Home / Tin tức / Tin thủy sản

Vỡ mộng xuất khẩu cá nóc

Vỡ mộng xuất khẩu cá nóc
Author: Thuận Hải
Publish date: Tuesday. May 3rd, 2016

Kết quả không cao

Ông Nguyễn Tri Phương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên, cho biết có một doanh nhân người Hàn Quốc rất am hiểu về cá nóc. Sau nhiều năm thua lỗ với cá cơm, khi Bộ NNPTNT cho phép thí điểm XK cá nóc, vị doanh nhân này bắt tay vào đầu tư xây dựng nhà xưởng với diện tích 650m2, kho lạnh công suất 50 tấn với các thiết bị như tủ đông, thiết bị sơ chế… đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp (DN) này sau đó thu hút được 14 DN Hàn Quốc khác sang Phú Yên cùng ngư dân thu gom cá nóc để chế biến XK. Trong 2 năm 2013 – 2014, DN đã XK được 47,3 tấn cá nóc thành phẩm sang Hàn Quốc. Song năm 2015, DN lại xin dừng đề án vì thiếu nguồn nguyên liệu, thiếu tài chính…

Cuối tháng 6 năm 2013, Bộ NNPTNT có quyết định phê duyệt đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và XK cá nóc đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2013 – 2015, thực hiện tại 5 địa phương gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Hải Phòng. Đề án đặt mục tiêu thu về gần 50 tỷ đồng với dự tính sản lượng khoảng 1.600 tấn, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho khoảng 1.000 lao động.

Khi Bộ NNPTNT triển khai đề án, nguồn cá nóc rất lớn nhưng khi thực hiện, Hàn Quốc chỉ nhập 3 loại- cá nóc chim - bạc - xanh. “Nguyên liệu chủ yếu từ tàu lưới kéo (giã cào) nên không ổn định, không đáp ứng số lượng đặt hàng lớn của phía nhà nhập khẩu”- ông Phương giải thích.

Ông Đặng Văn Lương – Phó Trưởng phòng Quản lý thủy sản (Sở NNPTNT Bà Rịa–Vũng Tàu) nói, để XK sang Hàn Quốc, cá nóc phải đạt trọng lượng 0,5kg/con trong khi giá thu mua chỉ 20.000 – 25.000 đồng/kg nên ngư dân không có lãi, phía DN lại yêu cầu ngư dân phải ướp cá nóc trong khay đá nên chi phí cao.

Trước đây, ngư dân Vũng Tàu khi cào được cá nóc chỉ dùng để bán làm nguyên liệu phân bón với giá từ 8.000 – 9.000 đồng/kg nhưng vẫn có lời do không tốn công phân loại, bảo quản thô sơ.

Ông Lương cho rằng, Vũng Tàu đang xây dựng 3 khu chế biến thủy sản tập trung và kêu gọi các dự án đầu tư công nghệ cao. Trong khi đó, chế biến cá nóc chủ yếu là sơ chế, XK nguyên con. Hơn nữa, hiện tại, DN nhập khẩu phía Hàn Quốc đã… lặn mất tăm nên địa phương này cũng không còn cơ sở triển khai tiếp đề án.

DN vẫn được xuất hàng tồn

Trong 5 địa phương thí điểm thu mua, XK cá nóc, nay chỉ còn Khánh Hòa có mong muốn tiếp tục thực hiện đề án này. Tuy nhiên, để hoạt động này có thể phát triển được, cần kiểm soát chặt chẽ, nhất là giá bán.

Ông Nguyễn Quốc Bảo Anh – Giám đốc Công ty Phước Thọ (Khánh Hòa), cho hay, dù mới thí điểm gần 3 năm nhưng đã xuất hiện tình trạng DN Việt Nam cạnh tranh nhau bằng cách bán rẻ. Năm 2013, công ty ông XK được 42 tấn cá nóc sang Hàn Quốc nhưng sang năm 2014 chỉ còn 9,6 tấn. Nguyên nhân là do khách hàng Hàn Quốc vào các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang để mua cá nóc với giá chỉ 1,2-1,3 USD/kg, trong khi giá bán của Phước Thọ từ 1,45-1,55 USD/kg.

