Xả lũ cải tạo đất
Bình Tân đã thực hiện một công trình khoa học đáng ghi nhận, dù chưa có kết quả cuối cùng, nhưng đây là vấn đề cần quan tâm và cần có sự hỗ trợ về khoa học nghiên cứu, kinh phí và chủ trương. Bởi ý nghĩa của việc xả lũ ở huyện Bình Tân mang tầm vóc của toàn vùng.
Ruộng lúa ở những khu được bao đê giữa mùa nước nổi của huyện Bình Tân.
Đó không chỉ là việc ứng xử, ứng dụng hiệu quả đối với mùa nước nổi hàng năm, còn là vấn đề khoa học giải quyết tình trạng “bạc màu” của đất nông nghiệp.
Tận dụng lợi ích mùa nước hàng năm
Trong những ngày mực nước dâng cao nhất vào ngày rằm tháng 9 âm lịch, chúng tôi có nhiều chuyến công tác về huyện Bình Tân, vẫn thấy có sự “điềm tĩnh” lạ kỳ, khi mà những rẫy khoai, những ruộng lúa, vườn cây vẫn tiếp tục “hành trình” ra hoa, kết trái một cách rất bình thường.
Xen giữa những khu vực nước lũ tràn về ngập lút cánh đồng, thì có những khu vực ruộng, rẫy, cây trồng hoàn toàn không hề hấn gì.
Thật sự ngạc nhiên! Bình Tân, đang thực hiện cuộc thí nghiệm mang tính chất “lịch sử” khi nghiên cứu tính hiệu quả của việc xả lũ hàng năm như thế nào, lợi hại ra sao?
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Tân Bùi Văn Dai rất hào hứng với công trình nghiên cứu khoa học xả lũ về vùng hoa màu truyền thống Bình Tân.
Từ một cán bộ lãnh đạo ở địa phương nhiều năm gắn bó với ruộng rẫy, với nông dân, ông Dai rất hiểu những khó khăn, những ưu thế của địa phương mình.
Riêng đối với công trình nghiên cứu tác dụng của xả lũ năm 2018 ở Bình Tân, ông cho rằng, đây là việc làm vô cùng ý nghĩa, có tính chất đột phá để từ đây xây dựng nên một văn hóa ứng xử tốt với con nước hàng năm.
Được biết, tổng diện tích xả lũ của toàn huyện Bình Tân năm 2017 là 6.060ha, tăng so năm 2016 là 3.050 ha. Sau quá trình xả lũ, huyện đã tiến hành khảo sát cụ thể trên từng địa bàn.
Theo đó, Bình Tân có 11 xã trên địa bàn huyện không thực hiện công tác xả lũ. Qua khảo sát có 9 xã đã xả lũ là: Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh, Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, Tân An Thạnh, Tân Lược, Thành Đông và Thành Lợi.
Còn 2 xã không xã lũ là Tân Bình và Tân Quới. Số ấp có xả lũ là 42, trong đó có 39 ấp có cây trồng đã thu hoạch nên nắm thông tin được, còn 3 ấp có xả lũ nhưng thời điểm khảo sát nông dân chưa thu hoạch khoai lang nên không nắm được thông tin, gồm: Tân Hưng (1 ấp); Thành Trung (1 ấp); Tân Thành (1 ấp).
Đối với diện tích đất trồng cây hàng năm trên địa bàn huyện, nói chung điều kiện thủy lợi nội đồng đã hình thành từng ô bao nên rất thuận lợi cho việc xả lũ.
Đặc biệt, trên đất trồng khoai lang và rau màu các loại có mương thủy lợi từng thửa nên cũng rất thuận lợi cho việc xả lũ, cũng như việc tưới tiêu cho cây trồng...
Việc xả lũ ngập sâu và kéo dài thời gian sẽ được nhiều mặt lợi: đón được lượng phù sa rất lớn vào đồng ruộng nhằm tái tạo lại độ màu mỡ của đất đã bị khai thác gần cạn kiệt các năm qua;
tháo chua, rửa phèn các khu vực đã khép kín các năm qua chưa được xả lũ do dân khống chế mực nước để sản xuất liên tục các tháng trong năm;
diệt được một số đối tượng dịch hại trú ẩn trong đồng ruộng. Đặc biệt là dễ diệt chuột bằng phương pháp truyền thống mà không phải diệt bằng thuốc hóa học rất nguy hiểm như thời gian qua.
Rơm rạ, bã thực vật… sau khi thu hoạch còn rơi lại trên đồng sẽ dễ bị tiêu hủy để tạo nguồn phân hữu cơ.
