Xuất khẩu thủy sản 2017: Chưa thật hanh thông
Theo nhận định, giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước năm 2017 sẽ tăng khoảng 5% so năm 2016, đạt mức 7,4 tỷ USD và hầu hết các thị trường trọng điểm đều tăng. Thế nhưng giới chuyên gia dự báo, những khó khăn, rào cản của năm nay cũng sẽ không ít. Cùng điểm lại những thuận lợi, khó khăn tại các thị trường chính.
Trong ảnh: Tính đến giữa tháng 3 xuất khẩu cá tra đạt 297,2 triệu USD Ảnh: Ngọc Trinh
Mỹ
Về tổng thể, Mỹ vẫn được đánh giá là thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam, tuy nhiên, về từng mặt hàng sẽ có những thay đổi. Với cá tra, những khó khăn về thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn tại Mỹ cộng với một số rào cản thương mại sẽ ảnh hưởng lớn tới kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này. Về mặt hàng tôm tôm, sẽ không ảm đạm như cá tra nhưng cũng không dễ dàng. Bởi, Bộ Thương mại Mỹ cho biết nhập khẩu tôm vào nước này sẽ tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá. Hơn nữa tại thị trường Mỹ, tôm Việt Nam có đối thủ lớn nhất là tôm Ấn Độ. Với nguồn cung tôm nguyên liệu ổn định, Ấn Độ có thể cung cấp cho những thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ và thị trường nhập khẩu để chế biến xuất khẩu như Việt Nam và các nước châu Á khác.
Với những khó khăn như vậy, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ năm 2017 dự báo chỉ tăng nhẹ, đạt khoảng 1,5 tỷ USD.
EU
Năm 2017, với thủy sản, mức tiêu thụ tại thị trường EU dự báo vẫn trầm lắng. Trước tiên, một số sự cố chính trị xảy ra khiến cho đồng Euro mất giá mạnh, sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu chung, trong đó có thủy sản. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm nay sang thị trường này chỉ đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 1% so năm 2016. Với riêng mặt hàng tôm, tiếp nối đà tăng trưởng trong năm 2016, những tháng đầu năm nay, EU cũng là thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam với 17%, đạt 43,5 triệu USD.
Theo thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, sau sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung năm qua, trong năm 2017, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng EU dự kiến sẽ sang Việt Nam kiểm tra toàn diện việc chế biến, nuôi trồng thủy sản của các doanh nghiệp xuất khẩu sang nước này. Việc kiểm tra này chỉ là một trong vô số thách thức của doanh nghiệp nói riêng và ngành thủy sản nói chung trong năm nay.
Nhật Bản
Thị trường Nhật Bản năm 2017 được nhận định khó sôi động trở lại, nền kinh tế nước này đang trong giai đoạn khó khăn, nhu cầu thủy sản giá cao giảm, người tiêu dùng Nhật Bản đang có xu hướng giảm mua thủy hải sản và tăng tiêu thụ thịt. Thậm chí, nước này đang xúc tiến để tăng xuất khẩu đi các nước, trong đó có Việt Nam. Dự báo năm nay, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 2% so năm 2016.
Tuy nhiên, xét về từng mặt hàng thì cũng không hẳn tồi tệ. Bởi qua thống kê cho thấy, từ gần quý IV năm 2016 đến nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này liên tục tăng trưởng. Và với lợi thế cạnh tranh về giá và các chương trình thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước, tin tưởng xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung sang thị trường này sẽ khả quan.
Trung Quốc
Năm 2016, với tôm, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 với 436 triệu USD, tăng 24%. Còn với cá tra, năm qua, Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn thứ 2 với 305 triệu USD, tăng 59%. Năm 2017, Trung Quốc được dự báo là có khả năng thay thế Mỹ ở vị trí thị trường nhập khẩu cá tra số 1 của Việt Nam.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường Trung Quốc cũng nhiều rủi ro, bởi nếu phía bạn không nhận hàng thì coi như mất trắng. Hơn nữa, xuất sang thị trường này ở hai dạng chính là xẻ bướm và fillet, thế nhưng với sản phẩm xẻ bướm, nếu họ từ chối thì khó có thể xuất sang thị trường khác.
ASEAN
Theo nhận định của các doanh nghiệp, với một số thị trường xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn, hiện nay các doanh nghiệp đang nhắm đến thị trường châu Á với dân số trên 3 tỷ người có mức thu nhập tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN… để có kế hoạch mở rộng thị trường. Năm 2016, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các nước ASEAN tăng 5,4%, đạt 526 triệu USD; trong đó, cá tra chiếm 26%, tôm chiếm 10%, cá ngừ 8%, mực - bạch tuộc 10%.
Related news
Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường giới thiệu mô hình sản xuất hiệu quả, đặc biệt là mô hình nuôi tôm an toàn thực phẩm và nuôi tôm theo công nghệ Biofoc
Trong khi các nhà xuất khẩu dự báo nhu cầu nhập khẩu trong năm nay tăng không nhiều và giá tôm thành phẩm phổ biến trong các giao dịch thành công
Sau nhiều nỗ lực khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường, đến nay biển miền Trung đã dần hồi phục, tôm cá trở về ngày một nhiều, ngư dân lại háo hức ra khơi