Vỗ béo, thụ tinh nhân tạo tăng năng suất, chất lượng đàn bò
Ngày 15/11, tại Thanh Hóa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức hội nghị Sơ kết dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính”.
Mô hình triển khai tại phường Bắc Sơn cho năng suất, chất lượng vật nuôi vượt trội. Ảnh: Việt Khánh
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, trong kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi mà Bộ NN-PTNT đang triển khai, giống là khâu then chốt mở đầu cho cả quá trình chuyển đổi, vì vậy việc ứng dụng thụ tinh nhân tạo (TTNT) là tiền đề nhằm nâng cao chất lượng bộ giống Quốc gia. Dù vậy, quy trình TTNT chưa được áp dụng rộng rãi, thực hiện chương trình Sind hóa đàn bò đã lâu nhưng đến năm 2016 mới chỉ đạt 57%, riêng các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc là 21%.
“Sử dụng kỹ thuật vỗ béo trong chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả cao, công nghệ chuyển giao đơn giản, dễ thực hiện, rút ngắn thời gian nuôi giúp cho người nông dân nâng cao ít nhất giá trị kinh tế từ 10 - 15% so với phương thức truyền thống.
Từ những lý do đó, việc triển khai dự án là cần thiết tại các cùng chăn nuôi chính, góp phần chuyển hướng chăn nuôi sang hình thức bán thâm canh và thâm canh hàng hóa”, bà Hạnh chia sẻ.
Xác định việc lựa chọn địa điểm trình diễn đóng vai trò tiên quyết, do đó ngay từ ban đầu dự án đã đề ra các tiêu chí cụ thể, chi tiết như ưu tiên các xã xây dựng NTM, những địa phương có chính sách và quy hoạch phát triển chăn nuôi đại gia súc; các hộ tham gia phải có khả năng đối ứng; cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn, đảm bảo điều kiện chuồng trại hợp vệ sinh, có kinh nghiệm trong nuôi bò.
Đối với mô hình cải tạo đàn bò ưu tiên lựa chọn các xã có tỷ lệ bò lai thấp, chủ yếu đang áp dụng bằng phương pháp phối giống trực tiếp, đảm bảo số lượng bò cái nền đạt tiêu chuẩn, nằm trong độ tuổi sinh sản. Tương tự, bò tham gia mô hình vỗ béo phải đảm bảo đúng đối tượng, không sử dụng vào mục đích cày kéo, vắt sữa, sinh sản. Từ những yếu tố trên, dự án đã sàng lọc và lựa chọn được 630/856 hộ đăng ký, chiếm tỷ lệ 73,6% thực hiện trình diễn trên 9 mô hình, bao gồm 4 mô hình cải tạo và 5 mô hình vỗ béo.
Tham gia mô hình, các hộ phải tự đối ứng 50%, phần còn lại sẽ được nhà nước hỗ trợ. Cụ thể 1 con bò cái nền có chửa được cấp 120 kg thức ăn hỗn hợp, 0,5 liều tinh, 0,5 lít nitơ; với bò vỗ béo là 135kg thức ăn hỗn hợp, 0,5 liều thuốc nội ký sinh trùng, 0,5 liều thuốc ngoại ký sinh trùng, 0,5 liều sán lá gan.
Đặc biệt, tại mỗi điểm trình diễn sẽ có 2 cán bộ chuyên ngành chăn nuôi thú y, có kinh nghiệm hoạt động khuyến nông thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho các hộ cũng như theo dõi tình hình sinh trưởng của đàn bò.
Ghi nhận thực tế tại các địa phương cho thấy năng suất, chất lượng đàn bò tham gia mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội so với trước đây. Áp dụng phương pháp nhân giống bằng TTNT giúp tăng nhanh tổng đàn, cải thiện khả năng di truyền. Với 616 con bò được TTNT, dự kiến đến đầu năm 2018 sẽ cho ra đời số bê lai tương ứng. Qua khảo sát cho thấy, mỗi con bê lai 1 tuổi có giá trị cao hơn bò nội khoảng 6 – 6,5 triệu đồng/con,
Trong khi đó, bò vỗ béo được tiêm, tẩy nội ngoại ký sinh trùng từ trước, kết hợp với việc sử dụng lượng thức ăn xanh hợp lý nên tăng trọng nhanh, bình quân đạt 740,1 gr/con/ngày, vượt so với yêu cầu 40,1 gr/con/ngày, tương ứng 5,7%. Riêng tại Hòa Bình, mỗi con bò sau 3 tháng vỗ béo cho lãi từ 3 - 3,5 triệu đồng, hiệu quả kinh tế tăng lên 12 - 15% so với các hộ không tham gia dự án.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ bò lại thuộc chương trình dự án tăng lên rõ rệt. Cụ thể, tại phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn) tăng từ 49,89% lên 76,15%; tại xã Thạch Đồng (huyện Thạch Thành) tăng từ 46,92% lên 61,58%.
Bà Trịnh Thị Hòa trú tại khu phố 5, phường Bắc Sơn cho biết: “Tham gia dự án giúp tôi nắm vững được phương pháp phát hiện động dục, quy trình phối giống nhân tạo thay thế cho dùng đực nhảy và đưa giống bò BBB vào áp dụng, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị kinh tế.”
Ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa khẳng định, kết quả bước đầu được đông đảo bà con nông dân đón nhận, đánh giá cao, trong tương lai việc nhân rộng mô hình hoàn toàn khả thi.
Với kinh phí 4 tỷ 500 triệu đồng, năm 2017 dự án triển khai xây dựng được 9 mô hình, 18 điểm trình diễn với quy mô 616 con bò cái được lai tạo và 1.025 con bò được vỗ béo, áp dụng trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai và Thái Nguyên (2 mô hình).
Related news
Dự kiến, sang năm 2018, chương trình xây dựng thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam sẽ hoàn thành, gạo xuất khẩu sẽ được dán logo thương hiệu sản phẩm
Trang trại "vàng" của anh Chuy được gây dựng lên từ những mảnh đất vốn trước đây là ruộng trũng, chiêm khê, mùa thối.
Các công nghệ mới, tiên tiến đang ứng dụng bao gồm: Sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tự động hóa chuồng nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường