Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vựa Lúa Mộ Đức Có Cánh Đồng 20 Tấn

Vựa Lúa Mộ Đức Có Cánh Đồng 20 Tấn
Publish date: Friday. April 20th, 2012

Vụ đông xuân này, ngoài "bể bồ" do lúa lai mang lại thì nông dân Mộ Đức lại tiếp tục ghi điểm với mô hình "Cánh đồng 20 tấn". Đây có thể được xem là "Cánh đồng mẫu" đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, tạo bước đột phá về năng suất và thói quen canh tác, sản xuất lúa theo hướng chuyên canh.

Lúa "bể bồ"…

Xứ đồng Đồng Xe và Mẩu Cả ở thôn Năng An, xã Đức Nhuận là một trong những khu vực có chân ruộng tốt. Vì vậy, ngay cả các loại giống lúa truyền thống dù "kén" đất, cũng cho năng suất trên 70 tạ/ha. Tuy nhiên, dù vượt trội về năng suất so với các địa phương khác nhưng để vượt con số 90 tạ/ha, thì quả là một kết quả tuyệt vời của nông dân nơi đây.

"Cả đời gắn bó với cây lúa, chưa bao giờ tôi thấy lúa nhiều "bể bồ" như vụ này. 600 m2 ruộng trúng lắm cũng chỉ được 11 - 12 bao thôi. Vậy mà vụ này giống lúa BTE1 cho tôi tận 18 bao", lão nông Nguyễn Trước khoe.

Đang lúi húi phụ giúp vợ con làm lúa bên cạnh, ông Trần Văn Thanh ở thôn Năng An cũng nghỉ tay, tranh thủ góp chuyện về "hiện tượng" lúa lai BTE1. Ông Thanh bảo: Khi tham gia vào mô hình "Cánh đồng 20 tấn", ông cũng bán tín bán nghi vì làm gì có giống lúa nào cho năng suất cao đến thế. "Nghĩ thế, nhưng mình cũng gieo sạ thử một lần xem sao. Không ngờ khi gặt 5 sào lúa lai, tôi mừng rơn vì thu tới 24 tạ thóc", ông Thanh phấn khởi nói.

Chung niềm vui trúng mùa với ông Trước, ông Thanh là 83 hộ dân ở thôn Năng An tham gia sản xuất lúa theo mô hình "Cánh đồng 20 tấn". Để rồi, từ chỗ nghi ngờ, e dè về tính xác thực của con số 20 tấn/ha/2 vụ/năm thì đến nay, nông dân đã thật sự yên tâm với khả năng "mắn" đẻ nhánh, "mắn" cho hạt của lúa lai. Nhờ vậy mà mục tiêu xây dựng cánh đồng lúa đạt 50 triệu đồng/ha/vụ đã nhanh chóng "vượt rào", khi mà vụ này nông dân Năng An đã thu được 57 triệu đồng/ha. Theo ông Nguyễn Tấn Vỹ - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông huyện Mộ Đức thì: Tuy chi phí sản xuất cao hơn các loại giống lúa truyền thống (gần 3,8 triệu đồng/ha), nhưng lúa lai lại cho năng suất 95 - 100 tạ/ha (cao hơn lúa thường 30 - 35 tạ/ha). Với giá lúa lai hiện nay là 6.500 đồng/kg thì mỗi hecta, nông dân thu lãi từ 15,7 - 18,9 triệu đồng.

Các "nhà" vào cuộc

Không riêng gì Năng An, mà hàng trăm nông dân ở các xã: Đức Thắng, Đức Hiệp, Đức Phú, Đức Lợi, Đức Thạnh cũng rất phấn khởi vì có được vụ lúa bội thu nhất từ trước đến nay. Với giống lúa siêu hạt BTE1, lần đầu tiên nông dân xã Đức Hiệp vượt ngưỡng 95 tạ/ha, con số quá lý tưởng với những vùng đất không mấy màu mỡ như Phước Sơn, An Long.

Bên cạnh niềm vui lúa đầy "bể bồ", điều khiến nông dân hài lòng nhất chính là sự có mặt của các doanh nghiệp (DN) để kịp thời tháo gỡ và chia sẻ khó khăn với họ. "Lúc đầu sản xuất lúa lai, tôi e ngại vì chẳng biết lấy đâu tiền để đầu tư, vì giá giống và phân bón đều tăng cao. Rất may là nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và DN nên nông dân chúng tôi mới có cơ hội được mùa", bà Huỳnh Thị Vàng ở thôn Phú An (Đức Hiệp) bộc bạch.

