Xuất khẩu thủy sản lập mốc 9 tỷ USD năm 2018
Sản lượng thủy sản năm 2018 đạt con số cao nhất từ trước đến nay, với 7,74 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm trước...
Riêng nhóm sản phẩm tôm có một bước lùi, với kim ngạch xuất khẩu chỉ được 3,58 tỷ USD, giảm 7,1%.
Ước tính năm 2018, tổng giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng 228.139,8 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2017; kim ngạch xuất khẩu thiết lập mốc kỷ lục 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Đây là những con số được đưa ra tại hội nghị tổng kết ngành thủy sản năm 2018, chiều 24/12/2018.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sản lượng thủy sản năm 2018 đạt con số cao nhất từ trước đến nay, với 7,74 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,59 triệu tấn (tăng 6,0%); sản lượng nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn (tăng 8,3%).
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 cũng thiết lập mốc kỷ lục 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Ngành cá tra đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc với kim ngạch xuất khẩu 2,26 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2007.
Xuất khẩu các mặt hải sản cũng tăng trưởng mạnh: Cá ngừ đạt 675 triệu USD (tăng 13,9%); các nhóm cá khác đạt 1,52 tỷ USD (tăng 15,5%); nhóm nhuyễn thể đạt 785 triệu USD (tăng 9,1%); nhóm giáp xác đạt 145 triệu USD (tăng 23%). Riêng, nhóm sản phẩm tôm có một bước lùi, với kim ngạch xuất khẩu chỉ được 3,58 tỷ USD, giảm 7,1%.
Ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay, diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2018 ước đạt 1,3 triệu ha, tăng 6%, cho sản lượng nuôi đạt 4,3 triệu tấn. Có thể nói năm 2018 là năm phát đạt của ngành cá tra, với diện tích nuôi 5.400 ha, tăng 3,3% so với năm 2017; sản lượng thu hoạch 1,42 triệu tấn, tăng 8,4%.
Trong năm, ngành thủy sản đã tổ chức thay thế 30 nghìn con cá tra bố mẹ, nhờ đó chất lượng con giống cá tra được nâng lên. Hoạt động sản xuất ương giống, nuôi cá tra thương phẩm đã được kiểm soát chặt theo mô hình 3 cấp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, cả nước có 230 cơ sở sản xuất giống cá tra, 4.000 hộ ương cá giống, sản xuất được khoảng 2,5 tỷ cá tra giống/năm.
Năm vừa qua, chúng ta đã đón các đoàn thanh tra Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đến kiểm tra tại Việt Nam. Các vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra đã được đoàn thanh tra đánh giá tích cực, tạo thuận lợi cho xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ.
Nghề nuôi biển cũng đã bước đầu phát triển. Nuôi nhuyễn thể đạt 45 nghìn ha, cho sản lượng 320 nghìn tấn. Cá biển đạt diện tích nuôi 6.000 ha, sản lượng thu hoạch nuôi biển đạt 32 nghìn tấn. Sản lượng tôm hùm đạt 1,6 nghìn tấn và cua ghẹ hơn 60 nghìn tấn.
Đối với ngành tôm, trước tình hình giá tôm nguyên liệu giảm mạnh cuối tháng 5/2018, Tổng cục Thủy sản đã đánh giá diễn biến thị trường, khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ kỹ thuật, mùa vụ, ổn định sản xuất và thực hiện hợp tác, liên kết theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường, giảm rủi ro.
Tại hội nghị do Bộ trưởng chủ trì đầu tháng 6/2018 đã đề ra các giải pháp cứu giá tôm. Vì vậy, từ cuối quý 2/2018, giá tôm nguyên liệu đã tăng lên, người nuôi tiếp tục thả giống nuôi tôm, góp phần đưa sản lượng tôm các loại đạt khoảng 800 nghìn tấn, tăng 10,5% so với năm trước.
Tuy nhiên, tôm giống vẫn còn lệ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu; công tác quản lý vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản chưa chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng người nuôi lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản.
Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, đến nay cả nước có 82 cảng cá đã đi vào hoạt động ở 27 tỉnh, thành phố ven biển. Trong đó có 25 cảng cá loại 1, 57 cảng cá loại 2. Đã có 58 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thuộc 24 tỉnh, thành phố với sức chứa tối đa 42.464 tàu cá.
Thời gian qua, Tổng cục Thủy sản đã tăng cường quản lý việc đóng mới tàu cá và tạm dừng cấp phép đóng mới tàu cá lưới kéo. Đến nay, cả nước có gần 95.847 tàu cá chiều dài từ 6m trở lên. Trong đó, tàu cá vỏ gỗ chiếm tỷ lệ 98,6%, còn lại là vỏ thép và vỏ vật liệu mới.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, việc chuyển đổi cơ cấu trong khai thác hải sản còn chậm, các nghề xâm hại nguồn lợi thủy sản giảm chưa đáng kể, đặc biệt nghề lưới kéo. Đến thời điểm này, cả nước đã có 925 tàu cá đóng mới được vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển xa, đã hạ thủy đi vào hoạt động. Trong đó có 349 tàu vỏ thép, 78 tàu cá vỏ composite và 498 tàu vỏ gỗ. Thế nhưng, số lượng tàu cá vỏ thép và vỏ composite vẫn còn quá ít, chỉ chiếm 1,4% trong tổng số tàu cá...
Related news
Tổ chức tham quan các mô hình SX hiệu quả và hội thảo tổng kết Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh (TCX) toàn đực trên vùng đất chuyển đổi.
Nhiệt độ không khí thấp làm cho nhiệt độ, độ mặn, pH và oxy hòa tan trong ao nuôi tôm giảm đột ngột,... dẫn đến tôm bị sốc môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh.
Đầm Nại là một trong 12 đầm phá ven biển nước ta, điển hình cho kiểu nhiệt đới khô hạn ven biển, có nguồn lợi thủy sản phong phú