Xử Lý Chất Thải Trong Ao Nuôi Tôm
Chất thải lắng tụ trong ao nuôi tôm phát sinh từ nhiều nguồn gốc khác nhau và có sự khác biệt giữa các ao nuôi, bao gồm: Ðất ao bị xói mòn do dòng chảy của nước; đất từ bờ ao bị rửa trôi; phân tôm; thức ăn thừa; xác chết của phiêu sinh vật; các loại vôi, khoáng chất; chất lơ lửng do nguồn nước cấp. Trong đó hai yếu tô đầu tiên không phải là nguyên nhân chính của sự hình thành chất hữu cơ. Chất hữu cơ có nguồn gốc chủ yếu từ phân tôm, thức ăn thừa và xác chết của phiêu sinh vật (còn gọi là chất thải).
Ðáy ao tốt hay xấu phụ thuộc vào chất đất và sự lắng tụ chất thải trong quá trình nuôi tôm mà đặc biệt là chất thải hữu cơ trong suốt quá trình nuôi. Chính vì vậy, ngoài việc chọn chất đất tốt để xây dựng ao nuôi thì việc quản lý tốt chất thải lắng tụ, giữ nền đáy ao luôn sạch là một trong những biện pháp rất cần thiết trong quá trình nuôi tôm.
Ðiều kiện nền đáy ao nuôi tôm có ảnh hưởng lớn đến chất lượng nước ao nuôi tôm thể hiện qua các thông số môi trường như oxy hòa tan, độ trong của nước, sự phát triển của tảo, hàm lượng các khí độc, sự hiện diện và phát triển các loại vi khuẩn gây bệnh,….
Đối với hệ thống ao nuôi năng suất cao như hiện nay thì lượng chất thải hữu cơ tích tụ nhiều chủ yếu do các yếu tố còn lại vì vậy đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ sự tồn lưu chất thải lắng tụ trong ao nuôi tôm. Chất thải lắng tụ trong ao nuôi tôm sinh ra hai sản phẩm chính có tính độc cao đối với nuôi tôm là NH3 và H2S.
Khí NH3 sinh ra do sự bài tiết của tôm và sự phân hủy chất đạm có trong các vật chất hữu cơ ở điều kiện hiếu khí và yếm khí. Khí H2S chỉ sinh ra từ các chất hữu cơ lắng tụ khi phân hủy trong điều kiện yếm khí. Nếu H2S hiện diện trong ao nuôi ở nồng độ cao, ta có thể nhận ra bằng đặc điểm có mùi trứng thối đặc trưng của H2S. Tuy nhiên, khi nồng độ H2S cao đủ để phát hiện bằng mùi thối thì chúng đã vượt trên mức gây độc cho tôm.
NH3 sinh ra chủ yếu ở giai đoạn tôm nuôi ở tháng thứ ba tuy nhiên nếu quản lý tốt thì sẽ hạn chế được hiện tượng này. Khí H2S thường phát sinh ở những ao dọn tẩy không triệt để. Tính độc của NH3 và H2S tùy thuộc vào nồng độ của chúng, độ pH và các thông số khác. NH3 trở nên độc hơn khi pH cao còn H2S lại độc hơn khi pH thấp. Ngoài việc sinh ra chất độc thì chất thải là nơi phát sinh các dòng vi khuẩn gây bệnh cho tôm đặc biệt là các bệnh đen mang, mòn đuôi, cụt râu,...
Sự hiện diện của các dòng vi khuẩn và phiêu sinh vật trong ao nuôi tôm thể hiện sự phân hủy tự nhiên của các chất độc và chất thải trong ao nuôi tôm. Các quá trình phân hủy bị ảnh hưởng bởi hàm lượng ôxy hòa tan trong ao, nhiệt độ và dòng chảy. Nếu chất thải hình thành nhanh hơn tốc độ phân hủy thì sự tích tụ sẽ xuất hiện trong ao gây ảnh hưởng đến sức đề kháng và nguyên nhân gây bệnh cho tôm nuôi.