Cụ thể xả lũ một cách chủ động hàng năm giúp cho đất có thời gian nghỉ và dịch bệnh xuất hiện ít hơn, nên đã giảm được số lần phun thuốc đối với cây khoai lang, dưa hấu và hành lá.
Riêng cây lúa, vẫn giảm đối tượng dịch hại, tuy nhiên số lần phun thuốc không giảm (bình quân 5,8 lần). Do chủ yếu là phun thuốc trừ cỏ 2 lần giai đoạn đầu;
phun thuốc ngừa bệnh giai đoạn trước và sau trổ 2- 3 lần) để ngừa các bệnh tấn công lá, cổ gié, cổ bông và lem lép hạt trong điều kiện không khí lạnh, nhiệt độ thấp, sương mù xuất hiện nhiều đợt của vụ Đông Xuân năm 2018 vừa qua.
Một số vấn đề cần quan tâm
Xả lũ cải tạo độ màu của đất.
Việc khảo sát nhiều diện tích, nhiều hộ… làm kéo dài thời gian, nên việc sơ kết chậm (gần thời gian lũ về nên khó bố trí thời vụ hợp lý để xả lũ năm 2018).
Do công tác xả lũ ở một số nơi chưa được phổ biến rộng rãi, chính xác địa điểm, thời điểm, thời gian xả lũ, thời điểm kết thúc xả lũ cho nhân dân nắm.
Việc sản xuất rau màu trong mùa lũ không theo quy hoạch, phân tán, một số nơi không có bờ bao an toàn… chính là khó khăn lớn nhất trong công tác xả lũ.
Vì nếu xả lũ ngập ít, hiệu quả không cao; còn xả lũ ngập sâu mà gặp mưa dầm kéo dài, không thoát nước được trong mùa lũ, nguy cơ ảnh hưởng sản xuất đến các hộ trong khu vực là rất lớn.
Đối với vùng chuyên trồng lúa, việc xả lũ rất dễ dàng vì mặt bằng của đất giữa các khu vực trong cùng 1 ô bao thủy lợi chênh lệch nhau không lớn.
Tuy nhiên, đối với vùng trồng màu chuyên, bờ liếp cao hơn bờ thửa (Tân Quới, Tân Bình và một phần của các xã Thành Lợi, Thành Đông, Tân Lược và Tân An Thạnh), nếu không bố trí cây trồng tập trung cùng một giống, trồng đồng loạt để thu hoạch cùng một thời điểm thì không thể xả lũ được, vì nếu xả lũ sẽ tràn vào các thửa xung quanh do bờ liếp cao hơn bờ thửa.
Huyện Bình Tân sẽ tiếp tục khảo sát, quy hoạch xác định vùng cần xả lũ, thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc việc xả lũ cụ thể từng khu vực và công khai rộng rãi cho các hộ dân sản xuất cùng khu vực biết để chủ động bố trí cây trồng, mùa vụ sản xuất hợp lý.
Tùy theo điều kiện đất đai, cây trồng mà cơ cấu lại thời vụ sản xuất hợp lý theo hướng chủ động xả lũ đón phù sa vào đồng ruộng.
Chương trình xả lũ theo quy hoạch hàng năm của huyện Bình Tân sau khi được đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm, sẽ là đóng góp to lớn cho cả vùng, khu vực lân cận, góp phần cải thiện môi trường đất nông nghiệp, dần mang lại độ phì nhiêu, độ màu cho đất sau thời gian dài “thiếu phù sa” từ mùa nước nổi hàng năm.
Thời điểm xả lũ bắt đầu giữa tháng 6 âl (nhưng chỉ vài hộ). Phổ biến là từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 10 âl là kết thúc. Thời gian xả lũ ngắn nhất là 15 ngày; cao nhất là 101 ngày. Bình quân khoảng là 56 ngày đối với cây khoai lang; 32,6 ngày đối với cây dưa hấu và 70 ngày đối với cây lúa.
Related news
Ngay sau khi hết mưa lũ thì tiến hành cày vùi lúa chét, vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2018-2019.
Giống lúa chịu hạn DH39 do TS. Lại Đình Hòe, ThS. Trần Văn Tứ, KS. Đỗ Minh Hiện, KS. Nguyễn Thị Cẩm Tú cùng cộng sự Viện Khoa học Nông nghiệp VN chọn thành công
Đây là giống lúa thuần do Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi chọn tạo, giống có TGST trong vụ ĐX từ 105 - 120 ngày, vụ HT từ 100 - 108 ngày