Xốc lại ngành chăn nuôi
Quá nhiều nút thắt
Ngay từ khi bước vào các vòng đàm phán tham gia TPP, chăn nuôi đã được xác định là lĩnh vực yếu thế, dễ bị tổn thương nhất của nông nghiệp Việt Nam. Bởi năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đang thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các nước. TS Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, ngành chăn nuôi đang tồn tại 4 nút thắt chính: Năng suất chất lượng thấp, liên kết lỏng lẻo, vệ sinh ATTP chưa đảm bảo và thủ tục hành chính còn phiền hà.
"Nông dân chủ yếu sản xuất dựa vào kinh nghiệm là chính. Tỷ lệ hao hụt từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành của vật nuôi cao, khoảng 15 - 20%" - ông Sơn cho biết thêm. Hiện, năng suất giống lợn của Việt Nam chỉ bằng 2/3 của Đan Mạch, năng suất gà bằng 75% của Thái Lan, và năng suất bò chỉ bằng một nửa của Australia. Trước tình trạng yếu kém này, tháng 5/2014, Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, song quá trình triển khai đề án đang diễn ra hết sức chậm chạp. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước mới có 27 tỉnh, TP ban hành đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi.
Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi ở một số các địa phương chưa đồng bộ và hiệu quả. Nhiều địa phương còn lúng túng, chưa phân biệt nội dung và giải pháp thực hiện đề án tái cơ cấu với các hoạt động thường xuyên của ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, quy hoạch chăn nuôi còn mang nặng tính hình thức, các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi chưa đi vào thực tiễn sản xuất ở địa phương do thủ tục rườm rà...
Phải thay đổi tư duy sản xuất
Nếu các nông sản khác như cà phê, hồ tiêu, lúa gạo… sản xuất ra để xuất khẩu thì sản phẩm chăn nuôi đang bị "trói buộc" ở trong nước, dẫn tới sản phẩm dư thừa, giá cả không ổn định. Do đó, muốn mở rộng cửa cho sản xuất, ngành chăn nuôi phải bung ra thị trường quốc tế. Để làm được điều này, trước hết phải có giải pháp tạo đột phá về con giống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngành chăn nuôi cần phải thay đổi tư duy sản xuất, làm theo nhu cầu của thị trường thay vì sản xuất những thứ mình có như hiện nay.
Để ngành chăn nuôi vào được thị trường quốc tế, vai trò của DN là rất lớn, song việc triển khai Nghị định 210/2013/NĐ - CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn lại tỏ ra bất cập. Ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam phân tích, DN Việt không thể làm "đầu tàu" với số vốn ít ỏi. Hiện, vốn điều lệ của mỗi DN thức ăn chăn nuôi của Việt Nam chỉ khoảng 5 tỷ đồng, trong khi Công ty CP của Thái Lan đầu tư nhà máy ở Hải Dương trị giá hàng trăm triệu USD. "Nếu DN vay vốn ngân hàng thì lãi suất khoảng 11 – 12%, trong khi ở Trung Quốc là 5%, Thái Lan 3%, Mỹ 0,5% thì rất khó cạnh tranh được. Do đó, phải có chính sách hỗ trợ cho DN" - ông Lịch đề xuất.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nên thị trường các nước châu Á, châu Âu, khu vực Thái Bình Dương sẽ là thị trường nông sản tự do. Theo ông Phát, cạnh tranh không chỉ là yếu tố sống còn mà còn là cơ hội để ngành chăn nuôi vươn lên mạnh mẽ. Bởi vậy, nhiệm vụ chính thời gian tới là cấp bách xây dựng một ngành chăn nuôi đủ sức cạnh tranh, không chỉ là xuất khẩu mà còn đứng vững trên sân nhà. Theo đó, tái cơ cấu ngành chăn nuôi không chạy theo số lượng mà tập trung vào nâng cao chất lượng, năng suất, hạ giá thành sản phẩm và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát "đặt hàng" Cục Chăn nuôi tìm giải pháp để trong thời gian tới, giống gia súc của Việt Nam có thể ngang bằng Australia, giống lợn ngang bằng Đan Mạch và giống gà tương đương Thái Lan.
Related news
Đã nhiều năm nay, nông dân huyện Yên Thành phát triển nghề nuôi vịt chạy đồng, theo các vụ lúa trong năm. Nghề này không những giảm được chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường.
Trên cánh rừng hoang nghèo kiệt chỉ có lau lách và cỏ dại, cô lập với khu dân cư, trong gần 6 năm khởi nghiệp, Nguyễn Văn Hảo trở thành tỉ phú trẻ nhất xã Tam Dị, doanh thu đạt gần 2 tỉ đồng/năm.
“Thất bại không phải là vấn đề, quan trọng nhất là biết mình thất bại ở đâu. Trong nuôi tôm công nghiệp, ai thành công đều phải nếm trải nhiều lần thất bại mới rút ra được kinh nghiệm xương máu cho mình” – ông Trần Quang Hiên, ngụ ấp 5, xã Tân Thành, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) bộc bạch.
Nhờ vào sự linh hoạt và mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất, ông Đinh Văn Sơn (xã Yên Thắng, Yên Mô) đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp có thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Gần đây, hội viên nông dân Nguyễn Quốc Thắng, Chi hội Nông dân ấp Bình Lợi, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chủ động xây dựng mô hình nuôi dê nhốt chuồng quy mô lớn (thí điểm), khởi đầu cho phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi do Hội Nông dân xã phát động.