5 năm nông thôn khoác áo mới day dứt nhất là văn hóa nông thôn
Thưa ông, vậy là Chương trình xây dựng NTM đã bước qua chặng đường 5 năm triển khai, thực hiện.
Theo ông, đến thời điểm này, chương trình đã đạt được những mục tiêu đáng chú ý gì?
- Trong 5 năm triển khai chương trình, tôi cho rằng cái được lớn nhất là lòng tin của nhân dân vào chủ trương xây dựng NTM.
Đây là chương trình tổng thể cả về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.
Thực chất, chương trình giúp người nông dân được thụ hưởng nên đã tạo sự đồng thuận rất cao, có cả hệ thống chính trị vào cuộc; đội ngũ cán bộ cơ sở, thôn xóm thấy có trách nhiệm hơn, gần gũi và gắn bó với dân hơn; các đoàn thể quần chúng có những việc cụ thể hơn...
Đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, giảm nghèo bình quân cả nước 2% mỗi năm, những xã khó khăn giảm tới 5%. Đó là tốc độ lý tưởng trong nhiều năm thực hiện.
Đến nay, cả nước chỉ còn 4,5% hộ nghèo và khu vực nông thôn còn 9%, riêng các xã NTM chỉ còn chưa đến 1% hộ nghèo.
Thu nhập của người dân cũng tăng 1,9 lần.
Đó là những con số cụ thể cho thấy đời sống của người dân được cải thiện; diện mạo nông thôn thay đổi, bản sắc văn hóa được giữ gìn.
Nhìn lại 5 năm xây dựng NTM, có thể thấy, bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều mục tiêu chưa đạt được như kỳ vọng như các chỉ tiêu về số xã NTM, thu nhập, môi trường… Nguyên nhân của những tồn tại này là do đâu?
- Đúng là vẫn còn quá nhiều tồn tại sau 5 năm xây dựng NTM, trong đó rõ nét nhất là khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng cách xa.
Nếu thu nhập bình quân cả nước đã đạt 2.228 USD/người/năm, thì ở khu vực nông thôn mới đạt 1.100 USD (bằng 50% mức thu nhập chung).
Điều đó cho thấy mục tiêu của chúng ta là tăng thu nhập cho nông dân nhưng thu nhập lại chênh lệch quá cao.
Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, thiếu ổn định và lạc hậu.
Hạ tầng NTM chỉ đáp ứng được 1/3 so với yêu cầu cũng làm cản trở quá trình xây dựng NTM.
Như ông nói, trong khi chúng ta thiếu vốn xây dựng NTM, thì tại nhiều nơi, tình trạng lãng phí trong quá trình thực hiện vẫn xảy ra.
Nhà nước cần có giải pháp nào để điều chỉnh?
"Tôi cho rằng, việc huy động sức dân cần làm sao để họ phải thấy phù hợp với sức của họ, thanh thản với đóng góp của họ và được thụ hưởng với đóng góp đó”. Ông Hồ Xuân Hùng
- Ở đây, tôi muốn nói đến vấn đề huy động sức dân.
Có nơi huy động quá sức của người dân hay có nơi kêu gọi doanh nghiệp và đầu tư rồi trả sau, dẫn tới bị nợ rất lớn khi triển khai xây dựng NTM.
Tôi cho rằng, có địa phương động cơ rất trong sáng, muốn làm cho dân và nguồn lực phê duyệt là có, nhưng cân đối ngân sách lại không đủ nên họ mới ôm nợ cho chính họ.
Động cơ thứ hai là không trong sáng, phá cái cũ vẫn còn tốt để làm cái mới…
Là một trong những người khởi xướng Chương trình xây dựng NTM, đến nay điều gì làm ông day dứt nhất khi không thực hiện được?
- Tôi vẫn day dứt mãi đến giờ, đó là vấn đề văn hóa nông thôn, văn hóa truyền thống dân tộc.
