Xã… Vỗ Béo Bò
Chúng tôi về xã Văn Đức khi bà con đang tất bật chuẩn bị lứa rau cho dịp Tết Nhâm Thìn sắp tới. Ở Văn Đức, người dân không mấy khi có nhà mà chủ yếu túc trực ngoài ruộng rau hoặc ngồi xổm tại các khu công nghiệp, khu đô thị trong Hà Nội cắt cỏ cho bò. Ông Chử Đức Nhị, Chủ nhiệm HTXNN Văn Đức tâm sự: “Địa hình xã Văn Đức chúng tôi là một bãi bồi nằm nhô ra giữa dòng sông Hồng nên trồng trọt, chăn nuôi là hai nghề chính từ bao đời nay. Người dân Văn Đức ngoài niềm tự hào mình là con cháu của Chử Đồng Tử, một trong Tứ Bất Tử của Việt Nam thì trình độ thâm canh trong nông nghiệp của chúng tôi không thua kém bất cứ nơi nào ở Hà Nội”.
Nói về lịch sử hình thành nghề vỗ béo bò, ông Nhị nheo mắt nhớ lại và khẳng định nghề có từ năm 1996. Sau khi mô hình kinh tế HTX chuyển hoàn toàn sang khoán hộ, tận dụng cỏ cây tươi tốt, người dân Văn Đức bắt đầu mua bò về chăn nuôi. Dần dà theo thời gian, do nhu cầu thịt bò khu vực thành phố Hà Nội tăng cao, thương lái tìm về Văn Đức lùng sục bò cung cấp cho các lò mổ bởi bò ở đây chất lượng thịt rất cao. Có cầu ắt có cung, nhận thấy đây là một nghề kiếm tiền nhàn nhã và thuận lợi nên người dân chuyển sang vỗ béo bò chuyên nghiệp.
Đỉnh điểm phong trào nuôi bò vỗ béo, toàn huyện Gia Lâm có 7.000 con bò, riêng Văn Đức đã sở hữu 3.000 con. Hiện tại, mặc dù nghề nuôi bò có phần chững lại nhưng số lượng đàn bò thống kê mới nhất tại Văn Đức cũng trên 2.000 con/1.800 hộ dân. Ở Văn Đức cứ mười hộ có đến 6 nhà nuôi bò vỗ béo, ít thì 2 - 3 con, nhiều lên đến 15 - 20 con nên có thể khẳng định, sau nghề trồng rau thì nuôi bò vỗ béo là nghề thứ hai đem lại thu nhập cho người dân nơi đây.
Là một trong những hộ tham gia phong trào nuôi bò vỗ béo từ những ngày đầu, ông Chử Đức Khuê ở đội 15, thôn Chử Xá chia sẻ, người dân Văn Đức không bao giờ nuôi bò thả rông mà nuôi theo phương thức bán công nghiệp. Những con bò gầy gò toàn xương sau khi mua về, việc đầu tiên là được tiêm phòng dịch bệnh và tẩy giun sán. Sau đó, bò được cho ăn đầy đủ cả thức ăn xanh là cỏ, cây chuối, rơm và thức ăn tinh là các loại cám ngô, cám đậm đặc... Thông thường, sau khoảng 2 - 3 tháng chăm bẵm tốt, một con bò gầy sẽ được "đắp" thêm từ 50 - 80 kg thịt, khi đó người dân bán cho các thương lái và thu thêm 5 - 8 triệu đồng/con bò so với lúc mua, sau khi trừ hết chi phí vẫn còn vài triệu bỏ túi.
Theo anh Đặng Văn Nghĩa ở đội 7, thôn Trung Quan, một hộ vỗ béo bò có tiếng tại Văn Đức, tiêu chí quan trọng quyết định đến thành công của một lứa vỗ béo bò là chọn giống. Chỉ vào đàn bò 9 con vàng óng béo múp nhà mình, anh Nghĩa bật mí kinh nghiệm, bò tăng trọng nhanh nhất là giống bò lai do sở hữu bộ khung to và đẹp (vai rộng, cổ dài, mông và bản lưng lớn) nên chỉ sau một thời gian ngắn được cho ăn đầy đủ chúng sẽ béo núc.
Ngược lại, nếu chọn phải những con bò có bộ xương hẹp thì cho dù cho ăn nhiều đến đâu chúng vẫn gầy dơ xương. “Bên cạnh giống và cơ địa con bò thì khả năng ăn uống cũng quyết định khá lớn đến hiệu quả trong vỗ béo bò. Phải chọn được những con bò phàm ăn, vành mồm to, rộng bởi đó là giống bò ở vùng miền núi. Do được nuôi với số lượng lớn, thiếu thức ăn nên chúng thường rất gầy, chỉ cần vỗ béo khoảng hai tuần là đã nhìn thấy lãi”, anh Nghĩa tâm sự.
CẢ XÃ CẮT CỎ NUÔI BÒ
+ Anh Chử Văn Minh ở đội 7B, thôn Trung Quan, một hộ mới vào nghề vỗ béo bò từ 3 năm nay tự tin khẳng định, bình quân mỗi năm gia đình anh vỗ béo được 3 - 4 lứa bò, mỗi lứa chừng 5 - 7 con, khi trừ hết chi phí một năm cũng lãi được trên dưới trăm triệu đồng, riêng những hộ nuôi trên 10 con lãi vài trăm triệu là chuyện bình thường ở Văn Đức.
