Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Xuất khẩu lợn mỡ sang Trung Quốc, lợi trước mắt, hại dài lâu

Xuất khẩu lợn mỡ sang Trung Quốc, lợi trước mắt, hại dài lâu
Author: TS Đoàn Xuân Phúc
Publish date: Wednesday. June 15th, 2016

Thu mua, xuất khẩu ồ ạt

Khách quan đánh giá, nhờ Trung Quốc mà 3 năm qua người chăn nuôi lợn nước ta đã có thêm thị trường tiêu thụ lợn thịt (có khi cả lợn sữa, lợn choai), với giá bán khá cao, có lãi, góp phần giải quyết thêm việc làm ở nông thôn vùng Đông Nam bộ, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và chủ yếu là Đồng bằng sông Hồng.

Đặc biệt, tháng 3 và 4.2016, việc thu mua buôn bán lợn mỡ sống qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Cao Bằng khá nhộn nhịp. Mỗi ngày có khoảng 50 đến 100 xe tải, cao điểm tới 300 xe chở lợn giao cho thương lái Trung Quốc. Mỗi xe khoảng 15- 17 tấn, chở 150- 155 con...

Lợn được chuyên chở ra Bắc, tập trung chủ yếu tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, Hà Nam sau đó đưa lên biên giới phía Bắc. Theo thông tin từ nhiều nguồn, người chăn nuôi trong tháng 3, tháng 4 và đầu tháng 5/2016 đã có lãi 1-1,2 triệu đồng/con lợn mỡ, thậm chí có lúc thu lãi 1,5 triệu đồng/con; người thu gom, vận chuyển lợn lãi 15- 17 triệu đồng/xe lợn.

Phải công nhận nhu cầu thị trường lợn mỡ tại nước láng giềng Trung Quốc đã góp phần khiến ngành chăn nuôi lợn nước ta tăng trưởng mạnh, thậm chí nhiều chuyên gia ví ngành nuôi lợn nước ta tăng trưởng bong bóng, khi người nuôi lợn ồ ạt tăng đàn, mua cả lợn giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Tại sao Trung Quốc mua nhiều lợn mỡ?

Trung Quốc lâu nay luôn là nước đứng đầu thế giới về sản xuất lợn thịt. Năm 2014, theo Tổ chức nông lương Liên Hợp quốc (FAO) thì nước này sản xuất trên 56,5 triệu tấn thịt lợn xẻ (chiếm trên 48% tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu).

Tuy vậy, thiếu hụt nguồn cung ngày càng tăng, hàng năm Trung Quốc thường nhập khẩu khá nhiều thịt lợn. FAO thống kê, năm 2014 Trung Quốc đã nhập 564 ngàn tấn thịt xẻ đông lạnh tăng 25% so với năm 2013; và nhập 814 ngàn tấn nội tạng lợn.

Năm 2015, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, nước này đã nhập tới 777,5 nghìn tấn thịt xẻ gồm thịt đông lạnh và thịt nát tăng 37,8% so với 2014; quy ra lợn hơi tăng 5 triệu con. Đó là chưa kể số lượng rất lớn nội tạng mà Trung Quốc nhập từ một số nước Âu, Mỹ và trên trăm ngàn tấn lợn hơi nhập qua đường tiểu ngạch từ Việt Nam...

Người Trung Quốc có thói quen ăn thịt lợn nhiều mỡ, sử dụng nhiều mỡ lợn, thích ăn thịt lợn béo kho tàu, nhiều loại bánh trong đó có bánh Trung thu cũng cần mỡ lợn, các tỉnh phía Bắc nước này do lạnh càng cần ăn thịt lợn nhiều mỡ…

Hệ quả lớn và di chứng lâu dài

Việc thu gom lợn mỡ đang gây náo loạn ngành chăn nuôi lợn và thị trường thịt lợn trong nước. Xuất khẩu tiểu ngạch thường rất khó thống kê chính xác, đầu ra không theo quy luật nào (ồ ạt mua, rồi bất ngờ dừng) đã gây nhiều khó khăn cho công tác chỉ đạo sản xuất, xây dựng kế hoạch chăn nuôi lợn ở các địa phương.

Thời gian qua thông tin xuất khẩu lợn sang Trung Quốc đã tác động xấu đến cung cầu thịt lợn trong nước, đẩy giá lợn hơi tăng mạnh, có lúc biến thành cơn sốt. Điều quan trọng là do xuất tiểu ngạch nên không có số liệu chính thống, tất cả đều méo mó phục vụ ý đồ của thương lái, dẫn đến khó kiểm soát tình hình.

