Xuất khẩu tôm sang EU tăng mạnh sau EVFTA
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam, trong tháng 8/2020, XK tôm Việt Nam đạt 394,6 triệu USD, tăng gần 12% so với tháng 8/2019. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 8/2020, trừ xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Quốc giảm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường chính khác đều tăng như Mỹ, tăng 28,6%, EU tăng 15,7%; Hàn Quốc, tăng 10,2%; Anh, tăng16,4%); Canada, tăng 17,2%; Australia, tăng 20,5%.
Đáng chú ý, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA.
Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 làm biến động nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính và tình hình dịch bệnh Covid chưa lắng xuống ở cả các thị trường và các nước sản xuất lớn.
Trong cơ cấu tôm xuất khẩu, tôm chân trắng chiếm 71,7% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam, tôm sú chiếm 16,5%, còn lại là tôm biển. Tổng giá trị xuất khẩu tôm chân trắng tăng 12,6% trong khi xuất khẩu tôm sú giảm 15,2%. Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, xuất khẩu tôm chân trắng có giá hợp lý tăng tốt hơn tôm sú, các sản phẩm tôm đã qua chế biến được tiêu thụ nhiều hơn so với sản phẩm tươi/sống/đông lạnh.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 23,6%. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 8/2020 tăng trưởng tốt 28,6% so với tháng 8/2019. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 544 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù dịch Covid-19, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng dương trong cả tất cả các tháng của 8 tháng đầu năm nay. Mỹ được coi là thị trường có nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam ổn định nhất trong 8 tháng đầu năm nay.
Theo phân tích của các chuyên gia, trên thị trường Mỹ, trong 8 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19 trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề.
EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay. Sau khi tăng trưởng nhẹ trong tháng 7, XK tôm Việt Nam sang EU đã ghi nhận mức tăng trưởng 15,7% đạt 58,8 triệu USD trong tháng 8.
Tháng 8/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hà Lan và Bỉ tăng trưởng lần lượt 15% và 41% so với tháng 8/2019. Tám tháng đầu năm nay, XK tôm sang EU đạt 313,7 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 đã mang đến nhiều kỳ vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam sang EU về 0%, tôm chế biến sẽ có lộ trình giảm thuế từ 5-7 năm. Trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu trên thị trường EU như Thái Lan không được hưởng GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2%.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, XK tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng.
Với những tín hiệu khả quan trong xuất khẩu tôm Việt Nam trong 8 tháng năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tới. Cả năm 2020, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 3,6 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2019.
Related news
Một dự án sử dụng giám sát DNA môi trường (eDNA) để cảnh báo cho những người chăn nuôi cá hồi về sự hiện diện của ký sinh trùng Kudoa ký sinh trên cá biển
Tích hợp dữ liệu từ bất kỳ thiết bị hoặc phần mềm nào được sử dụng trong trang trại cá, giúp các nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản đưa ra quyết định quản lý
Xử lý khí độc NH4+ và NO2 trong nước thải thủy sản nhờ tập đoàn vi khuẩn : Bacillus cereus, Bacillus amyloliquefaciens và Pseudomonas stutzeri.