4 tháng đầu năm, số lô tôm bị cảnh báo tăng cao
Tại hội nghị: “Tác động của các FTAs đối với thương mại xuất nhập khẩu tôm của Việt Nam” được tổ chức tại Cần Thơ ngày (6-5), ông Nguyễn Khánh Vinh, Phó giám đốc Nafiqad vùng 5, cho biết ba thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, EU đã cảnh báo và trả về 36 lô hàng chỉ trong bốn tháng đầu năm nay, bằng gần 40% so với con số 92 lô của cả năm 2014.
Cụ thể, bốn tháng qua, doanh nghiệp trong nước bị thị trường EU trả về 4 lô; Nhật Bản trả về 7 lô. Riêng đối với thị trường Mỹ trả về đến 25 lô, bằng hơn 50% số lô bị trả về trong cả năm 2014.
Lý giải nguyên nhân số lô tôm bị cảnh báo, trả về nhiều, theo ông Vinh, do việc kiểm soát lưu thông thuốc thú y; chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng chưa được thực hiện liên tục, chặt chẽ nên dẫn đến xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng chất cấm.
Ngoài ra, cũng theo ông Vinh, gần đây vẫn còn một số trường hợp người nuôi sử dụng thuốc thú y không tuân thủ nguyên tắc bốn đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc và đúng thời gian cách ly), cho nên tôm sau khi thu hoạch vẫn còn tồn dư thuốc thú y vượt mức cho phép.
Trong khi đó, tại hội nghị này, vị đại diện của một doanh nghiệp, cho rằng việc cập nhật, bổ sung các tiêu chuẩn quy định mới ở các nước nhập khẩu của một số cơ quan quản lý trong nước vẫn chưa kịp thời, dẫn đến sản phẩm của doanh nghiệp bị trả về khi hàng đã được đưa đến nước nhập khẩu. “Tôi đã từng gặp trường hợp, phía đối tác nhập khẩu thông báo nước họ sẽ cấm nhập khẩu, nếu sản phẩm bị “vướng” chất này, chất nọ. Thế nhưng, khi tôi hỏi lại các nhà quản lý trong nước, thì họ cho biết vẫn chưa nắm được thông tin đó”, vị này cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vinh của Nafiqad vùng 5, cho rằng có thể do quyết định hay những thông tin như trên chưa đến được với cơ quan quản lý. “Đối với chúng tôi cũng cần phải năm, bảy ngày hoặc hai, ba ngày để nắm được những thông tin như vậy”, ông nói.
Tuy nhiên, việc cập nhật thông tin chậm trễ, nhất là thông tin về những quy định cấm của nước nhập khẩu sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình xuất khẩu chung của cả nước.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, Mỹ, EU và Nhật Bản là ba thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2015, chiếm 57,3% tỉ trọng xuất khẩu toàn ngành của cả nước, trong đó Mỹ chiếm 20,3%, EU chiếm 18,9% và Nhật Bản 18,1%.
Xét về kim ngạch, trong ba tháng đầu năm 2015, xuất khẩu sang Mỹ đạt trên 116,3 triệu đô la Mỹ, giảm 55,8% so với cùng kỳ; sang EU đạt trên 108,5 triệu đô la Mỹ, giảm 3,1% và sang Nhật Bản đạt trên 103,7 triệu đô la Mỹ, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Related news
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vừa có chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Vừa qua, Khoa Thủy sản (ĐH Cần Thơ) phối hợp ĐH Khoa học biển và công nghệ (Nhật Bản) tổ chức hội thảo chuyên đề quốc tế "Chế biến sản phẩm thức ăn thủy sản sạch".
Ngày 23/10, Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức lễ tổng kết chiến dịch ra quân tiêu hủy rệp sáp bột hồng hại sắn.
Giống lúa nếp Anh Đào do TS Đào Xuân Tân, nguyên Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 lai tạo và chọn lọc.
Với hơn 14 triệu ha rừng, lâm sản ngoài gỗ (LSNG) bao đời nay đã gắn với sinh kế của hàng triệu nông dân gắn với nghề rừng. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng, tiến tới xây dựng một số sản phẩm LSNG thành ngành hàng lớn thì còn là vấn đề nan giải.