Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Xây dựng hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả

Xây dựng hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả
Author: Hạnh Châu
Publish date: Monday. December 24th, 2018

Sở Công thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trường Đại học An Giang triển khai thực hiện xây dựng hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh An Giang.

Dán Qrcode trên bao bì sản phẩm để xem thông tin sản phẩm hoặc truy cập vào website để tra cứu thông tin sản phẩm

Mục tiêu của hệ thống nhằm xây dựng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với ngành hàng rau, củ, quả. Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sản phẩm rau, củ, quả an toàn.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chức năng trong thực hiện kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Đặc biệt, hệ thống cho phép người tiêu dùng sản phẩm sử dụng smartphone quét Qrcode trên bao bì sản phẩm, để xem thông tin sản phẩm hoặc truy cập vào website để tra cứu thông tin sản phẩm

Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi cho biết: một trong những vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm thời gian qua là sử dụng các loại hóa chất, thuốc độc hại bị cấm hoặc hạn chế sử dụng trong quá trình nuôi trồng, sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý có nhiều nỗ lực đề ra giải pháp khắc phục nhưng kết quả đạt được còn hạn chế.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây rất nhiều thông tin về thực phẩm bẩn, độc hại không rõ nguồn gốc. Đó là lý do khiến nhiều người Việt Nam mắc bệnh ung thư vì lý do ăn phải những thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Vì vậy, cần có một thông tin hiện đại để người tiêu dùng có thể truy xuất, tra cứu và hiểu rõ hơn xuất xứ và chất lượng sản phẩm.

Đối tượng tham gia hệ thống là các doanh nghiệp, cơ sở, tổ hợp tác sản xuất trồng rau, củ, quả an toàn trên địa bàn tỉnh; cá nhân, tổ chức thu mua, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm rau, củ, quả; hộ kinh doanh tại chợ, doanh nghiệp phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm.

UBND tỉnh đầu tư kinh phí hơn 633 triệu đồng thực hiện hệ thống phần mềm truy xuất, trang thiết bị hỗ trợ phần mềm truy xuất, tập huấn, hướng dẫn sử dụng...

Hệ thống quản lý thực hiện 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1: quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả đã thu hoạch từ tổ hợp tác sản xuất, doanh nghiệp qua giai đoạn vận chuyển, kinh doanh tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng nông sản và người tiêu dùng.

Giai đoạn 2: kiểm soát từ khâu giống, gieo sạ, thời gian trồng rau, củ, quả đến khi thu hoạch qua giai đoạn vận chuyển, kinh doanh tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng nông sản và người tiêu dùng (kiểm soát vùng trồng, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...).

Phần mềm có chức năng giúp người tiêu dùng tra cứu thông tin sản phẩm thông qua smartphone có kết nối mạng; người tiêu dùng có thể truy cập vào website để tra cứu thông tin sản phẩm, nhà sản xuất...

Cơ sở sản xuất - kinh doanh đăng ký sản phẩm trên hệ thống phần mềm thông qua mạng. Cán bộ kiểm duyệt sản phẩm đã được đăng ký trên hệ thống; tra cứu, tìm kiếm các thông tin cần thiết dành cho quản trị; quản trị danh mục sản phẩm, cơ sở sản xuất; thống kê báo cáo; quản trị hệ thống.

Đơn vị sản xuất đăng ký với hệ thống một sản phẩm bắt đầu sản xuất, thời gian bắt đầu và thu hoạch, quá trình sản xuất... quản trị cung cấp Qrcode cho sản phẩm. Sau khi thu hoạch cơ sở sản xuất thông báo cán bộ kiểm duyệt, kiểm duyệt sản phẩm cho phép cơ sở sản xuất in Qrcode.

Cơ sở sản xuất in và dán Qrcode lên sản phẩm. Người tiêu dùng sử dụng smartphone quét Qrcode trên bao bì sản phẩm sẽ biết được thông tin: tên sản phẩm, nơi sản xuất, ngày thu hoạch, cửa hàng bán sản phẩm.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, phối hợp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả đạt mục tiêu kiểm soát chất lượng, nhận diện và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ từ các tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sản phẩm rau, củ, quả an toàn. Cho phép người tiêu dùng sản phẩm sử dụng smartphone quét Qrcode trên bao bì sản phẩm để xem thông tin sản phẩm hoặc truy cập vào website để tra cứu thông tin sản phẩm.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh An Giang, thời gian qua Sở Công thương phối hợp Trung tâm Tin học (Trường Đại học An Giang) đã xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả.

Đến nay, phần mềm đã hoàn chỉnh và đưa vào vận hành thử. Sở Công thương phối hợp Trường Đại học An Giang đã tích cực làm việc với doanh nghiệp, tổ hợp tác đăng ký tham gia và tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm, cách đăng nhập thông tin, tra cứu thông tin trên sản phẩm...


Related news

Chọn lọc, duy trì giống gốc nếp Thơm Hưng Yên Chọn lọc, duy trì giống gốc nếp Thơm Hưng Yên

Với năng suất vượt 15 - 20% và giá trị tăng gấp gần 2 lần so với các giống khác, lúa nếp Thơm Hưng Yên đang ngày càng khẳng định ưu thế vượt trội

Friday. December 21st, 2018
Những giống lợn chất lượng ngoại mang thương hiệu Việt Những giống lợn chất lượng ngoại mang thương hiệu Việt

Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương là đơn vị sự nghiệp khoa học thuộc Viện Chăn nuôi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự trang trải kinh phí.

Friday. December 21st, 2018
Bón NPK-S Lâm Thao cho cây cà rốt Bón NPK-S Lâm Thao cho cây cà rốt

Cà rốt là cây gieo trồng liền chân (không có giai đoạn vườn ươm rồi trồng), cần lượng hạt là 4 - 5 kg/ha (140 -180 g/sào Bắc Bộ), nếu kỹ thuật gieo tốt

Monday. December 24th, 2018