Ðể hạn chế sự tích tụ lượng chất thải trong ao nuôi tôm chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:
a. Chuẩn bị ao kỹ
Trong ao nuôi tôm công nghiệp. mặc dù có quản lý chất thải tốt đến đâu thì việc tồn lưu chất thải hữu cơ sau vụ nuôi tôm là điều không thể trách khỏi. Do đó, trước khi thả tôm chúng ta phải tiến hành dọn sạch chất thải, rải vôi, phơi đáy và cày xới đáy ao giúp cho đáy ao thông thoáng, tiêu diệt mầm bệnh và giải phóng khí độc là điều hết sức cần thiết.
b. Quản lý sự xói mòn do dòng chảy của nước
Sự xói mòn do dòng chảy của nước chủ yếu do hoạt động của hệ thống mày quạt nước, sự xói mòn từ bờ ao khi trời mưa và thường xảy ra ở những ao nuôi mới xây dựng. Ðể khắc phục hiện tượng này, trước khi nuôi tôm đối với những ao mới xây dựng cần phải rửa ao nhiều lần, gia cố bờ chắc chắn. Ðặt hệ thống quạt nước sao cho dòng chảy trong ao điều hòa đảm bảo chất thải gom tụ lại ở giữa ao và tạo ra được tỷ lệ diện tích đáy ao sạch là cao nhất.
c. Quản lý thức ăn
Trong nuôi bán thâm canh và thâm canh thì việc chọn loại thức ăn và quản lý tốt lượng thức ăn sử dụng trong ao nuôi có ý nghĩa rất lớn đến sự tồn tại của chất thải hữu cơ vì chất lượng thức ăn kém dẫn đến hệ số tiêu tốn thức ăn cao, hoặc do độ tan rã thức ăn trong nước lớn làm cho tôm không sử dụng hết thức ăn, hoặc do việc điều chỉnh thức ăn không phù hợp, vị trí cho tôm ăn không phù hợp sẽ dẫn đến dư thừa thức ăn trong ao. Ðể làm tốt điều này cần phải chọn loại thức ăn có chất lượng cao và sử dụng thức ăn cho tôm nuôi một cách hợp lý, tránh hiện tượng thừa thức ăn.
d. Quản lý tốt màu nước ao nuôi
Ðây là một công việc hết sức cần thiết bởi một trong những vai trò tích cực của tảo là làm tăng chất lượng nước, giảm các khí độc tồn tại trong ao.
e. Chọn nguồn nước cấp thích hợp
Nguồn nước cấp vào nuôi cũng là một trong những lý do làm tích tụ chất hữu cơ trong ao nuôi tôm. Do vậy, khi chọn nguồn nước cấp vào ao nuôi chúng ta cần phải chọn những nguồn nước ít chất lơ lửng, không có tảo.
g. Gom tụ chất thải và tránh khuấy động chất trong ao nuôi
Việc sử dụng máy quạt nước để gom tụ chất thải, áp dụng việc sử dụng các loại vôi, khoáng chất, tránh khuấy động vùng gom tụ chất thải sẽ là một giải pháp tương đối an toàn vừa tạo ra vùng sạch cho tôm hoạt động vừa tránh sự phát tán chất lơ lửng trở lại nước ao trong suốt thời gian nuôi,... Nên dành một ao chứa có diện tích phù hợp để gom tụ chất thải, tránh xả thẳng chất thải ra bên ngoài.
Ngoài ra, việc sử dụng ao chứa lắng và nuôi mật độ vừa phải cũng là một giải pháp tốt trong việc quản lý chất thải.
Related news
Các giải pháp công nghệ tạo tôm toàn đực Tôm càng xanh Macrobrachium rosenberggi sống trong môi trường nước ngọt, có thể nuôi trong ao, ruộng cấy lúa, là sản phẩm thuỷ sản có giá trị kinh tế, có nhu cầu ở thị trường trong và ngoài nước. Tôm càng xanh đực và cái có sự khác biệt rõ rệt về tốc độ sinh trưởng, kích cỡ khi thu hoạch, thường cuối vụ nuôi tôm đực có kích thước lớn hơn đáng kể so với tôm cái.
Được Trung tâm Khuyến nông huyện chọn làm điểm xây dựng mô hình trình diễn nuôi tôm càng xanh, ông Bùi Văn Mỹ ở xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nuôi trên quy mô 1ha gồm 4 ao.
Tôm càng xanh là loài thủy sản không xa lạ với người dân Cà Mau. Từ khi chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm sú, con tôm càng xanh ít được người dân chú trọng.
Tôm và các loài giáp xác khác đều lột vỏ để tăng trưởng. Trường hợp tôm càng xanh không lột vỏ là do nguồn thức ăn cung cấp cho tôm không thoả đáng; nguồn nước ao nuôi bẩn, ô nhiễm, lượng oxy hoà tan trong nước không đủ cho nhu cầu hô hấp của tôm; tôm bị bệnh như bệnh đóng rong...
Phần 2B: NUÔI TÔM CÀ XANH TRÊN RUỘNG LÚA (Tài liệu đào tạo từ xa - Viện Thuỷ sản - Đại học Cần Thơ) Nuôi tôm trong ruộng lúa là hình thức canh tác kết hợp giữa Trồng Trọt và Thủy sản.