Yên Bái phát triển chăn nuôi thủy sản định hướng rõ ràng, cách làm cụ thể
Không được thiên nhiên ban tặng quá nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng Yên Bái cũng có những lợi thế riêng phát triển chăn nuôi thủy sản. Với 26.000/32.000 ha mặt nước có đủ điều kiện để khai thác, chăn nuôi phát triển thủy sản. Đặc biệt, có tới 5.000 ha hội đủ các điều kiện để chăn nuôi thâm canh với năng suất, sản lượng cao. Bên cạnh đó, người dân Yên Bái cần cù, chịu thương, chịu khó, hiểu biết kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi...
Từ những lợi thế đó, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và phát triển chăn nuôi thủy sản khá hiệu quả. Ngoài việc duy trì và phát triển các trại cá giống, tỉnh, huyện còn có cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, con giống, tiền đóng lồng bè và chăn nuôi thâm canh, chuyển đổi ruộng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; khuyến khích, xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản tại những vùng có điều kiện để dân thấy, dân tin. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới nhân dân để họ hiểu phát triển chăn nuôi thủy sản cũng là cách nhanh nhất xóa đói nghèo và làm giàu.
Nhờ vậy, chăn nuôi thủy sản phát triển rất mạnh, nơi nào có ao, hồ là được đầu tư chăn nuôi thủy sản. Nhân dân Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên còn chuyển đổi hàng chục héc-ta ruộng trũng, ruộng kém hiệu quả để nuôi cá, nuôi thủy sản đặc sản. Hàng trăm héc-ta ruộng vùng cánh đồng Mường Lò được bà con dân tộc Thái, dân tộc Mường nuôi cá ruộng cho hiệu quả rất cao. Người dân ven sông Hồng, sông Chảy, ven hồ Thác Bà ngoài việc nuôi quảng canh còn đóng bè, đóng lồng nuôi cá lồng, ngăn, chặn các eo, ngách để nuôi cá thâm canh.
Hiện, toàn tỉnh có trên 635 lồng cá, sản lượng mỗi năm thu cả ngàn tấn cá, không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu. Thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình là thôn sống ven hồ Thác Bà, dựa vào lợi thế đó, bà con phát triển mạnh nuôi cá lồng. Thời kỳ cao điểm nhất cả thôn có tới gần 70 lồng cá, từ năm 2015 trở lại đây liên tục duy trì 57 - 60 lồng cá. Chủ yếu là nuôi cá trắm cỏ, cá mè và cá rô phi đơn tính, không chỉ nuôi lồng, mới đây có 9 hộ áp dụng biện pháp quây lưới để nuôi. Với ngần ấy lồng cá, bình quân mỗi năm cũng đem về cho người dân cả tỷ đồng từ nuôi cá lồng, cá quây lưới. Nhiều gia đình thu cả trăm triệu đồng từ nuôi cá như: hộ gia đình chị Dư, chị Hoa, ông Thịnh, bà Mơ...
Xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình cũng có cả mấy chục hộ nuôi cá lồng, nuôi cá eo, ngách và quây lưới sản lượng mỗi năm cũng đạt 6 - 7 chục tấn, bán thu cả tỷ đồng, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Nếu như năm 2010, sản lượng đánh bắt thủy sản toàn tỉnh mới đạt 5.700 tấn thì hết năm 2015 đã đạt 6.000 tấn và chỉ riêng 6 tháng đầu năm sản lượng đã đạt 3.500 tấn, dự kiến hết năm đạt trên 7.200 tấn. Bên cạnh việc khai thác, công tác sản xuất con giống cũng được đặc biệt quan tâm, 6 tháng qua đã sản xuất 90 triệu con cá bột, 28 triệu con cá hương bảo đảm chất lượng. Không chỉ phát triển chăn nuôi đơn thuần mà đã có hàng trăm hộ dân phát triển chăn nuôi thủy sản đặc sản như cá lăng, cá chiên, cá hồi, cá tầm và ba ba gai... hiệu quả kinh tế rất cao.
Đồng chí Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình nói: “Với lợi thế hồ Thác Bà, sông Chảy và các ao hồ, đập huyện Yên Bình đã và đang xác định đưa chăn nuôi thủy sản thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài các lồng cá, các hộ chăn nuôi ao hồ thì một, hai năm trở lại đây, huyện khuyến khích nhân dân nuôi cá quây lưới, nuôi cá ở các eo, ngách trên hồ Thác Bà. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, đã có cả trăm hộ dân đăng ký nuôi, huyện cũng đã mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Chủ trương của huyện là phát triển, nuôi cá theo hướng thâm canh tại 18 xã, thị trấn ven hồ”. Cùng với việc đẩy mạnh chăn nuôi, các ngư dân ven hồ Thác Bà đang tiến hành thành lập các hợp tác xã và hình thành các làng nghề chăn nuôi thủy sản gắn với quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Định hướng rõ ràng, cách làm cụ thể, kinh tế thủy sản đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt trên quê hương Yên Bái. Chắc chắn trong thời gian tới và những năm tiếp theo, chăn nuôi thủy sản sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa, là cơ sở để Yên Bái xây dựng thành công nông thôn mới.
Related news
Để kiểm soát tốt các loại dịch bệnh trên động vật thủy sản, hạn chế tối đa những vướng mắc trong xuất khẩu thủy sản, thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững và tăng cao giá trị gia tăng cho người nôi trồng thủy sản.
Những năm gần đây, người nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) ở Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung gặp rất nhiều khó khăn khi thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh bùng phát. Do đó, để kích thích người nuôi tiếp tục bám hồ, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống gần đây đua nhau áp dụng nhiều chính sách khuyến mãi.
Chưa năm nào, tình hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) bị thiệt hại nặng nề như năm nay, số hộ thua lỗ đến 90%.