Do chỉ nghe tin đồn thổi, người chăn nuôi đã ồ ạt tăng đàn, thậm chí nhiều người đã mua thêm đất, xây thêm chuồng trại làm ảnh hưởng không nhỏ đến đảm bảo yêu cầu vệ sinh dịch bệnh và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Thói quen ăn thịt lợn tươi, thịt mát của người Trung Quốc cũng không khác gì với người Việt Nam. Hình thức buôn bán nông sản Việt Nam - Trung Quốc qua đường tiểu ngạch như bao năm nay càng khuyến khích việc Trung Quốc thu mua lợn mỡ từ Việt Nam- một nguồn cung thường xuyên, dồi dào.

Việc đua nhau gom lợn thịt bán sang Trung Quốc đã tạo áp lực rất lớn với thị trường thịt lợn trong nước. Giá lợn thịt trong nước đang bị cuốn theo đà tăng giá lợn hơi xuất khẩu. Cụ thể, giá thịt lợn tăng 6-10.000đ/kg trong đầu tháng 5/2016 so cùng kỳ 2015, trong đó sườn tăng tới 20.000đ/kg. Giá lợn giống cũng đã tăng 6-10.000đ/kg.

Người tiêu dùng có thể sẽ dần quay lưng lại với sản phẩm thịt lợn trong nước do đang phải sử dụng thịt lợn quá đắt, chưa kể vẫn còn tâm lý e ngại an toàn thực phẩm do người chăn nuôi lợn vẫn lén lút sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh.

Từ đó gián tiếp đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu do giá rẻ hơn nhiều (thịt đùi lợn sản xuất trong nước đang cao hơn thịt đùi lợn nhập khẩu 15-20.000đ/kg), lại an toàn hơn.

Do dành nhiều thời gian và công sức để sản xuất lợn mỡ bán cho Trung Quốc, chắc chắn người chăn nuôi chưa mặn mà với việc tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi lợn, không lo xây dựng các chuỗi liên kết, xây dựng và quảng bá thương hiệu, không tập trung vào các giải pháp để giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, không tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap…

Việc đua nhau nuôi lợn để xuất sang Trung Quốc (thực tế là xuất khẩu sản phẩm thô) nên lợi nhuận không cao, dễ bị rủi ro. Tai hại hơn đang làm cho nhiều nơi coi nhẹ, không quan tâm tới đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến…

Như vậy sẽ làm yếu thêm khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi lợn vốn đang khá thấp. Hệ quả là ngành chăn nuôi Việt Nam không thể chủ động hội nhập, thu hẹp dần thị phần tiêu thụ trong nước và khó có thể xuất khẩu được thịt lợn trong tương lai.

Đối với Trung Quốc, lợn hơi từ Việt Nam sang chủ yếu vẫn là mua chui và có thể bị thương lái phía bên kia biên giới "đóng cửa" bất kỳ lúc nào. Bởi theo danh sách các quốc gia/khu vực đáp ứng yêu cầu và được cấp phép xuất khẩu thịt (bao gồm thịt lợn) sang Trung Quốc do Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc công bố ngày 29/4 vừa qua, thì Việt Nam không có tên trong danh sách này...


Related news

Rốn lũ của xứ Quảng chuyển mình Rốn lũ của xứ Quảng chuyển mình

Khi mới chia tách, huyện miền núi Nông Sơn – nơi được mệnh danh là “rốn lũ” của xứ Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn, hệ thống cơ sở vật chất vô cùng nghèo nàn. Nhờ “luồng gió nông thôn mới”, bộ mặt huyện Nông Sơn đã dần đổi thay.

Wednesday. June 15th, 2016
Hai lúa chi tiền tỷ trồng dưa công nghệ cao Hai lúa chi tiền tỷ trồng dưa công nghệ cao

Từ việc yêu thích công nghệ, một “Hai lúa” ở miền Tây dám bỏ ra gần 1 tỷ đồng đầu tư phát triển mô hình trồng dưa lưới ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao đầu tiên ở Hậu Giang. Đó là anh Võ Văn Chưng ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang.

Wednesday. June 15th, 2016
Bài học đắt giá của dược sĩ dành 5 tỷ làm rau sạch Bài học đắt giá của dược sĩ dành 5 tỷ làm rau sạch

Người trồng rau organic ngoài việc chống chọi với sâu bệnh còn phải đối diện với mức tiêu thụ thấp do mẫu mã kém bắt mắt, trong khi giá thành lại cao.

Wednesday. June 15th, 2016