Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt
Sản xuất lúa gạo của Việt Nam không bền vững, xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu ở phân khúc chất lượng trung bình và thấp, thị trường xuất khẩu và nội địa có nhiều biến động, sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng, thu nhập của người trồng lúa không ổn định. Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” nhằm tăng khả năng tiếp thị và cạnh tranh, hiệu quả sản xuất lúa gạo Việt Nam (VN)..., đề án ra đời muộn nhưng cần thiết.
Trong ảnh: Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: H.L
Định vị thương hiệu gạo Việt trên thị trường
VN xuất khẩu nhiều nhưng thế giới đa số chỉ biết đến gạo trắng và phân chia theo tỷ lệ tấm của VN chứ chưa có thương hiệu gạo mang tên VN vì gạo VN chủ yếu đóng bao và mang nhãn hàng của doanh nghiệp (DN) hay quốc gia nhập khẩu. Ngay tại thị trường trong nước, gạo VN bị đánh giá thấp hơn gạo nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia, Đài Loan, Nhật Bản... dẫn đến hiện tượng gạo sản xuất ở VN nhưng sử dụng bao bì nước ngoài bán trong các siêu thị. VN xuất khẩu gạo tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan..., trong tương lai gần là Myanmar, Campuchia... Để tăng khả năng nhận diện, tiếp thị, cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu và nội địa, tăng hiệu quả sản xuất và giá trị gạo, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thị trường gạo xuất khẩu chủ lực của VN là Trung Quốc luôn chứa đựng nhiều bất ổn và không dự báo được. Trong khi Thái Lan, Myanmar và Campuchia đã ký được hợp đồng cấp Chính phủ (G2G) nên tiêu thụ dễ hơn, còn VN tiếp tục giao thương qua dạng tiểu ngạch. Thị trường châu Á (Philipines, Indonesia, Malaysia) đã có nhiều thay đổi và không ổn định, chính phủ các nước này đều có chương trình phát triển lúa gạo trong nước nhằm hạn chế nhập khẩu hoặc thay đổi đối tác thương mại. Đối với thị trường châu Phi (khu vực nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới), VN phải cạnh tranh với Ấn Độ và Pakistan về loại gạo tấm 25%, với Thái Lan về loại gạo 5% tấm. Gạo VN kém cạnh tranh về giá so với Ấn Độ và Thái Lan (tháng 4.2014, giá gạo VN loại 15% là 436,5 USD/tấn thấp khá xa so với giá đề nghị của 3 nhà thầu khác từ Pháp, Hongkong và Thái Lan).
Mức độ tham gia của gạo VN vào chuỗi giá trị toàn cầu yếu, chủ yếu ở phân khúc trung bình và thấp, gạo chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp... Trên 200 DN VN có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại xuất khẩu gạo nhưng ít sử dụng thương hiệu riêng do quá phụ thuộc vào các hợp đồng do Vinafood đấu thầu... Bởi chính sách tập trung đầu mối xuất khẩu đã làm giảm tính năng động và cạnh tranh bằng chất lượng của các DN tư nhân.
Vì thế, việc xây dựng thương hiệu quốc gia gạo VN nhằm giúp gạo VN xuất khẩu với giá trị cao và có chỗ đứng vững vàng ở thị trường thế giới nhưng nó không làm thay vai trò của thương hiệu vùng như chỉ dẫn địa lý hay của DN, HTX. Thương hiệu gạo VN góp phần tăng sự nổi tiếng, hỗ trợ cho các thương hiệu của DN, của vùng thâm nhập thị trường thế giới, như kinh nghiệm của Thái Lan.
Chất lượng gạo VN thấp và không đồng đều do có quá nhiều giống lúa được đưa vào sản xuất, không có vùng nguyên liệu theo chất lượng đủ lớn, gạo thành phẩm là sự phối trộn của nhiều giống trong quá trình chế biến. Chỉ tính riêng ĐBSCL là khu vực sản xuất lúa gạo lớn nhất đã có trên 100 giống đang lưu hành, từ 15-20 giống mới được xác nhận đưa vào sản xuất hàng năm. Như vậy không thể quản lý được thương hiệu với quá nhiều giống. Kinh nghiệm thương hiệu gạo quốc gia gạo Thái Lan chỉ áp dụng cho 2 giống lúa KDML 105 và RD 15, hay thương hiệu gạo Ấn Độ là nhóm Basmati.
