Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xuất khẩu thịt vẫn chỉ là mơ

Xuất khẩu thịt vẫn chỉ là mơ
Publish date: Monday. October 5th, 2015

Tại sao ngành chăn nuôi không xuất khẩu được như các ngành khác dù chăn nuôi của Việt Nam có tổng đàn không thua kém các nước trong khu vực?

Vài năm gần đây, danh sách những quốc gia xuất khẩu thịt sang Việt Nam ngày càng dài.

Trong khi đó, danh sách quốc gia mà Việt Nam xuất khẩu thì lại rất hạn hẹp ngoài thị trường Trung Quốc thì chỉ lác đác một vài lô hàng sang Mỹ, Campuchia, Myanmar và Indonesia.

Trước thực tế này, người đứng đầu ngành nông nghiệp ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN & PTNT và giới chuyên gia đều đặt câu hỏi: tại sao ngành chăn nuôi không xuất khẩu được như các ngành khác dù chăn nuôi của Việt Nam có tổng đàn không thua kém các nước trong khu vực?

Không có… vùng an toàn

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện chăn nuôi, mặc dù chúng ta đã có Đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm giai đoạn 2014 - 2018″.

Tuy nhiên, đến nay sau một thời gian triển khai thực hiện tại ở Nam Định, Thái Bình nhưng kết quả không như mong đợi.

Do lập vùng an toàn dịch bệnh theo địa giới hành chính nên trong trường hợp thực hiện xuất hiện tình huống hai làng cách nhau một con đường nhưng một bên là vùng an toàn, còn bên kia lại không nên khó kiểm soát dịch bệnh trong trường hợp có dịch xảy ra.

Nếu không có vùng an toàn dịch bệnh thì Việt Nam khó nghĩ đến chuyện xuất khẩu thịt vì an toàn dịch bệnh là một trong những đòi hỏi hàng đầu của các nước nhập khẩu thịt trên thế giới - ông Sơn khẳng định.

Còn theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN & PTNT, sau khi tìm hiểu phía thị trường Nga và Nhật Bản đều cho thấy, họ ngại không muốn tiêu dùng thịt của Việt Nam là do các trại chăn nuôi của Việt Nam không đảm bảo an toàn thú y.

Câu chuyện của công ty Koyu & Unitek đóng tại Đồng Nai cho thấy, toàn bộ quy trình chăn nuôi đến giết mổ và chế biến của đơn vị này đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm làm ra đã được phía đối tác đem về Nhật phân tích và đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khách hàng Nhật cũng đã gửi đơn đặt hàng với số lượng lớn cho Koyu & Unitek nhưng theo ông James Hieu Nhon Khu - Giám đốc công ty khi đem các yêu cầu này của phía Nhật liên hệ với một số cơ quan thú y Việt Nam thì chỉ nhận được hướng dẫn làm đơn xin hỗ trợ.

Đến nay, công ty vẫn chưa biết cần liên hệ với cơ quan nào và đến bao giờ mới được giải quyết cho xuất khẩu, trong khi mỗi tháng công ty đang giết mổ 500.000 con gà công nghiệp.

Sẽ có “đặc cách”, “đặc thù”

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, việc chưa thể xuất khẩu được các sản phẩm thịt gà vì thủ tục thú y là một thiệt hại không chỉ với một số công ty mà còn của cả ngành chăn nuôi Việt Nam.

Hiện tại, ngoài thị trường Nhật Bản, nhiều quốc gia khác như: New Zealand, Nga và Đông Âu cũng có nhu cầu nhập gà từ Việt Nam nhưng doanh nghiệp không thể xuất khẩu.

 Trong khi đó, Thái Lan với các điều kiện tương đồng với Việt Nam thì xuất khẩu thịt heo, gà của họ mỗi năm lên đến trên 4 tỉ USD.

Cũng theo vị này, cùng nằm trong khu vực có dịch cúm gia cầm như Việt Nam nhưng Thái Lan vẫn xuất khẩu được thịt gà đi nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản bởi vì cơ quan thú y của họ đã chủ động giải quyết các vướng mắc từ sớm để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, họ đã triển khai các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đảm bảo các điều kiện của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) nên doanh nghiệp vẫn có thể xuất khẩu.

