Xã Hải Lạng (Quảng Ninh) Thí Điểm Nuôi Tôm Công Nghiệp
Nhằm thay đổi phương thức nuôi tôm quảng canh sang nuôi công nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã triển khai dự án nuôi thử nghiệm công nghiệp tôm thẻ chân trắng tại 6 hộ dân trên địa bàn xã Hải Lạng.
Gia đình ông Đặng Văn Sáu, thôn Hà Dong Nam (xã Hải Lạng), là một trong 6 hộ gia đình tham gia dự án. Gia đình ông đã chuyển đổi trên 4ha ao đầm từ phương thức nuôi quảng canh kém hiệu quả sang nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng theo phương thức công nghiệp.
Hiện gia đình ông đang khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị ao đầm cho thả nuôi vụ xuân hè. Ông Đặng Văn Sáu cho biết: Nuôi tôm công nghiệp chúng tôi có thể chủ động trong việc điều tiết nước, nhiệt độ nên hiệu quả mang lại cao hơn nuôi quảng canh. Với diện tích 4ha tham gia dự án, 3 ao nuôi và 2 ao xử lý nước thải. Vụ xuân hè này gia đình tôi dự kiến thả khoảng 100 vạn con giống.
Là xã có thế mạnh về nuôi trồng thuỷ hải sản, nhiều năm nghề nuôi trồng thuỷ hải sản ở Hải Lạng phát triển mạnh và đã giúp cho nhiều hộ nông dân mở rộng vùng canh tác, phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, người dân trên địa bàn chỉ nuôi ở hình thức quảng canh phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh thường xuyên xảy ra nên người dân đã không còn mặn mà với nghề nuôi trồng thuỷ hải sản.
Bà Nguyễn Thị Việt, thôn Thống Nhất, cho biết: Trước đây, khu vực này hầu hết mọi người dân đều nuôi theo hướng quảng canh, hiệu quả mang lại không cao. Thực hiện dự án chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi công nghiệp, gia đình tôi cùng một số hộ trong thôn đã mạnh dạn đăng ký tham gia dự án. Đến nay, 3 ao nuôi của gia đình đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng xuống giống vụ xuân hè này.
Để khai thác thế mạnh nghề nuôi trồng thuỷ sản tại xã Hải Lạng, từ tháng 9-2013 huyện Tiên Yên đã phê duyệt dự án nuôi thử nghiệm công nghiệp tôm thẻ chân trắng tại 6 hộ gia đình, mỗi ao, đầm có diện tích 5.000m2. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 80% về giá giống, 20% giá thức ăn, hoạt chất xử lý ao nuôi và sản phẩm dinh dưỡng được hỗ trợ 50%, ngoài ra còn được hỗ trợ 50% kinh phí lắp đặt bộ cánh quạt nước, bạt lót đáy ao và được hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao về kỹ thuật.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM, huyện Tiên Yên đã tập trung đầu tư xây dựng đường liên thôn, kéo lưới điện hạ áp đến tận nơi sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nuôi trồng. Đến nay, các hộ tham gia dự án đã hoàn thành xong hệ thống bờ vây ao nuôi, rắc vôi bột, chuẩn bị tiến hành xả nước, xuống giống theo đúng kế hoạch đề ra.
Đồng chí Nguyễn Văn Đề, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lạng cho biết: Hải Lạng là xã ven biển vùng thấp, có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển đồng bộ một nền kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp.
Năm 2014, được sự quan tâm của các cấp, triển khai xây dựng dự án phát triển kinh tế, chọn làm điểm 6 mô hình chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm công nghiệp. Hiện nay, 6 mô hình đã cơ bản hoàn thành, dự kiến đến trung tuần tháng 5 này, thì tất cả 6 mô hình sẽ đồng loạt xuống giống, đảm bảo thời vụ, thời tiết trong thời gian nuôi.
Việc chuyển đổi từ phương thức nuôi tôm quảng canh sang nuôi công nghiệp và chuyển đối tượng từ con tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng đã khai thác lợi thế tiềm năng mặt nước, sẽ tăng sản lượng nuôi trồng, thu nhập cho người nông dân xã Hải Lạng. Đây cũng là tiền đề để giúp hình thành vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá tại Tiên Yên nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Related news
Vấn đề làm người trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện Chư Sê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung những năm qua nhứt đầu là tình trạng bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu ngày càng khó kiểm soát. Trước tình hình đó, những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê triển khai và nhân rộng nhiều mô hình giúp người dân thâm canh cây hồ tiêu theo hướng bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế huyện nhà.
Cách đây 5 năm, ông Trương Nguyên (49 tuổi) ở thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (TP. Quảng Ngãi) đã mạnh dạn từ bỏ những loại cây trồng truyền thống như đậu, bắp để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, hồ tiêu… Với cách làm đó đã giúp gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và trở thành mô hình kinh tế điển hình để bà con nông dân học hỏi, làm theo.
Ngày 28/8/2015, tại xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh thanh long bền vững.
Do đặc thù chín lệch ngày so với chính vụ, thơm ngon đồng thời cho sản lượng cao hơn các giống khác nên nhãn chín muộn ở vùng đất đồi Yên Thế (Bắc Giang) chiếm được cảm tình của khách hàng gần xa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Làng quê xã Bồ Lý (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) những ngày này đang náo nhiệt, tấp nập vào mùa thu hoạch na, tiếng cười nói của người trồng na và thương lái rộn ràng khắp nơi. Những năm qua, cây na dai là một loại cây đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.