Xây dựng nông thôn mới ở quảng nam điện Hòa chạm đích sớm 5 năm
Dựa vào sức dân
Ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch UBND xã Điện Hòa cho biết, chỉ sau 3 năm bắt tay vào xây dựng NTM, UBND tỉnh Quảng Nam đã nhìn ra khả năng về đích sớm của Điện Hòa và nhanh chóng có quyết định bổ sung Điện Hòa vào danh sách những xã hoàn thành NTM vào 2015.
Nhân dân xã Điện Hòa tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Ông Hải cho biết, quan điểm của địa phương là không trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, mà dựa vào sức dân.
Do đó, xã đã tập trung công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực trong dân để xây dựng NTM.
Được tuyên truyền, vận động, người dân đã hiểu và tích cực hưởng ứng.
Chỉ trong mấy năm, người dân đã tham gia hàng ngàn ngày công xây dựng các công trình NTM; hiến hơn 2.200m2 đất để làm đường GTNT.
Đặc biệt, đã có 13km đường nội đồng hình thành nên từ bàn tay của người dân.
Bên cạnh sự đóng góp lớn từ nhân dân, xã cũng huy động được 105 tỷ đồng để đầu tư xây dựng NTM.
Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách cấp trên hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lồng ghép các chương trình khác.
Cũng theo ông Hải, xã Điện Hòa có 12 thôn, mỗi thôn có thế mạnh khác nhau, như thôn Đông Hồ giỏi về xây dựng đường giao thông nông thôn; thôn Đông Quan hay về sản xuất, chăn nuôi...
Mỗi thôn một thế mạnh, và xã đã kết nối được các thế mạnh này, nhờ vậy Chương trình NTM ở Điện Hòa diễn ra suôn sẻ.
Thu nhập người dân tăng nhanh
Nhờ sự vào cuộc tích cực của người dân, toàn xã đã bê tông trên 17,61km tuyến đường xã, liên xã; trên 5,8km đường thôn, liên thôn và hơn 55km đường ngõ, xóm.
Hệ thống kênh mương, thủy lợi cũng được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng tốt cho sản xuất nông nghiệp.
Hệ thống trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia; 9/12 nhà văn hóa thôn đã được nâng cấp, đầu tư mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Các cấp chính quyền cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân Điện Hòa.
Hiện nay, ngoài cây lúa và cây màu, Điện Hòa có hàng chục trang trại chăn nuôi chim cút, cá, gà.
Toàn xã có trên 37ha diện tích mặt nước nuôi cá nước ngọt, với hơn 137 hộ tham gia.
Nhờ chăn nuôi hiệu quả, nhiều hộ gia đình đã vươn lêm làm giàu.
Ông Tưởng Nam – Trưởng thôn Đông Quan phấn khởi cho biết, ngoài sản xuất lúa, toàn thôn có 13 hộ nuôi gà và chim cút đẻ trứng; 22 hộ nuôi cá nước ngọt với diện tích trên 7,5ha… Nhờ vậy, đời sống người dân trong thôn được nâng lên đáng kể.
Ông Hải chia sẻ thêm, khi mới bắt tay xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân Điện Hòa chỉ khoảng 12 triệu đồng/người/năm.
Đến nay, sau 5 năm xây dựng NTM, Điện Hòa đã được công nhận đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng người/năm… “Điều quan trọng không phải ở chỗ về đích sớm bao nhiêu năm mà chính là cái giá trị của việc về đích.
Thực sự, người dân Điện Hòa đã có đời sống tốt đẹp hơn rất nhiều sau 5 năm xây dựng NTM.
Đấy chính là niềm vui lớn nhất của chúng tôi” - Chủ tịch Nguyễn Văn Hải chia sẻ.
Điện Hòa có hơn 20 doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh, mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động với mức thu nhập ổn định.
Related news
Nghề nuôi trâu vỗ béo bán thương phẩm vui nhất là được thương lái đến tận nhà thu mua nên không lo đầu ra, trâu lúc nào cũng bán được giá cao.
Là công chức nhà nước, nhưng anh Nguyễn Đức Thủy ở Hòa Bình vẫn tranh thủ trồng được 10ha cam VietGAP, lợi nhuận 1,1 - 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Tấn Tài (29 tuổi), ở thôn Phú Nông, xã Hoài Sơn, TX.Hoài Nhơn, Bình Định, đã xây dựng được mô hình kinh tế đạt doanh thu 1 tỉ đồng mỗi năm
Thời gian gần đây, phong trào nuôi thủy sản, đặc biệt là những đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá nheo Mỹ, trắm đen, chép lai
Nuôi 3.000 con thỏ các loại, anh Lê Quang Hãnh ở Thanh Miện, Hải Dương cho biết, mỗi năm thu lãi trên 700 triệu đồng.