Theo đó, nhằm khuyến khích người dân tham gia sản xuất lúa lai trên diện tích 102,8 ha, huyện Mộ Đức đã trích ngân sách hơn 450 triệu đồng để hỗ trợ 50% chi phí mua giống lúa lai cho nông dân. Đồng thời ký hợp đồng với Công ty TNHH Toàn Phát cung ứng phân bón, vật tư sản xuất với giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo.

Lợi nhuận mà lúa lai mang lại đã rõ, nhưng vấn đề nông dân lo lắng chính là tình trạng giá giống liên tục "nhảy múa" trong thời gian qua. Nếu như vụ đông xuân 2010 - 2011, BTE1 có giá 85.000 đồng/kg thì vụ này đã tăng lên 88.000 đồng/kg và dự kiến sắp tới là 100.000 đồng/kg. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi, hiện nước ta chưa sản xuất được các loại giống lúa lai mà phải nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc… Như vậy, trong khi nông dân "tay không" sản xuất lúa vì không chủ động được nguồn giống thì đến một lúc nào đó, khi lúa lai đã chiếm lĩnh đồng ruộng, việc DN ép nông dân bằng cách gây "cháy" giống để nâng giá sẽ là điều dễ hiểu.

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Xuân Đào - cán bộ phụ trách kỹ thuật - kinh doanh giống lúa của Công ty TNHH Bayer Việt Nam khẳng định: Không có chuyện DN lợi dụng sự độc quyền để tăng giá. Vì hiện nay, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các DN trong việc cung ứng giống lúa lai sẽ là điều kiện thuận lợi, giúp nông dân lựa chọn đối tác phù hợp với mình. Mặt khác, để hạn chế việc phụ thuộc giống vào DN nước ngoài, chúng tôi đang triển khai sản xuất các loại giống lúa lai ngay trong nước để giảm chi phí và giá thành.

Thiết nghĩ, việc xây dựng "Cánh đồng 20 tấn" không chỉ là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân có điều kiện tiếp cận với những giống lúa cho năng suất chất lượng cao, cải thiện ý thức canh tác mà còn là tiền đề để địa phương xây dựng thành công cánh đồng chuyên canh lúa theo kiểu "Cánh đồng mẫu lớn" hiện đại, hiệu quả.


Related news

Triển vọng cho đất lúa thiếu nước Triển vọng cho đất lúa thiếu nước

Huyện Núi Thành có hàng trăm héc ta đất sản xuất lúa ở cuối kênh thường thiếu nước trong vụ hè thu phải bỏ hoang hoặc sản xuất thiếu hiệu quả. Mới đây, mô hình trồng đậu phụng xen đậu xanh trên đất lúa chuyển đổi ở xã Tam Nghĩa đạt kết quả đã mở ra triển vọng mới cho nông dân.

Thursday. July 23rd, 2015
Gà đồi Sóc Sơn thơm, ngon, chất lượng bảo đảm Gà đồi Sóc Sơn thơm, ngon, chất lượng bảo đảm

Hiện nay tổng đàn gà toàn huyện Sóc Sơn có khoảng 1,02 triệu con, trong đó đàn gà thịt có khoảng 479 nghìn con tập trung chủ yếu ở các Nam Sơn, Bắc Sơn. Quy mô chăn nuôi từ 500 đến 600 con gà thịt/hộ.

Thursday. July 23rd, 2015
Làm giàu trên vùng đất khó Làm giàu trên vùng đất khó

Ông Trần Đình Lựu được nhiều người biết đến là chủ của một trong những trang trại “ăn nên làm ra” ở vùng rú cát xã Quảng Lợi (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế). Với mô hình nuôi gà thịt kết hợp lấy trứng, trang trại ông cho thu nhập mỗi năm lên đến 1,6 tỷ đồng.

Thursday. July 23rd, 2015
Ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định Ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định

Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, đầu năm đến nay, dù còn nhiều thử thách về dịch bệnh, thiên tai, giá thức ăn tăng cao, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn nhưng ngành chăn nuôi vùng ĐBSCL phát triển khá ổn định, đảm bảo kế hoạch đề ra. Ngành chăn nuôi vùng ĐBSCL đã và đang từng bước phát triển theo hướng chăn nuôi hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường… nhờ đó góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của ngành chăn nuôi cả nước.

Thursday. July 23rd, 2015
Thị trường thiết bị chăn nuôi sân của hàng nội Thị trường thiết bị chăn nuôi sân của hàng nội

Đồng Nai là nơi phát triển mạnh về chăn nuôi. Do đó, ngành sản xuất thiết bị chăn nuôi, thiết bị xây dựng chuồng trại cũng sớm hình thành và không ngừng phát triển. Từ hình thức sản xuất theo hướng gia công sản phẩm theo đơn đặt hàng của người chăn nuôi, ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, xây dựng thương hiệu riêng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thursday. July 23rd, 2015