Nhân Rộng Các Mô Hình Khuyến Nông
Thời gian qua, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông (MHKN).
Qua đó giúp người dân có thêm kiến thức khoa học, mạnh dạn áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Trang trại của gia đình anh Phạm Văn Quang ở thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ) có 3 dãy chuồng rộng gần 1.500 m2, thường xuyên nuôi khoảng 2.500 con gà CP lấy trứng thương phẩm. Đầu năm 2012, Trạm Khuyến nông Tứ Kỳ phối hợp với Viện Chăn nuôi quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai xây dựng mô hình nuôi gà Lương Phượng thuần chủng sinh sản trên địa bàn huyện. Sau khi tìm hiểu, anh Quang đăng ký tham gia và được hỗ trợ 100% vốn mua 600 con gà giống. Ngoài số gà được hỗ trợ, anh còn mua thêm 800 con giống nữa để nâng cao quy mô đàn, một mặt anh vẫn duy trì nuôi gà lấy trứng thương phẩm CP.
Anh sử dụng gà trống chọi địa phương cho lai với gà Lương Phượng thuần chủng sinh sản (tỷ lệ 12 con gà mái/1 gà trống). Gà Lương Phượng sinh trưởng, phát triển khỏe, sức đề kháng tốt và bắt đầu đẻ trứng sau 6 tháng nuôi. Anh Quang cho biết: "Hằng ngày, đàn gà Lương Phượng của gia đình tôi đẻ trứng đạt tỷ lệ từ 75-80%, tương đương với giống gà lấy trứng thương phẩm CP, nhưng quả trứng to và đều hơn. Trứng ra bao nhiêu đều được chủ các lò ấp nở ở huyện Gia Lộc đặt mua hết với giá khoảng từ 3.500-4.000 đồng/quả.
Sở dĩ loại trứng này được thu mua mạnh vì con lai giữa giống Lương Phượng thuần chủng với gà chọi địa phương cho chất lượng thịt thơm ngon, dai, rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay". Cũng theo anh Quang, vào thời điểm giá trứng gà Lương Phượng đạt mốc từ 7.000-8.000 đồng/quả, mỗi ngày gia đình anh thu lãi từ 3-4 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đình Tính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Tứ Kỳ cho biết, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Viện Chăn nuôi quốc gia và một số công ty có uy tín triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như: nuôi vịt siêu thịt Super M theo phương thức an toàn sinh học tại xã Tứ Xuyên; nuôi gà bố mẹ và gà thương phẩm giống mới Thụy Phương tại các xã Hưng Đạo, Đại Đồng; chăn nuôi giống ngan Pháp R71 dòng bố mẹ tại xã Hưng Đạo; nuôi cá rô phi siêu tốc Phi-líp-pin tại xã Văn Tố; nuôi vỗ béo bò sinh sản tại các xã Nguyên Giáp, Tiên Động, Tứ Xuyên; an toàn dịch bệnh tổng hợp trong chăn nuôi lợn tại xã Tân Kỳ; khảo nghiệm giống chuối tây Thái Lan, chuối tiêu hồng ở các xã An Thanh, Văn Tố; trồng dưa hấu Tai-Son (Thái Lan) tại các xã Văn Tố, Đại Đồng; sản xuất khoai tây giống Sinora nguyên chủng tại xã Đại Hợp; khảo nghiệm phân bón Bồ Đề 688 cho lúa mùa tại các xã An Thanh, Tây Kỳ, Tái Sơn, Văn Tố; cá - lúa tại xã Tân Kỳ; nuôi cá rô phi đơn tính Phú Cát (Trung Quốc) tại các xã Tân Kỳ, Tiên Động, Cộng Lạc...
Để các MHKN đạt kết quả tốt nhất, Trạm Khuyến nông huyện luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan cử cán bộ, kỹ sư có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tế xuống tận cơ sở, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cũng như tư vấn các biện pháp chăn nuôi an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Chỉ đạo đội ngũ khuyến nông viên cơ sở bám sát địa bàn được phân công, chủ động hướng dẫn bà con các biện pháp nuôi dưỡng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Một mặt, tích cực mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân.
Chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức được gần 80 buổi tập huấn, hội thảo ở các xã, trong đó chủ yếu về lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt; cấp phát hàng nghìn bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và phòng, trừ sâu bệnh cho nông dân trong huyện.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng các MHKN thành công không những thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển, giúp người nông dân chủ động đầu tư cây, con giống hiệu quả, mà còn góp phần quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Do đó, trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông Tứ Kỳ sẽ tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và triển khai các MHKN phù hợp với điều kiện thực tế cơ sở; tiếp tục duy trì và nhân rộng những MHKN hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường hoạt động tập huấn, hội thảo, tư vấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân; nâng cao trách nhiệm, chuyên môn của đội ngũ làm công tác khuyến nông cơ sở...
Related news
Đêm đến, đèn điện thắp sáng choang giữa các cánh đồng dưa, người lớn, người già, trẻ nhỏ đều tập trung ra đồng như hội.
Cách đây 20 năm, nhiều người dân xã Tân Hà (Hàm Tân) tỏ ra ngạc nhiên khi thấy vợ chồng anh Trần Đình Dũng xin thôi nghề dạy học chuyển sang đầu tư trồng cây ăn quả trên vùng đất mới khô cằn. Bằng nguồn vốn bán nhà cửa, đất vườn ở Đồng Nai, anh đã mạnh dạn làm đơn xin chính quyền xã Tân Hà khai hoang phục hóa 25 ha đất để phát triển kinh tế trang trại.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song sau hai năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt, khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chưa có nhiều cải thiện khi “điệp khúc” vẫn là chất lượng thấp, giá thành cao.
Những mặt hàng như chôm chôm, thanh long hay măng cụt đang được các tiểu thương đưa về đổ thành từng đống rất nhiều tại chợ lẻ, mức giá cao nhất chưa tới 20.000 đồng/kg.
Ngày 22-7, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật,cho hay dự kiến từ ngày 1-8 tới, Việt Nam chính thức mở cửa nhập khẩu trở lại ba loại quả là cam, quýt và nho từ Úc sau hơn nửa năm tạm dừng.