Trong khi đó, đến nay cơ quan thú y của Việt Nam vẫn chưa triển khai các bước này.

Theo TS Nguyễn Xuân Bình - GĐ Cơ quan Thú y Vùng VI, nếu chứng minh được vùng nuôi an toàn dịch bệnh và quá trình chế biến đảm bảo các yêu cầu quốc tế, doanh nghiệp có thể xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường khó tính như Nhật Bản hay Châu Âu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chủ động liên hệ với Cục Thú y để xác nhận vùng nuôi của mình đạt tiêu chuẩn vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

Lãnh đạo Bộ NN & PTNT cũng cho biết sẽ thành lập tổ công tác đến làm việc với từng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn ngay trong tháng 10 trên tinh thần sẽ tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, kể cả đưa ra các quy định “đặc cách”, “đặc thù” để doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Bộ NN & PTNT, thời gian qua, nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, thông thoáng hơn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính tự giác của doanh nghiệp chưa cao.

Có sản phẩm xuất khẩu chỉ lấy mẫu khoảng từ 5-10% để kiểm tra lô hàng cùng loại, cùng xuất xứ, còn lại tới 90-95% lô hàng đăng ký được xuất đi.

Một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng lách luật lượng lớn hàng xuất đi lại có chất lượng không đảm bảo như hàng mẫu được kiểm tra.

Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước thì rất cần ý thức tự giác và thái độ làm việc tuân thủ đúng quy định của doanh nghiệp.


Related news

Thành Công Từ Nhân Giống Chồn Mướp Thành Công Từ Nhân Giống Chồn Mướp

Từng nổi tiếng với mô hình nuôi heo rừng lai, giờ đây anh Nguyễn Tuấn Kiệt, ở ấp 20, xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau), còn phát triển thêm mô hình nuôi chồn mướp (cầy hương), không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra triển vọng cho sự bảo tồn loài động vật hoang dã quý hiếm này.

Saturday. July 20th, 2013
Nhức Nhối Chuyện Bán Điều Non Ở Bình Phước Nhức Nhối Chuyện Bán Điều Non Ở Bình Phước

Với hơn 150 nghìn ha, tỉnh Bình Phước được coi là "thủ phủ điều của cả nước". Cây xóa đói, giảm nghèo một thời, nay vì mất giá, cho nên người dân chặt bỏ. Nhiều hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số không có vốn đầu tư, đất bạc màu là còn chung thủy với cây điều. Nhưng cơn lốc của thị trường, lại nảy sinh tình trạng bán điều non, gây nhức nhối ở các xã vùng sâu tỉnh Bình Phước.

Tuesday. May 14th, 2013
Triển Vọng Từ Hướng Trồng Rau Trong Nhà Lưới Triển Vọng Từ Hướng Trồng Rau Trong Nhà Lưới

Nhằm giúp nghề trồng rau phát triển bền vững, tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, lần đầu tiên tỉnh ta đã đưa mô hình trồng rau an toàn (RAT) trong nhà lưới theo hướng VietGap vào sản xuất trên diện tích gần 40 ha tại các địa phương trọng điểm về trồng rau của tỉnh là An Hải (Ninh Phước), Hộ Hải (Ninh Hải) và phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) mở ra triển vọng mới cho người trồng rau.

Monday. July 29th, 2013
Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Thương Phẩm Tại Huyện Ninh Sơn Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Thương Phẩm Tại Huyện Ninh Sơn

Tháng 8-2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện triển khai mô hình “Nuôi thử nghiệm cá diêu hồng” tại thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn. Sau 5 tháng thực hiện, mô hình đạt hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.

Monday. July 29th, 2013
Ninh Sơn Phát Triển Chăn Nuôi Theo Hướng Nâng Cao Chất Lượng Tổng Đàn Ninh Sơn Phát Triển Chăn Nuôi Theo Hướng Nâng Cao Chất Lượng Tổng Đàn

Để đạt được tốc độ tăng trưởng 11% trong năm 2013, bên cạnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện Ninh Sơn xác định tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, nâng cao chất lượng tổng đàn.

Monday. July 29th, 2013