+ Chủ nhiệm HTXNN Văn Đức Chử Đức Nhị chia sẻ, người dân Văn Đức từ xưa đến nay ít khi cấy lúa mà chủ yếu là trồng rau và nuôi bò. Bình quân mỗi năm, Văn Đức cung cấp cho Hà Nội hàng trăm tấn thịt bò, đem lại thu nhập cho người dân nơi đây hàng chục tỷ đồng.
Chúng tôi đi rất nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào giá thuê đất làm nông nghiệp lại cao như ở Văn Đức. Hiện tại, một sào đất đẹp trồng rau ở Văn Đức giá thuê không dưới 5 triệu đồng/năm. Những mảnh ruộng xa đường, nước nôi thủy lợi khó khăn giá thuê một năm cũng phải 3 triệu đồng trở lên. Chính vì đất đai đắt đỏ như vậy nên việc thuê đất trồng cỏ nuôi bò với người dân Văn Đức là điều gì đó rất xa xỉ. Song, nghề vỗ béo bò đã ăn sâu vào nếp sống của người dân Văn Đức và thu nhập từ nghề này cũng không thua kém trồng rau nên việc duy trì chăn nuôi là điều tất yếu.
Nhưng khi số lượng đàn bò tăng đồng nghĩa nguồn thức ăn cung cấp cho chúng phải nhiều lên. Đất đai hạn hẹp đắt đỏ không thể thuê để trồng cỏ nên bà con nảy ra sáng kiến tới các khu đô thị, khu công nghiệp, công viên cắt cỏ về nuôi bò. Thật không thể ngờ, thị trường bất động sản, tài chính khó khăn lại gián tiếp tạo ra thu nhập cho người vỗ béo bò ở Văn Đức. Đều đặn mỗi buổi sáng, từ bến phà Khuyến Lương, hàng trăm người dân Văn Đức với xe đạp, xe máy thồ vượt sông Hồng tìm đến các khu đô thị, khu công nghiệp bỏ hoang hoặc chưa sử dụng tới ở Hà Nội cắt cỏ.
Ông Nguyễn Văn Túy, người lái thuyền hơn 20 năm tại bến phà Khuyến Lương bảo rằng, ông sống khỏe được như ngày hôm nay một phần nhờ thu nhập do người dân Văn Đức đi cắt cỏ qua lại thường xuyên. Ông Túy nhẩm tính, trong 1.000 người dân qua lại phà Khuyến Lương hàng ngày thì người đi cắt cỏ đã lên tới vài trăm người. Quả không sai, ngồi nghỉ tại phà Khuyến Lương lúc gần trưa, chúng tôi thấy từng đoàn xe đạp thồ với hai bên là hai sọt cỏ xanh tốt chất cao chót vót xuống phà qua sông như mắc cửi.
Related news
Tôi ở phường Phú Thủy-TP Phan Thiết nhưng tôi có trang trại bò ở khu vực Gia Bát-Di Linh-Lâm Đồng. Nhà tôi vừa mua hai con bò sữa nhưng tôi chưa biết những loại thức ăn nào dùng cho bò sữa, có khác với bò thường nuôi không? Xin báo NNVN cho biết các loại thức ăn bò sữa ăn được có hiệu quả, để gia đình tôi và nhiều hộ khác ở đây áp dụng.
Trong chăn nuôi bò sữa, công tác chọn đúng giống, giống tốt phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng là yếu tố chính quyết định tới năng suất sữa.
Tinh viên hay còn gọi là tinh đông viên được SX từ tinh dịch của bò đực giống. Sau khi pha loãng trong môi trường, người ta làm đông lạnh để bảo quản. Loại tinh đông viên có giá thành rẻ, dễ SX, dễ bảo quản. Dụng cụ dùng để phối tinh đơn giản và rẻ tiền. Tuy vậy ở dạng tinh đông viên có nhược điểm: Trong quá trình thao tác dễ nhiễm bẩn và không ghi lại được số liệu của con đực giống trên viên tinh từ đó khó khăn cho công tác quản lý giống. ở nước ta đã SX thành công tinh đông viên ở Trung tâm Moncada bao gồm các giống bò Redsindhi, Brahman, Saliwal chủ yếu phục vụ cho chương trình sinh hoá đàn bò để cải tạo đàn bò vùng địa phương như ở Hàm Thuận Bắc đã thực hiện.
Bò cái dễ bị kích thích, không ở yên, hay đi lại, có xu hướng đến gần người và người dễ đến gần; mắt tinh và sáng hơn thường lệ; bò tỏ ra bồn chồn ngơ ngác.
Chăn nuôi trâu bò là nghề truyền thống của nông dân Việt Nam. Chăn nuôi trâu bò ở nước ta mang tính kiêm dụng theo hướng khai thác sức kéo - phân bón -thịt. Thời gian gần đây, chăn nuôi trâu bò đang chuyển sang kiêm dụng thịt – phân bón – sức kéo và dần hình thành hướng chăn nuôi chuyên thịt (chủ yếu trên bò).