Cần thành lập hiệp hội sản xuất lúa gạo
Việc quản lý chất lượng lúa gạo theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo cần bắt đầu từ tổ chức lại sản xuất. Việc thúc đẩy các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác kiểu mới làm dịch vụ đầu ra, nhằm hướng tổ chức sản xuất theo phương thức, hộ nông dân nhỏ - cánh đồng lớn cần phổ biến rộng. Áp dụng các thực hành canh tác giảm thiểu phát thải và thân thiện với môi trường cũng là một yếu tố cấu thành quan trọng của thương hiệu gạo VN, khi mà xu hướng tiêu dùng sản phẩm sinh thái trên thế giới đang có xu hướng phát triển mạnh.
Liên kết trong chuỗi giá trị để khắc phục theo hợp đồng HTX/Tổ hợp tác với DN chế biến kinh doanh là cần thiết để đảm bảo chất lượng hạt gạo và nguồn cung nguyên liệu ổn định về chất lượng/sản lượng, thời gian/không gian cung ứng theo nhu cầu của từng phân khúc thị trường. Chính sách tín dụng cho chuỗi giá trị cần thay đổi phù hợp với nhu cầu của các DN tham gia chuỗi giá trị hạn chế về vốn không đủ năng lực đầu tư đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ, không có khả năng dự trữ lâu dài dẫn tới thực hiện chiến lược bán hàng nhanh bằng biện pháp giảm giá và các HTX nông nghiệp từ lâu vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng.
Để thực hiện chiến lược chất lượng gạo, các DN cần năng động tự tìm thị trường và đầu tư thích đáng vào marketing. Các DN tư nhân hiện nay đã làm khá tốt vấn đề này cần được đối xử bình đẳng so với doanh nghiệp nhà nước, giảm việc tập trung vào Vinafood 1 và Vinafood 2 chiếm lĩnh 60-70% thị phần xuất khẩu như hiện nay. Sự độc quyền này lại không gắn với quản lý chất lượng và vùng nguyên liệu, chỉ phù hợp với chiến lược quản lý gạo khối lượng lớn, chất lượng thấp như các hợp đồng chính phủ. Các “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị lúa gạo phải là các DN hay HTX/ tổ hợp tác cần có chiến lược phát triển gạo chất lượng rõ ràng và sẵn sàng đầu tư dài hạn. Cần thay đổi tiếp cận quản lý xuất khẩu chỉ dựa vào khối lượng mà thiếu khuyến khích gạo chất lượng của Nghị định 109 hiện nay. Cần cho phép thành lập hiệp hội sản xuất lúa gạo VN hay cải cách Hiệp hội lương thực VN (VFA) thành một tổ chức thực sự có năng lực đại diện cho ngành sản xuất – kinh doanh lúa gạo. Hiệp hội này có thể bao gồm cả nông dân, HTX và DN nhằm đổi mới tổ chức lại sản xuất, liên kết giữa nông dân, người chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu trong vùng nguyên liệu gắn với kiểm soát chất lượng, điều tiết chia sẻ lợi ích hài hòa và cùng xây dựng thương hiệu chung.
Thương hiệu gạo VN cần được hiểu là sự nổi tiếng của gạo Việt trên thị trường, vì vậy sự nổi tiếng này không nhất thiết chỉ dựa trên 1 giống nào đó mà có thể là sự phong phú đa dạng về chất lượng, đáp ứng rộng rãi nhu cầu của người tiêu dùng các nước. Xây dựng thương hiệu gạo VN không chỉ là hình ảnh/biểu tượng và bảo vệ hình ảnh/biểu tượng đó... mà nó còn bao hàm các giá trị về chất lượng sản phẩm (giống), kỹ thuật sản xuất (điều kiện sinh thái, canh tác, chế biến, đóng gói), sự cam kết lâu dài của chủ thương hiệu, thể chế tổ chức trong chuỗi sản xuất và cung ứng... Đây chính là cơ sở để quản trị thương hiệu gạo quốc gia.
5 vấn đề của lúa gạo Việt Nam
1. Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu gạo mới được phê duyệt nên cơ chế điều phối chưa rõ ràng.
2. Chưa có giống lúa chất lượng ở quy mô lớn và môi trường sản xuất bền vững.
3. Thiếu liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, nông dân và nghiên cứu.
4. Thiếu các dự báo đối với các thị trường nhập khẩu chính.
5. Thiếu tên thương hiệu hấp dẫn để quảng bá trong và ngoài nước.
Related news
Cùng với sự phát triển trồng trọt, thị xã Thái Hòa-Nghệ An không ngừng mở rộng cả về số lượng, chất lượng trang trại chăn nuôi, giúp nhiều hộ nông dân làm giàu
Nhằm phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh thái, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCCN), UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch giao cho đơn vị liên kết
Nhiều mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch. Năm mới 2017, chủ nhân của các dự án khởi nghiệp này tiếp tục vạch ra nhiều kế hoạch lớn, với nhiều kỳ vọng.