Nếu đánh mất văn hóa nông thôn, tức là mất bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa đặc trưng của các vùng miền dân tộc, chúng ta đã bỏ qua quá nhiều.
Chúng ta tập trung quá nhiều vào lễ hội, tốn kém nhiều tiền của nhưng hiệu quả cho người dân là không có.
Một vấn đề nữa là, tình làng, tình người đang có dấu hiệu ngày càng suy thoái và giảm nhiều, “căn bệnh” thờ ơ và vô cảm - nhất là ở lớp trẻ ngày càng đáng báo động.
Tôi rất đồng tình với quan điểm của một số người mới đây nhận định: “Ở nông thôn giờ chẳng thiếu gì, chỉ thiếu người”.
Đúng là khi NTM đã hình thành thì điện, đường, trường, trạm, internet, truyền hình kỹ thuật số… đều có hết nhưng lại thiếu mỗi người (do một số lớn dân cư nông thôn hiện đã di cư ra thành thị- PV).
Nếu chúng ta không nhanh chóng có chiến lược, kế hoạch lấy lại cái đã mất thì sẽ phải làm tái thiết nông thôn như Đài Loan và các nước đang gặp phải.
Tất nhiên, cái giá chúng ta phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT: “Xem dân cần gì để làm ngay”
Sau 5 năm xây dựng NTM, thành quả vừa qua là hết sức quan trọng, nhưng việc huy động sức dân ở một số nơi có vẻ hơi quá. Để có được thành quả trong thời gian qua, chúng ta cũng đã lấy của dân quá nhiều, theo tôi cần phải đo lại sức dân chứ không thể lấy quá sức dân như thế được.
Tới đây, ngân sách nhà nước ngày càng khó hơn và các xã còn lại hầu hết đều nghèo, trong khi mục tiêu đặt ra lại rất cao, nên nguy cơ lấy quá sức dân sẽ tiếp tục xảy ra.
Tôi cho rằng, phải có chính sách đặc biệt, cách làm đặc biệt, Chính phủ đã có quyết định tăng thêm ngân sách gấp 4 lần cho các xã đặc biệt nhưng tăng 4 lần vẫn còn là ít, đó là chưa kể tới có bố trí được nguồn hay không.
Với NTM, có 5 nội dung, 19 tiêu chí, phải xem người dân cần gì nhất thì hãy chọn việc bức xúc nhất để làm, tạo niềm tin cho người dân ngay từ đầu và tạo điều kiện để cho người dân làm được chủ.
Chúng ta chủ yếu mới làm được nông thôn, còn lại nông nghiệp và nông dân còn nhiều vấn đề tồn tại chưa làm được.
Tới đây, khi hội nhập ngày càng sâu rộng, cần tổ chức lại sản xuất, tạo ra năng suất cao hơn, khả năng cạnh tranh tốt hơn, làm tốt khâu kết nối giá trị… để nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ đó, nông dân có điều kiện để đóng góp cho xây dựng NTM.
Related news
Bây giờ đến thôn 1 (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) không còn cảnh đường trơn trượt nữa. Con đường rải nhựa phẳng lỳ nối tiếp con đường bê tông chạy dài tít tắp. Một sự đổi thay mà chỉ có những con người trước đây đã từng đến mới cảm nhận hết được.
Để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân ở cơ sở và huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), năm nay, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) lấy thôn là địa bàn triển khai. Đây là cách làm sáng tạo mang lại kết quả tích cực.
Cũng như các địa phương khác trong huyện Hải Lăng (Quảng Trị), để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Hải Xuân đã tập trung đẩy mạnh phong trào “Chỉnh trang nông thôn” với 6 nội dung chính: phát quang, hiến đất mở rộng đường giao thông; thắp sáng đường quê; cải tạo vườn tạp; sửa sang nhà cửa; chỉnh trang hàng rào, cổng; xây dựng, cải tạo chuồng trại chăn nuôi.