Ông Anh phân trần, nếu chỉ XK với giá 1,2 - 1,3 USD/kg, tính ra tiền Việt là 26.000 đồng/kg thì không có lợi gì. Kể cả bán với giá 30.000 đồng/kg cũng chưa có lời. Do đó, DN này mong muốn được tiếp tục tạo điều kiện để XK cá nóc, tuy nhiên, các DN tham gia phải đưa giá trị của sản phẩm lên, phải bán với giá từ 1,5USD/kg trở lên thì mới hiệu quả.

“Có lần 1 DN ở Kiên Giang nhờ tôi XK ủy thác sang Hàn Quốc với giá chỉ 1,3 USD/kg. Tôi hỏi sao bán với giá thấp như vậy, họ bảo chỉ cần lời 1.000-2.000 đồng/kg là xuất được rồi. Nếu duy trì giá này, phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục ép giá, không có lợi cho ngư dân và DN Việt Nam” - ông Bảo Anh phân tích.

Ông Lê Tấn Bản – Giám đốc Sở NNPTNT Khánh Hòa, cho rằng, với nguồn trữ lượng cá nóc phong phú, địa phương này đã thực hiện việc thu gom, chế biến XK khá tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tại Khánh Hòa, cá nóc từ tàu thuyền về chỉ được tập trung tại cảng Hòn Rớ, tránh tình trạng mua bán tràn lan. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng thực hiện xác nhận thời gian, địa điểm lô hàng cá nóc được thu mua nhằm đảm bảo việc quản lý.

Cho rằng cá nóc Việt Nam đang được thị trường Hàn Quốc chấp nhận, tạo thêm cơ hội việc làm cho ngư dân và tránh lãng phí tài nguyên, tỉnh Khánh Hòa mong muốn được tiếp tục thực hiện đề án này. Ông Bản cũng cho rằng, cá nóc có độc tố cao nhưng lại có nhiều giá trị kinh tế mà các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã nghiên cứu từ rất lâu. Việt Nam cũng cần nghiên cứu, nâng cao hiểu biết về các loại cá này.

Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, đến cuối năm 2015, Đề án này đã kết thúc nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Mặc dù vậy, Bộ NNPTNT sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép các DN đủ điều kiện tiếp tục XK cá nóc. Trước khi Bộ NNPTNT ban hành quy định mới thì các DN vẫn tiếp tục được phép XK nguồn hàng còn tồn kho.


Related news

Sớm ổn định tư tưởng, hỗ trợ nông dân vùng biển có cá chết Sớm ổn định tư tưởng, hỗ trợ nông dân vùng biển có cá chết

Trước thực trạng cá biển chết bất thường tại một số vùng biển từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng diễn ra vừa qua, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam Lại Xuân Môn vừa ký công văn gửi Hội nông dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sớm có những biện pháp hỗ trợ nông dân vùng biển có cá chết.

Friday. April 29th, 2016
Ngao chết ở Quảng Ninh lượng lớn giống nhập từ Trung Quốc Ngao chết ở Quảng Ninh lượng lớn giống nhập từ Trung Quốc

“Cỡ giống ngao dầu và nghêu Bến Tre dân thả nuôi từ 500–1.000 con/kg được người dân nhập từ Trung Quốc và 2 tỉnh Nam Định, Thái Bình về thả nuôi, hầu hết không có hóa đơn chứng từ mua bán, không kiểm dịch”.

Friday. April 29th, 2016
Hàu chết hàng loạt là do độ mặn quá cao Hàu chết hàng loạt là do độ mặn quá cao

Trung tâm Quan trắc Môi trường và Thủy sản Nam Bộ (Viện Nghiên cứu Thủy sản II, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây ra hiện tượng hàu chết hàng loạt ở xã Thừa Đức và Thới Thuận (Bình Đại, Bến Tre) gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Friday. April 29th, 2016