8 bước xử lý ổ dịch tả heo Châu Phi
Bệnh dịch tả heo Châu Phi tuy nguy hiểm nhưng nếu thực hiện chặt chẽ các bước xử lý ổ dịch, sẽ ngăn chặn hiệu quả việc lây lan ra bên ngoài. Để phòng, chống bệnh dịch phức tạp này, mỗi người dân, hộ chăn nuôi, doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm, bình tĩnh ứng phó theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Khử trùng chuồng trại trước và sau khi xử lý heo bệnh
Tuyệt đối không giấu dịch
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) An Giang Trần Tiến Hiệp cho biết, để sớm phát hiện ổ dịch, ngăn chặn ngay từ đầu, hộ chăn nuôi khi phát hiện heo có biểu hiện nghi mắc bệnh (sốt cao, bỏ ăn, tím tái da, khó thở, tiêu chảy...) phải trình báo ngay với chính quyền địa phương (hoặc qua số điện thoại đường dây nóng đã công bố). Trên cơ sở xác minh thông tin nhanh tại hộ nuôi của nhân viên CN&TY (kiểm tra lâm sàng, thống kê số lượng heo nuôi, trọng lượng và hướng dẫn hộ nuôi các bước xử lý tạm thời như: khoanh vùng hạn chế người ra vào, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh), Trạm CN&TY cấp huyện báo cáo tình hình với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) và Chi cục CN&TY An Giang. Nhận được tin báo, lãnh đạo Chi cục CN&TY sẽ cử lực lượng phản ứng nhanh của đơn vị phối hợp lực lượng phản ứng nhanh cấp huyện, cấp xã đến hộ nuôi lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện các bước điều tra ổ dịch ban đầu.
Sau khi lấy mẫu xong, trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng 7 (thuộc Cục Thú y), hộ nuôi phải giữ đàn heo tại chuồng, Trạm CN&TY tiến hành ngay việc tiêu độc khử trùng, không để người lạ ra vào khu vực chuồng nuôi, còn UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý đàn heo, không để bán tháo, bán chạy.
Nếu mẫu xét nghiệm dương tính với virus dịch tả heo Châu Phi, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành tiêu hủy đàn heo mắc bệnh. Tất cả các thành viên tổ tiêu hủy phải mặc bảo hộ cá nhân, thực hiện rải vôi bột từ chỗ xe vận chuyển đến chuồng nuôi, rải vôi trong khu vực chuồng và xung quanh chuồng. Sau đó, tổ tiêu hủy vào chuồng gây ngất heo, cho vào bao, buộc chặt miệng bao, thực hiện cân và thống nhất về số lượng, trọng lượng với chủ hộ (chủ hộ cũng phải mặc bảo hộ khi vào chuồng nuôi). Các bao chứa heo bệnh được tập trung vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển ra xe. Phương tiện vận chuyển heo bệnh có sàn kín, phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy. Tất cả thành viên tổ tiêu hủy phải thực hiện việc xử lý bảo hộ, quần áo, tắm rửa bằng xà phòng và phun xịt trước khi di chuyển ra ngoài.
Tiêu hủy đúng quy trình
Đối với hố chôn heo mắc bệnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ hướng dẫn, lựa chọn hố chôn với điều kiện cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích (nên chọn nơi chôn trong vườn, tốt nhất là vườn cây ăn trái hoặc lấy gỗ, ưu tiên tại khu đất của hộ nuôi có heo mắc bệnh). Quy trình chôn lấp phải đảm bảo theo quy định, thực hiện kỹ việc mặc bảo hộ và xử lý bảo hộ, vệ sinh cá nhân, tiêu độc khử trùng người và phương tiện vận chuyển heo bệnh trước khi ra khỏi khu vực chôn heo bệnh. Hố chôn phải có biển cảnh báo người ra vào, được quản lý chặt chẽ. Địa điểm chôn lấp phải được đánh dấu trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại UBND xã, phường, thị trấn.
Sau khi tiêu hủy, phải khoanh vùng ổ dịch và thực hiện tiêu độc, khử trùng. Theo ông Trần Tiến Hiệp, ổ dịch là trại, các trại chăn nuôi heo hoặc hộ gia đình chăn nuôi heo trong 1 đơn vị cấp xã (nơi phát hiện virus dịch tả heo Châu Phi). Vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch (thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong tuần đầu tiên, 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo, đồng thời theo dõi lâm sàng và tiến hành tiêu hủy bất kỳ con heo nào có biểu hiện bị bệnh dịch tả heo Châu Phi). Vùng bị dịch uy hiếp trong phạm vi 3km xung quanh ổ dịch (thực hiện tương tự vùng dịch). Vùng giám sát dịch bệnh (vùng đệm) là trong phạm vi 10km xung quanh ổ dịch (thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng).
Đối với xã, phường, thị trấn có ổ dịch, tiến hành lập các chốt kiểm soát phương tiện vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo trên trục đường giao thông chính qua vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp nhằm khống chế không để dịch bệnh lây lan. Tổ thông tin, tuyên truyền của huyện, thị xã, thành phố phối hợp tổ thông tin, tuyên truyền xã, phường, thị trấn thực hiện thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm. Trong đó, cần thông tin số điện thoại đường dây nóng, hướng dẫn người dân khai báo với chính quyền địa phương khi phát hiện heo mắc bệnh, tuyên truyền người dân nên sử dụng sản phẩm thịt heo an toàn, thực hiện “5 không” theo quy định của Luật Thú y trong phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu phi.
Related news
Sữa đầu là loại sữa đặc biệt được tiết ra ngay sau khi heo mới đẻ, giúp heo được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và điều quan trọng hơn là cung cấp kháng thể giúp
Heo có sức đề kháng tốt không chỉ ăn khỏe, tăng cân nhanh mà còn gia tăng khả năng chống chọi với các bệnh đường ruột.
Phương thức chăn nuôi an toàn sinh học đều miễn nhiễm với dịch bệnh nguy hiểm này. Vậy, chăn nuôi an toàn sinh học được hiểu như thế nào?