Yên Khánh (Ninh Bình) Xây Dựng Ngành Sản Xuất Nấm Theo Hướng Hàng Hóa
Những năm gần đây, sự chuyển hướng của người tiêu dùng sang những sản phẩm sạch, an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao đã mở ra cơ hội thúc đẩy nghề trồng nấm ở Yên Khánh (Ninh Bình) phát triển mạnh. Nghề trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều cây trồng khác, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Khánh cho biết: Hiện nay, nhân dân trên địa bàn huyện đang sản xuất nấm bằng 2 phương pháp chủ yếu là trồng trong nhà và ngoài trời (ngoài đồng ruộng). Sản xuất nấm trong nhà chi phí đầu tư cao hơn ngoài trời, nhưng năng suất cao gấp đôi.
Nghề trồng nấm tốn ít nhân công, chi phí đầu tư ban đầu thấp, thời gian thu hoạch ngắn nhưng giá bán khá ổn định, nếu so sánh hiệu quả kinh tế thì nghề nấm cho thu nhập cao gấp 3-4 lần trồng lúa.
Hiện nay trên địa bàn huyện Yên Khánh có 1 doanh nghiệp, 95 hộ sản xuất nấm (2 HTX sản xuất nấm, 15 tổ hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm), sản lượng hàng năm đạt từ 2.100 – 2.500 tấn nấm tươi các loại. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 từ nấm đạt 29.648 triệu đồng, với các sản phẩm nấm chủ yếu là nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ, nấm mỡ, nấm linh chi…
Để mở rộng, phát triển nghề trồng nấm, thời gian qua huyện Yên Khánh đã đề ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển và mở rộng diện tích sản xuất nấm như: tạo điều kiện về mặt bằng đất đai, chính sách vay vốn, hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng lán trại kiên cố, lò hấp, lò sấy, điểm thu mua chế biến, hỗ trợ giống nấm, hỗ trợ kinh phí tập huấn, tham quan mô hình, tạo điều kiện giúp đỡ thành lập tổ hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện và triển khai kế hoạch sản xuất nấm chi tiết, cụ thể; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá thương mại, tư vấn giới thiệu các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, từng bước hình thành liên kết “4 nhà” trong sản xuất nấm.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao tay nghề cho các hộ trồng nấm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, huyện còn đặc biệt quan tâm tới việc triển khai các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng nấm; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật – Viện di truyền, Trung tâm Sản xuất giống và chế biến nấm xuất khẩu Hương Nam, các xã, HTX… trong việc chuyển giao kỹ thuật trồng nấm.
Ngoài ra, huyện chú trọng tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho các hộ nông dân tham gia sản xuất, có định hướng xây dựng cơ cấu, chủng loại nấm cho phù hợp với điều kiện kỹ thuật, trình độ của các hộ, điều kiện thời tiết và thị hiếu tiêu thụ sản phẩm nấm. Nhờ đó, sản xuất nấm trên địa bàn huyện từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, quy mô hàng hóa; gắn kết đồng bộ các khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ nấm.
Chia sẻ về nghề trồng nấm, anh Nguyễn Văn Thế (một hộ gia đình trồng nấm xã Khánh Phú) cho biết: Đối với nghề trồng nấm, nguyên liệu trồng nấm dễ tìm, dễ mua, giá thành lại thấp, nhưng đòi hỏi phải đúng quy trình kỹ thuật, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Ban đầu, gia đình tôi chỉ trồng nấm sò và sử dụng 1 tấn nguyên liệu/năm, thu lãi hơn 6 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả của trồng nấm, tôi quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị mở rộng cơ sở sản xuất, chế biến nấm với tổng diện tích 450m2. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, tăng dần quy mô sản xuất, đến nay tôi đưa vào sử dụng từ 10 đến 20 tấn nguyên liệu/năm để trồng các loại nấm như nấm sò, nấm mọc nhĩ, nấm rơm.... Bình quân, mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ 40-50 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, việc trồng nấm trên địa bàn huyện Yên Khánh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về công nghệ, năng suất, chất lượng và sự đa dạng sản phẩm. Việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ nên chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng, chưa có sự đầu tư, nhất là công tác bảo quản do kinh phí đầu tư quá lớn; sản xuất nấm lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu và thị trường..., do đó, chất lượng sản phẩm chưa cao.
Chính vì vậy, thời gian tới Yên Khánh đã đề ra hướng phát triển cho việc sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng hiệu quả, bền vững; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nấm Yên Khánh, tăng cường công tác liên kết “4 nhà” trong sản xuất nấm nhằm xây dựng ngành sản xuất nấm theo hướng hàng hóa, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu tiêu thụ được 50-80% sản lượng nấm thông qua mạng lưới tiêu thụ.
Related news
Ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 14% vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, nhưng lao động trong lĩnh vực này chiếm đến 47% tổng số lao động của tỉnh. Để vực dậy ngành nông nghiệp, tỉnh đưa ra nhiều cơ chế hỗ trợ hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Vụ lúa hè thu đã đi qua. Nhưng trên 20 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trồng lúa, với tổng diện tích trên 400ha, ngoài những kết quả thiết thực mang lại thì bản thân nó cũng còn nhiều vấn đề tồn đọng cần tháo gỡ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, thuộc Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn, ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), cho biết:
UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi Sở Công Thương và Sở Tài chính về việc “Triển khai Chương trình bình ổn thị trường (BÔTT) trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân - 2016”.
Trong thời gian tới, cây dừa và các sản phẩm từ dừa tại tỉnh Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL sẽ được phát triển thành sản phẩm quốc gia.