40 Ngư Dân Sắp Được Vay Vốn Để Đóng Mới Tàu Cá
Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã thống nhất phê duyệt danh sách 40 ngư dân được vay vốn ngân hàng đợt 1 năm 2014 để đóng mới tàu cá theo chủ trương của Chính phủ. Đây là những ngư dân đầu tiên chuẩn bị được vay vốn theo Nghị định 67…
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, với sự phê duyệt này, 40 tàu cá, trong đó có 15 tàu vỏ thép, 2 tàu composite và 23 tàu vỏ gỗ của tỉnh này sẽ được khẩn trương triển khai đóng mới nhằm góp phần nâng cao đội ngũ tàu cá hiện đại trên địa bàn tỉnh, cải thiện chất lượng đánh bắt thủy sản xa bờ.
Ngân hàng “sốt ruột”…
Trước đó, tại hội nghị triển khai Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, ông Lê Trung Thành - Phó Tổng Giám đốc BIDV (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) cho biết, các ngân hàng cũng rất “sốt ruột” vì chưa thể giải ngân vốn của Nghị định 67 đến với ngư dân dù các chính sách của nghị định rất “thông thoáng về thời gian vay, lãi suất ưu đãi và có cơ chế xử lý rủi ro”. Để vốn đến được tay ngư dân họ phải nằm trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt rồi mới được ngân hàng hướng dẫn vay vốn.
Với sự phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Ngãi, 40 ngư dân sẽ được ngân hàng xem xét cho vay vốn. “Cán bộ tín dụng của chúng tôi sẽ chủ động nắm bắt nhu cầu vay vốn của từng ngư dân và sẽ kịp thời giải ngân vốn khi UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách...
Chúng tôi cố gắng xây dựng biểu mẫu vay vốn gọn nhẹ, dễ hiểu và hướng dẫn từng ngư dân để bà con yên tâm thực hiện vay vốn. Không chỉ ở Quảng Ngãi mà tại các tỉnh chưa có danh sách ngư dân được UBND tỉnh phê duyệt thì BIDV cũng đã chủ động tiếp cận hướng dẫn bà con để khi tỉnh phê duyệt thì ngân hàng sẽ giải ngân vốn ngay. BIDV đã dành “ngân lượng” khoảng 15.000 tỷ đồng để cho vay theo nghị định này” - ông Thành nói.
Không chỉ “chăm chăm thu hồi vốn”…
Các ngân hàng đều khẳng định, việc cho vay vốn theo Nghị định 67 lần này không chỉ là “ngân hàng cho vay xong rồi chỉ biết chăm chăm thu hồi vốn” mà ngân hàng sẽ đồng hành cùng ngư dân suốt chặng đường vay vốn đóng tàu, làm ăn rồi trả được nợ. Ngư dân có thành công thì ngân hàng cũng thành công. Trong quá trình đồng hành với ngư dân nếu phát sinh thêm vốn lưu động thì ngân hàng vẫn có thể giải quyết chứ không chỉ thu nợ. Tất cả đều vì thành quả của hoạt động đánh bắt xa bờ của bà con.
“Tôi xin khẳng định, khi tỉnh nào có danh sách được duyệt tốt thì ngân hàng không thẩm định nữa mà giải ngân vốn luôn cho bà con” - ông Thành cho biết.
Ông Thành cũng cam kết, sẽ không có chuyện “quân xanh, quân đỏ” (cò mồi) trong việc cho vay vốn đóng tàu xa bờ lần này. Khi có thông tin về “cò tín dụng”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phải có đường dây nóng cho ngư dân. Riêng BIDV đã yêu cầu tất cả các hệ thống của mình phải ban hành các thủ tục công khai, minh bạch và trả lời rốt ráo mọi thắc mắc của bà con.
Các địa phương cũng sẽ đưa ra các danh sách ngư dân vay vốn một cách công khai để dân giám sát. Các phòng giao dịch ngân hàng đều có tờ rơi rõ ràng, minh bạch. “Chúng tôi tin chắc với các việc làm này, cò mồi tín dụng sẽ tự nhiên biến mất, vốn sẽ trực tiếp đến với ngư dân thiết thực nhất” - ông Thành nhận định.
Còn bà Nguyễn Vũ Anh – Ban Khách hàng hộ sản xuất và công nghiệp Agribank (Ngân hàng NNPTNT Việt Nam) cũng khẳng định: Agribank đã có nhiều kiến nghị với các đơn vị kinh doanh tại địa bàn phối hợp tìm giải pháp để giúp ngư dân nhanh chóng thay đổi tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang đánh bắt và nuôi trồng hiện đại, quy mô lớn với đồng vốn vay từ Agribank.
UBND tỉnh đã công bố 6 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ trên địa bàn tỉnh, gồm Công ty TNHH MTV 19/5 (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn); Xưởng đóng sửa tàu thuyền Tịnh Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi); Cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Tân An (xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi); Cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Phổ An; Cơ sở đóng, sửa tàu thuyền Thái Văn Thi (xã Phổ Quang) và Hợp tác xã Viễn Đông - Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ).
Công Xuân
Nguồn bài viết: http://danviet.vn/kinh-te-nong-nghiep/40-ngu-dan-sap-duoc-vay-von-de-dong-moi-tau-ca-502165.html
Related news
Trong mấy ngày qua, nhiều hộ nông dân nuôi cá lồng trên sông Bồ (huyện Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) hốt hoảng khi phát hiện cảnh cá chết và nổi trắng trên mặt sông.
Sau 2 năm liên tục nghêu bị thiệt hại nặng nề, năm nay, nghêu nuôi phát triển ổn định, không có hiện tượng chết bất thường và giá nghêu đang tăng cao. Do đó, diện tích nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang dần phục hồi, hứa hẹn thắng lớn.
Đến thời điểm này, sau nhiều tháng bán sản phẩm dưới giá thành, người chăn nuôi bắt đầu kiệt quệ, bỏ nghề. Dễ dàng nhận thấy việc giảm, bỏ đàn qua thị trường con giống đang rất ảm đạm. Con giống gia cầm, giống heo dù rẻ vẫn không ai mua. Chắc chắn trong một vài tháng tới nguồn cung sẽ thiếu hụt.
Nghề nuôi ốc sên đang là một trong những ngành nông nghiệp phát triển tại Bulgaria khi nhu cầu từ Pháp và Ý đối với món ăn cao cấp nhưng lạ miệng này tăng cao. Trước đây, nghề nuôi ốc sên vốn rất phát triển tại Tây Âu, nhưng từ năm 2006 ngành kinh doanh ốc sên bắt đầu chuyển hướng sang Đông Âu, và tạo cơ hội thuận lợi cho Bulgaria phát triển.
Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an tiếp tục gửi mẫu sản phẩm Gold Protein đã thu giữ của Công ty TNHH sản xuất Nam Hoa và Công ty TNHH Hồng Triển (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) đi kiểm nghiệm tại phòng phân tích thức ăn chăn nuôi thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam.