Xây dựng thương hiệu gạo theo chuỗi khép kín
Gạo sạch có thương hiệu không nằm ngoài quy luật khi “ông lớn” Vinafood 1 (Tổng Cty Lương thực Miền Bắc) tham gia vào “sân chơi” này.
Sau khi Đề án xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng Cty Lương thực Miền Bắc đã quyết định thành lập một đơn vị chuyên biệt - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển gạo Việt.
Trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu, tổ chức SX sản phẩm gạo theo chuỗi giá trị xuyên suốt từ khâu nghiên cứu giống, gieo trồng tới chế biến, phân phối sản phẩm nhằm mục tiêu cho ra đời những sản phẩm gạo vừa có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, để từng bước xây dựng một thương hiệu mạnh cho sản phẩm gạo Việt.
Cánh đồng nguyên liệu
Vụ xuân 2016, Trung tâm Gạo Việt đã ký hợp đồng trực tiếp với HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) xây dựng cánh đồng nguyên liệu với diện tích 20 ha để gieo cấy giống lúa Bắc thơm 7. Theo hợp đồng, Trung tâm sẽ đầu tư giống, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường ít nhất 100 đồng/kg.
Ông Trần Ngọc Liên, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Hà cho biết, sau khi ký hợp đồng với HTX, Trung tâm đã cung cấp giống xác nhận, kiểm soát chặt chẽ từ khâu làm đất, thời điểm gieo sạ đồng loạt, cho tới quy trình bón phân, phun thuốc.
Ngoài ra, toàn bộ diện tích lúa nguyên liệu trên được giám sát chặt chẽ bởi đội ngũ cán bộ khuyến nông của xã và các viện khoa học, tổ chức tập huấn định kỳ cho nông dân, giám sát thực hiện quy trình canh tác “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng giống gieo; giảm nước tưới; giảm thuốc BVTV; giảm phân bón; giảm tổn thất sau thu hoạch).
“Triển khai cánh đồng nguyên liệu giúp nông dân tiết kiệm được chi phí SX, giảm giá thành sản phẩm, tăng năng suất, chất lượng hàng hóa. Hơn thế, quy trình canh tác trên cánh đồng lớn còn góp phần thay đổi thói quen canh tác cũ, nhằm bảo tồn nguồn thiên địch, đất trồng, nguồn nước mặt, nước ngầm, môi trường sống tại vùng nông thôn, SXNN mang tính bền vững”, ông Liên cho hay.
Ngoài ra, việc cơ giới hóa 100% khâu thu hoạch cũng giúp nông dân tiết kiệm được chi phí nhân công, giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng thời làm gia tăng chất lượng gạo nhờ việc gặt đúng thời điểm lúa chín, sấy bằng máy, chế biến và bảo quản theo công nghệ mới nhất dưới sự hướng dẫn của Viện Công nghệ sau thu hoạch Việt Nam.
Xuất phát từ mô hình cánh đồng lớn (CĐL) thành công ở tỉnh An Giang, trải qua nhiều năm triển khai tại các vùng trọng điểm lúa của cả nước, Bộ NN-PTNT đã nhận định: CĐL thực sự là bước tiến vượt bậc trong quá trình tổ chức SXNN theo hướng hàng hóa. Tổ chức canh tác trên CĐL có những ưu điểm vượt trội như diện tích lớn, chỉ gieo cấy đồng nhất một loại giống lúa chất lượng, thuận lợi trong việc đưa cơ giới hóa vào các khâu làm đất, thủy lợi, gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản chế biến sau thu hoạch.
Kết quả từ các mô hình CĐL lớn do Vinafood 1 triển khai thực hiện tại các địa phương cũng cho thấy: Năng suất tăng và chất lượng lúa ổn định. Gạo đủ số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như XK. Nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào về giống, phân bón, thuốc BVTV ít nhất 20%. Tổng giá trị tăng trên 20%.
Quy trình khép kín
Với mục tiêu cung cấp được các loại gạo có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho nông dân trực tiếp canh tác trên các cánh đồng, thông qua liên kết 4 nhà, Trung tâm Gạo Việt đã cho ra một số sản phẩm gạo thương hiệu, tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa và bước đầu XK.
Thông qua quy trình SX khép kín, bắt đầu từ các cánh đồng lúa lớn ở Điện Biên, Yên Bái, Nam Định đến Cần Thơ, Sóc Trăng, lúa được thu hoạch và đưa về nhà máy để chế biến, đóng gói đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP. Từ khâu canh tác, thu hoạch, vận chuyển, lưu kho và đóng gói đều được kiểm soát chặt chẽ đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo sạch – an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng cũng như thân thiện với môi trường”, ông Nguyễn Xuân Hồng, GĐ Trung tâm Gạo Việt, cho biết.
Hiện nay, Trung tâm Gạo Việt đang phân phối các mặt hàng gạo chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo giá trị dinh dưỡng cao và sạch từ khâu canh tác đến chế biến, bảo quản. Sản phẩm được phân phối thông qua các kênh bán hàng và phân phối trực tiếp đến từng hộ gia đình.
Ông Hồng cũng cho biết thêm, dù mới ra đời, song các sản phẩm gạo sạch như Tám Điện Biên, Di Nhiên, Tám Sóc Trăng, Séng Cù... tiêu thụ rất tốt ở thị trường nội địa. “Hầu như chúng tôi không có sản phẩm tồn kho. Các mặt hàng gạo đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Chúng tôi rất tin tưởng vào việc xây dựng thương hiệu gạo Việt, vì nhu cầu sử dụng gạo sạch ngày càng gia tăng”, ông Hồng nói.
Cuối năm 2015, sản phẩm gạo sạch đã được giới thiệu tới các nhà buôn, chuỗi nhà hàng khách sạn, người tiêu dùng Đức. Tại đây, khách hàng được giới thiệu về quy trình khép kín SX gạo sạch và thử cơm tại chỗ để đánh giá sản phẩm một cách khách quan nhất. Sản phẩm gạo Vinafood 1 sau khi ăn thử được khách hàng đánh giá rất cao về hương thơm và dư vị. Các nhà NK Đức rất quan tâm và mong muốn sản phẩm gạo sạch của Vinafood1 sớm xuất hiên tại thị trường này.
Box: “Selgros là một công ty bán buôn và phục vụ thương mại theo mô hình Cash & Carry, có hệ thống rộng khắp ở Đức, Ba Lan, Rumani và Nga, cung cấp cho thị trường các dòng hàng thực phẩm và phi thực phẩm ở phân khúc trung và cao cấp với giá bán buôn thấp. Như vậy, với việc họ chấp nhận sản phẩm của mình, chúng tôi hy vọng sẽ mở ra một hướng đi mới trong xây dựng thương hiệu gạo Việt”, ông Hồng nói.
Related news
Ngày 24.3, Dân Việt đã đăng bài “Nhập hơn 9 tấn chất cấm, chỉ sử dụng đúng... 10kg!” phản ánh về tình trạng sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trái phép trong chăn nuôi.
Bộ NNPTNT vừa đưa ra một số giải pháp hướng dẫn chuyển đổi cây trồng nhằm chống hạn ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Giá củ mì tươi (sắn) trong thời gian khá dài duy trì ở mức 2.400-2.600 đồng/kg, nay giảm còn 1.500- 1600 đồng/kg khiến nhiều nông dân đã và đang đổ xô trồng loại cây này chới với.