11 tháng đầu năm 2015 Ngành nông nghiệp xuất siêu 6,26 tỷ USD
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 11 năm 2015 ước đạt 2,57 tỷ USD, tính chung 11 tháng giá trị xuất khẩu của ngành đạt 27,41 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,74 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (30,2%), cao su (15,5%).
Theo đó, khối lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm ước đạt 1,13 triệu tấn với tổng giá trị 2,3 tỷ USD, giảm 27,7% về khối lượng và giảm 30,2% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm đạt 2.032 USD/tấn, giảm 2,6% so với năm 2014.
Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2015 với thị phần lần lượt là 13,85% và 11,56%.
Giá trị xuất khẩu cà phê trong 10 tháng đầu năm ở 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.
Đối với mặt hàng cao su, 11 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 983 nghìn tấn, giá trị đạt 1,35 tỷ USD, tăng 3,6% về khối lượng nhưng giảm 15,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm đạt 1.401 USD/tấn, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Hai mặt hàng chủ lực như gạo và thủy sản cũng liên tiếp giảm từ đầu năm tới nay, cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạo giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2014, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11 ước đạt 593 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 11 tháng qua đạt 6,01 tỷ USD, giảm đến 16,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu thì hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn là hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trong 11 tháng đầu năm 2015.
Theo đó, khối lượng hạt điều xuất khẩu 11 tháng đầu năm đạt 300 nghìn tấn với 2,18 tỷ USD, tăng 7,3% về khối lượng và tăng 19,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2015 đạt 7.269 USD/tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong 11 tháng đầu năm 2015 đạt 3,67 triệu tấn với giá trị 1,18 tỷ USD, tăng 19,3% về khối lượng và tăng 15,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.
Trong 10 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính chiếm tới 89,14% thị phần, tăng 30,79% về khối lượng và tăng 26,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Cũng theo Bộ NN & PTNT, giá trị nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng năm 2015 ước đạt 21,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với năm cùng kỳ năm 2014.
Như vậy, trong 11 tháng đầu năm 2015, ngành nông nghiệp đã xuất siêu 6,26 tỷ USD.
Related news
Tính đến ngày 26-9-2015, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cả nước đã ký được hợp đồng xuất khẩu đạt 721.200 tấn sản phẩm các loại, theo Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius).
Sau hơn 4 năm triển khai chương trình bảo hiểm nông nghiệp, chỉ mới có hơn 300.000 hộ trong tổng số hơn 11 triệu hộ tham gia. Theo nhiều chuyên gia hợp tác công tư trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp sẽ là phương thức giúp loại hình này phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
Lần đầu tiên, TPHCM có vùng an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi tại 9 xã thuộc hai huyện Củ Chi và Hóc Môn, sau khi các xã này áp dụng tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt (VietGap).
Cách đây khoảng 8 năm, tỷ lệ gạo thơm chỉ chiểm khoảng 3% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, nhưng trong 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này đã chiếm đến 26%. Vì thế, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) sẽ chọn gạo thơm Jasmine để xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam trong những năm tới.
Hiệp hội cá tra Việt Nam đang chuẩn bị các bước đi để tiến tới thành lập một sàn giao dịch thương mại điện tử cho mặt hàng chủ lực này của Đồng bằng sông Cửu Long, mục tiêu tăng sản lượng xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu đang có sự thay đổi của khách hàng.