hóa ở khu dân cư, ông K’Bier đã vận động bà con từ bỏ những hủ tục lạc hậu như nạn tảo hôn; mê tín dị đoan; ăn uống linh đình trong các dịp ma chay, cưới hỏi; vận động các cặp vợ chồng sinh ít con để nuôi dạy cho tốt, cho con đi học đúng độ tuổi, không bỏ học giữa chừng. Bản thân vợ chồng ông cũng đã gương mẫu đi đầu và chỉ sinh hai con.
Người con trai đầu hiện đang học đại học còn con gái nhỏ đang học tiểu học. Hiện nay, sau hơn 10 năm làm trưởng thôn, ông K’Bier đã xin nghỉ để làm công tác khác nhưng sự nhiệt tình, cống hiến và đóng góp cho đồng bào tại địa phương thì không hề thuyên giảm. Đồng thời ông làm tròn trách nhiệm của Đại biểu HĐND, luôn gần gũi lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân các đồng bào dân tộc tại địa phương để đề đạt với cấp trên.
Nhận xét, đánh giá về ông K’Bier, ông Trần Quang Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Tu Tra cho biết: “K’Bier là một người hiểu biết, nhiệt tình và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Là người có uy tín, có tiếng nói trong đồng bào dân tộc địa phương nên các cuộc vận động đều được anh triển khai đến người dân một cách hiệu quả, tiêu biểu là việc tuyên truyền vận động phong trào xây dựng nông thôn mới”. Với những đóng góp và cống hiến của mình, ông K’Bier đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành trong tỉnh, xứng đáng là gương sáng để nhiều người con của buôn làng khác noi theo.
Nguồn bài viết: http://baolamdong.vn/kinhte/201411/an-com-nha-van-dong-xay-dung-nong-thon-moi-2378452/
Related news

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất theo hướng "chung sống với lũ" trong giai đoạn 2011 - 2015, Tiền Giang triển khai Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất theo mô hình lúa + cá tại xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè nằm đầu nguồn sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang có tổng nguồn vốn khoảng 25 tỉ đồng trên qui mô 100 ha.

Xuất thân từ một gia đình không mấy khá giả, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, nhưng với sự nỗ lực vươn lên, Huỳnh Ngọc Yến (sinh năm 1988, ngụ ấp An Hòa, xã An Hòa, Châu Thành) đã trở thành gương thanh niên làm kinh tế giỏi, với thu nhập ổn định từ nghề nuôi chim cút.

Đây là mô hình thuộc dự án Khuyến nông trung ương “Chăn nuôi gà sinh sản an toàn sinh học trong nông hộ”. Theo đánh giá của cán bộ khuyến nông và bà con nông dân, mô hình này cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Cây gừng tại xã Đồng Chum được triển khai trồng thuộc tiểu hợp phần hỗ trợ sản xuất - kinh doanh của dự án giảm nghèo huyện Đà Bắc. Năm 2014 là năm đầu tiên cây gừng được trồng thí điểm tại xã Đồng Chum với tổng diện tích thực hiện 41,5 ha (đạt 100% kế hoạch). 264 hộ gia đình tham gia dự án chia thành 11 nhóm với tổng mức đầu tư 3,3 tỷ đồng; trong đó, dự án giảm nghèo hỗ trợ 1,9 tỷ đồng, người dân đóng góp 1,4 tỷ đồng.

Theo thông tin từ các nhà vườn trồng sầu riêng của các xã như: Ngũ Hiệp, Tam Bình, Long Trung... từ đầu tháng 11-2014 đến nay, nhiều thương lái tìm đến tận vườn đặt cọc, thu mua sầu riêng với giá trên dưới 90.000 đồng/kg đối với sầu riêng Ri-6 và Mong thong loại đẹp; loại xấu hơn cũng có giá bán từ 65.000 - 70.000 đồng/kg.